Có gì đặc biệt trong Luật ủy quyền quốc phòng Mỹ năm 2020? Chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc

VietTimes -- Ngày 17/12, theo giờ Washington, Thượng viện Mỹ với số phiếu áp đảo, đã thông qua 783 tỷ USD trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng (The National Defense Authorization Act, NDAA) năm 2020 mà Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua vào tuần trước. Ngoài việc đề cập đến việc thành lập quân chủng vũ trụ và tăng lương cho quân đội Mỹ, đặc biệt dự luật còn có nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Ngày 17/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự lu.ật ủy quyền Quốc phòng năm 2020 trị giá 783 tỷ USD với nhiều nội dung liên quan đến Trung Quốc. Ảnh: Đông Phương

So với năm tài chính 2019, ngân sách quốc phòng của năm tài chính 2020 được tăng hơn 20 tỷ USD và thành lập quân chủng Vũ trụ Mỹ.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này hôm 11/12 với tỷ lệ áp đảo 377 phiếu thuận/48 phiếu chống và gửi lên Thượng viện. Sau khi được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 86/8 phiếu vào ngày 17/12, NDAA sẽ được trình lên để Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Trước đó, ngày 11/12, ông Trump đã viết tweet nói rằng tất cả các ưu tiên đã được đưa vào bản cuối cùng của NDAA, kêu gọi Quốc hội đừng trì hoãn, và ông “sẽ ký ngay lập tức đạo luật Quốc phòng  lịch sử này!”.

Ngoài việc tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng, dự luật cũng tăng lương cho binh sĩ quân đội Mỹ và nâng số ngày nghỉ được hưởng lương cho nhân viên liên bang để chăm sóc gia đình lên tới 12 tuần. Dưới đây là tóm tắt 7 điểm nổi bật của Đạo luật ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2020:

Mỹ sẽ chi hàng tỷ USD cho việc mua thêm các máy bay chiến đấu hiện đại F-35.

1. 738 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, tăng lương cho quân đội

Dự luật NDAA cho phép ngân sách quốc phòng Mỹ năm tài khóa 2020 sử dụng 738 tỷ USD. Trong số tiền này, 658,4 tỷ USD được phê duyệt cho các chi phí cơ bản, 71,5 tỷ USD được sử dụng cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp ở nước ngoài (Overseas Contingency Operations) và 5,3 tỷ USD được sử dụng để khắc phục thảm họa khẩn cấp (emergency disaster recovery).

Dự luật cho phép chi 1 tỷ USD để mua thêm 12 máy bay chiến đấu F-35A, đồng thời ủy quyền chi 440 triệu USD để mua lại số máy bay chiến đấu F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng ban đầu, hỗ trợ tiền vốn cho việc phát triển máy bay chiến đấu tầm xa B-21, hỗ trợ yêu cầu ngân sách mua 8 máy bay F-15EX; cho phép chi thêm 75,6 triệu USD cho chương trình máy bay tấn công tầm xa trong tương lai; hỗ trợ gần 1 tỷ USD cho dự án chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của Không quân.v.v.

Ngoài ra, NDAA còn quy định tăng 3,1% tiền lương cho quân đội - mức tăng lớn nhất trong 10 năm.

Hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Donald Trump đã ký quyết định thành lập quân chủng Không gian Vũ trụ.

2. Thành lập quân chủng Không gian Vũ trụ

Dự luật cho phép áp dụng một loạt biện pháp nhằm duy trì ưu thế quân sự của Mỹ, bao gồm chính thức xác định không gian là một lĩnh vực tác chiến và ủy quyền cho quân đội thành lập một quân chủng thứ 6 - Lực lượng Không gian Vũ trụ Mỹ. Hiện tại, quân đội Mỹ có 5 quân chủng là: Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Không quân và Cảnh sát biển (hay Cost Guard - Lực lượng phòng thủ bờ biển).

72,4 triệu USD trong NDAA được sử dụng để thành lập một trụ sở của quân chủng Không gian Vũ trụ mới. Lực lượng Không gian có hai mục tiêu chính: Tạo ra không gian vũ trụ tự do và thực hiện được các hoạt động tác chiến “nhanh và lâu dài” trong không gian. Các chức trách cụ thể bao gồm bảo vệ lợi ích không gian của Mỹ, phòng ngự chống lại các cuộc tấn công của đối phương từ không gian và thực hiện tất cả các nhiệm vụ trong không gian của chính phủ Mỹ.

NDAA sẽ đặt ra một chức vụ mới: Giám đốc không gian để báo cáo với các Bộ trưởng Không quân và các thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Giám đốc Không gian và một thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân giám sát Lực lượng Không gian và tài sản của nó. Bộ trưởng Không quân phải thành lập Ủy ban Mua sắm của Lực lượng Không gian vào năm 2020 để quản lý và quyết định tài sản cần mua.

Mỹ luôn cho rằng việc Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài theo chiến lược “Vành đai, con đường” có hại cho lợi ích an ninh của Mỹ.

3. Đánh giá đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc

NDAA yêu cầu chính phủ Mỹ đánh giá các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, bao gồm các dự án thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc hoặc các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hoặc vật lý do chính phủ Trung Quốc  kiểm soát và sự liên quan của các dự án này đến các mục tiêu quân sự và an ninh của Trung Quốc. Đánh giá tác động liên quan của các dự án này đối với lợi ích của quân đội hoặc chính phủ Mỹ.

Dự luật giải thích thêm rằng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc mà Mỹ cần đánh giá là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng hoặc công nghệ thông tin mà chính phủ Trung Quốc sở hữu, kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp hoặc trợ cấp.

Dự luật còn quy định, chính phủ Mỹ cần đánh giá về sự mở rộng giám sát của Trung Quốc đối với người dân Trung Quốc và liệu điều đó có làm gia tăng mối đe dọa đối với lợi ích an ninh quốc gia toàn cầu của Mỹ hay không.

Dự luật NDAA không cho phép Bộ Thương mại Mỹ loại Huawei ra khỏi "danh sách đen".

4. ZTE và Huawei

NDAA đề nghị chính phủ Mỹ cần chuẩn bị báo cáo để xem xét liệu công ty công nghệ ZTE có tuân thủ thỏa thuận hòa giải đạt được giữa ZTE và Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 8 tháng 6 năm 2018 hay không.

NDAA yêu cầu trong vòng 180 ngày kể từ khi ban hành dự luật và hàng năm sau đó, tổng thống phải đệ trình lên Quốc hội một báo cáo về sự tuân thủ của ZTE Corporation và công ty con ZTE Kangxun.

NDAA còn hạn chế Bộ Thương mại Mỹ loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen. Vào tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào “danh sách thực thể” (Entity List) của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) (còn gọi là danh sách đen).

Dự luật quy định rõ, Bộ Thương mại không được loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen trừ khi Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể chứng minh trước Quốc hội rằng: (1) Trong vòng 5 năm trước, cả Huawei và các nhân viên quản lý cấp cao của họ đều không có hành vi vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc áp đặt; (2) Huawei đã không đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ trong 5 năm đó; (3) Huawei sẽ không gây nên mối đe dọa tiếp tục đối với các hệ thống viễn thông hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ; (4) Huawei sẽ không tạo thành mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng then chốt của các đồng minh Mỹ.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, gần đây Mỹ liên tiếp bán vũ khí cho Đài Loan.

5. Hỗ trợ cho Đài Loan

NDAA quy định, Mỹ cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Đài Loan để giúp đỡ Đài Loan phát triển lực lượng phòng thủ hiện đại hùng mạnh, cần thiết và duy trì khả năng tự vệ đầy đủ của Đài Loan. Mỹ cần tiếp tục thông qua bán vũ khí cho nước ngoài, thương mại trực tiếp và hợp tác công nghiệp để hỗ trợ Đài Loan mua các vũ khí phòng thủ thích hợp. Mỹ cần cải thiện khả năng dự báo bán vũ khí cho Đài Loan thông qua việc xem xét và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Đài Loan đối với sản phẩm và dịch vụ quốc phòng, kịp thời thông báo cho Quốc hội và tuân thủ các quy trình giám sát và thẩm định của Quốc hội.

Trong vòng 180 ngày kể từ khi NDAA có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần đệ trình báo cáo lên Quốc hội. Nội dung của báo cáo cần đề cập đến tính khả thi của việc thành lập một nhóm làm việc cấp cao, liên ngành của Mỹ để phối hợp ứng phó với các vấn đề an ninh mạng mới nổi; Bộ Quốc phòng thảo luận về kế hoạch hợp tác an ninh hiện tại và tương lai cho mạng liên lạc Mỹ - Đài Loan; thảo luận về những trở ngại gặp phải trong việc thiết lập, thực hiện hoặc thực hiện các thỏa thuận liên quan cho các hoạt động an ninh mạng Mỹ - Đài Loan, bất kỳ vấn đề nào khác mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho là cần thiết phải được đưa vào.

Sự có mặt của Trung Quốc ở Bắc Cực đã khiến Mỹ lo ngại.

6. Đánh giá đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia Bắc Cực

NDAA cho rằng, để đối phó sự đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các quốc gia Bắc Cực, Quốc hội nhận thấy Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở khu vực Bắc Cực bằng cách sử dụng các tàu phá băng tiên tiến. Trung Quốc sử dụng Bắc Băng Dương thường xuyên hơn bằng cách trợ cấp cho vận tải Bắc Cực, đặt các trạm băng không người và tiến hành thu thập dữ liệu lớn và phức tạp ở các quốc gia và khu vực Bắc Cực (Iceland, Greenland và Canada).

Một báo cáo năm 2017 của Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (CNA) có tựa đề “Đầu tư trực tiếp nước ngoài không hạn chế: Những thách thức mới đối với an ninh Bắc Cực” đã kết luận: Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế của các nước Bắc Cực .

NDAA nói rằng Trung Quốc đang ngày càng lợi dụng chiến lược “Vành đai, con đường” để thúc đẩy việc triển khai quân đội Trung Quốc tới các khu vực có số lượng lớn đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc đã cho thấy ý định sử dụng “Vành đai, con đường” như một thủ đoạn để giành quyền tiếp cận quân sự của họ tại các khu vực chiến lược toàn cầu. Tìm hiểu việc đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào các quốc gia Bắc Cực ảnh hưởng thế nào đến các quốc gia này là rất quan trọng để hiểu mức độ mà  Trung Quốc thâm nhập Bắc Cực.

Dự luật yêu cầu trong vòng 45 ngày kể từ khi ban hành luật này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cần tìm và ký hợp đồng với một trung tâm nghiên cứu và phát triển do liên bang tài trợ để tiến hành nghiên cứu độc lập về đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Bắc Cực.

Trung Quốc luôn phản đối sự can dự của Mỹ đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

7. Đứng cạnh người dân Hồng Kông

NDAA yêu cầu Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ các cam kết của mình trong Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 cho phép người Hồng Kông cai quản Hồng Kông với quyền tự trị cao; Trung Quốc cần tuân thủ Luật cơ bản Hồng Kông năm 1997 và ngay lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề chính trị và pháp lý của Hồng Kông.

NDAA kêu gọi chính phủ Hồng Kông đáp ứng yêu cầu của người biểu tình; yêu cầu Mỹ cần cùng các nước có chung chí hướng hỗ trợ người dân Hồng Kông, cũng cần khuyến khích Trung Quốc áp dụng các hành động có trách nhiệm hơn, nếu Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông tiếp tục vi phạm hiệp định cơ bản về tự trị Hồng Kông, họ cần phải chịu hậu quả.

NDAA cũng chỉ ra rằng, nếu chính phủ Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại những người phản kháng ở Hồng Kông, Quốc hội khuyến nghị Mỹ nên nhanh chóng hành động, bao gồm đánh giá lại sự đối xử đặc biệt với Hồng Kông theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 và các luật khác của Mỹ; cùng các quốc gia đồng minh khác hành động để buộc Trung Quốc trả giá, bao gồm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và các sĩ quan quân đội Trung Quốc, hạn chế đi lại và áp dụng các biện pháp khác.

Cho đến trưa 18/12, chưa thấy phía Trung Quốc có phản ứng gì về việc Thượng viện Mỹ thông qua NDAA 2020.