Có hay không việc thiếu thuốc điều trị tay chân miệng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thời gian qua, thông tin lan truyền về việc trên thị trường TP.HCM đang thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, trong lúc dịch đang vào mùa cao điểm, khiến nhiều người hết sức lo lắng.
Có thông tin cho rằng thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm ở TP.HCM (Ảnh CarePlus, Hòa Bình ghép)
Có thông tin cho rằng thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm ở TP.HCM (Ảnh CarePlus, Hòa Bình ghép)

Mùa cao điểm tay chân miệng

Theo số liệu từ Sở Y tế TP.HCM và CDC TP.HCM, chỉ riêng trong tuần cuối tháng 9, TP.HCM đã ghi nhận 640 ca tay chân miệng, cao nhất từ đầu năm đến nay và là con số đáng báo động. Nếu tính từ đầu năm tới nay, TP.HCM ghi nhận đến gần 6.500 ca tay chân miệng.

Đặc biệt, đầu tháng 10/2020, ở TP.HCM đã xuất hiện một số ổ dịch tay chân miệng tại các trường học, như khu vực huyện Bình Chánh, nhiều quận có số bệnh nhân đông như các quận 2, 7,8.

Cập nhật tình hình cho đến hiện tại, BS Trương Hữu Khanh -  Trưởng khoa Nhiễm D (BV Nhi Đồng 1) cho biết, số lượng bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng trong tuần đầu tháng 10 tiếp tục tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm.

Bác sĩ cho biết tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm virus đường ruột enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bệnh viện đông đúc trở nên nguy hiểm hơn khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là mùa gia tăng số bệnh nhân sốt xuất huyết. Không những thế, trong cộng đồng lan truyền thông tin cho rằng trên thị trường đang thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, khiến nhiều cha mẹ bệnh nhi lo lắng.

Bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Hòa Bình)
Bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Hòa Bình)


Có thật sự thiếu thuốc điều trị? 

Sở Y tế TP.HCM mới đây đã lên tiếng khẳng định thông tin về việc không có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ là không đúng, có thể gây hiểu lầm và tạo tâm lý hoang mang trong dư luận.

Tuy nhiên, chính xác thì từ tháng 6/2020, các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP. HCM đều có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM thông báo tình hình thiếu thuốc tiêm Phenobarbital, vì Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 ngưng nhập khẩu loại thuốc này về Việt Nam.

Sở Y tế TP.HCM lý giải, trước đây các BV sử dụng thuốc tiêm Phenobarbital (100mg/1ml). Đây là thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt, có tác dụng chống co giật cấp tính và dùng điều trị trẻ sơ sinh bị tay chân miệng nặng.

Thuốc hoạt động bằng cách kiểm soát các hoạt động điện bất thường trong não xảy ra trong một cơn động kinh. Việc kiểm soát và giảm cơn động kinh cho phép thực hiện nhiều hoạt động bình thường hàng ngày, giảm nguy cơ gây hại khi bị mất ý thức và giảm mắc bệnh co giật thường xuyên, đe dọa tính mạng. Phenobarbital được sử dụng trong một thời gian ngắn (thường không quá 2 tuần).

Thị trường Việt Nam lưu hành thuốc tiêm Phenobarbital là Danotan 100mg/ml (Hàn Quốc) do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu và phân phối.

Trẻ bị tay chân miệng đang được điều trị ở BV Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Hoàng Lan
Trẻ bị tay chân miệng đang được điều trị ở BV Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Hoàng Lan


“Tuy nhiên, Phenobarbital (100mg/ml) không phải thuốc chống co giật duy nhất trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng nặng do Bộ Y tế ban hành. Không có Phenobarbital thì truyền IVIG sớm (Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, cung cấp một phổ rộng kháng thể IgG chống lại nhiều vi khuẩn và virus, gây miễn dịch thụ động), nếu có giật sơ sinh mới đổi thuốc” – BS Trương Hữu Khanh nói.

Đồng thời, trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM cũng đã kiến nghị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc Phenobarbital cho các BV. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược cho biết Hàn Quốc đã ngưng sản xuất loại thuốc nói trên. Cục Quản lý dược cũng có văn bản đề nghị các công ty nhập khẩu thuốc liên hệ đối tác nước ngoài tìm nguồn cung ứng nhưng đến nay chưa có kết quả.

Sở Y tế TP.HCM cũng đưa nhận định cho rằng trong tình hình không có Phenobarbital như hiện nay, các BV có thể thay thế bằng các loại thuốc khác như Diazepam, Midazolam…