Không công khai danh tính bệnh nhân mắc COVID-19
Theo BSCKII. Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội – từ trước tới nay các đơn vị đều không công khai danh tính, hình ảnh của bệnh nhân mắc COVID-19, bởi mỗi công dân đều có quyền bảo vệ thông tin riêng tư của bản thân mình.
Đối với các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nay các cơ quan chức năng mới chỉ công khai thông tin về khu phố nơi bệnh nhân sinh sống để thông báo tới người dân chứ không đưa tên thật của bệnh nhân.
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
|
Trao đổi với PV VietTimes - ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhấn mạnh: “Việc công khai danh tính, thông tin về tình hình sức khỏe là quyền của người bệnh. Nếu bệnh nhân chưa đồng ý thì không được công bố danh tính cũng như thông tin cá nhân liên quan đến tình hình sức khỏe của họ”.
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, điều 9 trong 10 lời thề Hypocrates đã nói rõ: “Vào nhà ai mắt tôi không tò mò soi mói, miệng tôi không tiết lộ những điều thầm kín người bệnh trao phó cho tôi”.
Không chỉ vậy, tại khoản 2, điều 3 Luật Khám chữa bệnh cũng đã quy định các bác sĩ phải: “Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 của Luật này.”
Chính vì thế, nếu người bệnh không ủy quyền, các bác sĩ sẽ không trả lời câu hỏi về tình trạng bệnh tật của bệnh nhân đang trong quá trình điều trị.
Trường hợp nào danh tính người bệnh được công bố?
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội - cho biết: Theo quy định của pháp luật, quyền tự do về hình ảnh, quyền bảo vệ đời tư bí mật cá nhân được hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Về quyền tự do của cá nhân, khi ai muốn xâm phạm trái pháp luật sẽ bị xử lý.
Tuy nhiên, quyền tự do thông tin nhân thân, quyền tự do hình ảnh của cá nhân sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp vì an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội. Ảnh: NVCC
|
Một số trường hợp danh tính của cá nhân, hình ảnh của công dân sẽ được công khai để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn công cộng.
Vì thế trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, chính quyền địa phương hoàn toàn có thể căn cứ vào quy định của bộ Luật Dân sự về tự do hình ảnh, thông tin cá nhân, trong một số trường hợp vì an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, an toàn công cộng có thể công khai danh tính cá nhân, hạn chế quyền tự do về nhân thân của người đó.
Đối với những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện không hợp tác đối với các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh thì các cơ quan này hoàn toàn có thể công bố danh tính của bệnh nhân, để những người từng tiếp xúc biết được bệnh nhân đã nhiễm virus để khai báo chính xác, kịp thời, đảm bảo an tòn cho cá nhân người bệnh và những người xung quanh.
Điển hình như trường hợp có biểu hiện gian dối, giấu diếm lịch trình đi lại như trường hợp bệnh nhân thứ 17 mắc COVID-19, thì cần phải công bố công khai danh tính để rà soát những người đã tiếp xúc với người này ở đường lây F1,F2,F3,F4.
Khu vực cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Minh Thúy
|
Ngoài ra, trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 đã tuân thủ quy định về khai báo y tế, cách ly, khám chữa bệnh, có trình bày lịch sử đi lại, tiếp xúc thì không nhất thiết phải công khai danh tính.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, cơ quan công an, cơ quan chức năng liên quan đến việc phát hiện, xử lý vi phạm có quyền công bố danh tính của bệnh nhân theo quy định của Bộ Luật Dân sự về quyền nhân thân, trong đó quyền nhân thân, hình ảnh bị hạn chế trong một số trường hợp vì an ninh quốc gia, vì đảm bảo an toàn công cộng.
Đối với các bác sĩ, nhân viên y tế là người phục vụ công tác khám, chữa bệnh, có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân, nên không được công khai danh tính của người bệnh.
Tự ý đăng tải thông tin cá nhân, danh tính của người khác là vi phạm pháp luật
Việc công bố thông tin, danh tính cá nhân không có mục đích vì cộng đồng, có thể bị khiếu nại, khởi kiện.
Nếu người bị công bố danh tính, hình ảnh cá nhân khiếu nại, khởi kiện, các cơ quan chức năng phải có căn cứ cho thấy việc công bố là cần thiết, không công bố sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Với những thông tin, hình ảnh cá nhân đã được công khai trên báo chí, truyền hình, diễn đàn,… hoặc cá nhân tự công khai hình ảnh thì người khác có thể sử dụng thoải mái, không cần xin phép.
Tuy nhiên, với trường hợp tự ý đăng tải thông tin cá nhân, danh tính của người khác mà không được cho phép, không vì mục đích bảo đảm an ninh quốc gia, lợi ích công cộng, an toàn cho cộng đồng là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư kết nối. Ảnh: NVCC
|
Cùng quan điểm với Luật sư Đặng Văn Cường, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư kết nối - cho rằng: Việc công khai danh tính của người khác mà chưa được phép là vi phạm quy định của Bộ Luật Dân sự.
Các thông tin bảo mật cá nhân của người khác gồm hình ảnh, danh tính là không được phép đăng tải lên các trang mạng xã hội.
Theo Luật sư Hùng, các thông tin liên quan đến hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là những thông tin bảo mật, chỉ có các cơ quan chức năng có lien quan mới được quyền tiếp cận. Vì thế các bác sĩ không được công bố hồ sơ bệnh án của bệnh nhân cũng như danh tính, hình ảnh của người bệnh.
Cần khai báo ngay khi có biểu hiện mắc bệnh
Hiện, Chính phủ đã quy định khai báo y tế tự nguyện đối với mọi công dân bằng ứng dụng NCOVI để tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Luật sư Cường, khi tình trạng dịch bệnh khó kiểm soát thì mỗi công dân cần phải có nhật ký từng ngày đã đi những đâu, gặp những ai, tiếp xúc với người nào. Bởi bất cứ công dân nào không phân biệt lứa tuổi, thành phần, địa vị xã hội đều có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Vì thế, khi xuất hiện các biểu hiện mắc bệnh, từng tiếp xúc với người đã xác định mắc COVID-19, bản thân mỗi người dân phải khai báo ngay với các cơ quan chức năng đã tiếp xúc với những ai để xác định những người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc,… Từ đó có biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Điều 32, Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ quyền của cá nhân đối với hình ảnh. 1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. 2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. |