Nhắc đến Quốc Lộc Phát, người ta thường chỉ nhớ đến nhóm cổ đông sáng lập, với sự nổi bật của đại gia Thắng “mượt” (Nguyễn Văn Thắng) – chủ đế chế HDMon (Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Đăng); Nhóm cổ đông ngoại Keppel Corporation; Hay nhà phát triển Sơn Kim Land.
Dĩ nhiên, cũng không thể không kể đến cổ đông Phạm Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT Quốc Lộc Phát. Mà thực ra nhờ Quốc Lộc Phát, công chúng mới biết đến tên tuổi “đại gia” Phạm Quang Hưng.
Trước đó, ông Hưng vẫn là cái tên hoàn toàn xa lạ với thị trường. Đến nỗi, cho đến hiện tại, vẫn có người tỏ ra băn khoăn về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần Quốc Lộc Phát mà vị doanh nhân sinh năm 1968 này đứng tên. Quy mô đầu tư khủng, vị trí quá đắc địa và cách mà Quốc Lộc Phát được chỉ định làm chủ đầu tư dự án này góp phần xúc tác thêm cho những băn khoăn ấy.
Một dấu ấn nữa, nhưng ít được để ý, của ông Phạm Quang Hưng ở Quốc Lộc Phát, đó là các giao dịch với ông lớn Singapore: Keppel Corporation Limited (KCL).
Cuộc tình chóng vánh
Hạ tuần tháng 3/2016, KCL tuyên bố đã thông qua một công ty con là Keppel Land Thu Thiem Pte Ltd (“KLTT”) ký kết thỏa thuận (sale and purchase agreement) trị giá 20,3 triệu SGD với một “vendor” – là ông Phạm Quang Hưng – để nhận chuyển nhượng 30 triệu cổ phần, tương ứng với 20% vốn điều lệ Quốc Lộc Phát.
Thỏa thuận này lập tức được phản ánh vào đăng ký kinh doanh của Quốc Lộc Phát. Ngày 21/3/2016, phòng ĐKKD Tp. HCM cấp đăng ký thay đổi cho Quốc Lộc Phát (VĐL: 1.500 tỷ đồng), trong đó ghi nhận công ty có một cổ đông nước ngoài là KLTT nắm giữ 30 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%. Bên chuyển nhượng chính là ông Phạm Quang Hưng khi tỷ lệ sở hữu bị kéo từ 50% về còn 30%.
Nửa năm sau, tháng 9/2016, KCL tiếp tục tuyên bố đã ký thỏa thuận gom thêm 37,5 triệu cổ phần (25% VĐL) nữa để nâng tỷ lệ sở hữu ở Quốc Lộc Phát lên mức 45%. Nhưng lần này là thông qua một công ty con khác: Orbista Pte Ltd. Thông cáo của KCL cho thấy, “vendor” vẫn là ông Phạm Quang Hưng và trị giá thỏa thuận là 25,6 triệu SGD.
Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 16/09/2016 của Quốc Lộc Phát thể hiện sự điều chuyển vốn này, khi ghi nhận tỷ lệ sở hữu 25% của cổ đông ngoại Orbista Pte Ltd (Orbista). Bên chuyển nhượng đúng là ông Phạm Quang Hưng. Nhưng vì ngay trước thương vụ (tháng 8/2016), ông Phạm Quang Hưng đã được HDMon “pass” cho 40% cổ phần Quốc Lộc Phát, thông qua một bên thứ ba, nên tại ĐKKD thay đổi lần này, tỷ lệ sở hữu của ông Phạm Quang Hưng ở Quốc Lộc Phát đạt 45%.
Việc chi ra tới 45,9 triệu SGD để thâu tóm 45% cổ phần tưởng như là một cam kết không thể mạnh mẽ hơn của ông lớn địa ốc Singapore trong việc đồng hành cùng Quốc Lộc Phát ở dự án Sóng Việt. Nhưng ít ai ngờ rằng cuộc tình này lại có một kết cục khá chóng vánh.
Hạ tuần tháng 06/2018, KLC tuyên bố chuyển nhượng 30% vốn tại Quốc Lộc Phát, gồm 20% đứng tên KLTT và 10% đứng tên Orbista. Theo thông cáo, bên nhận chuyển nhượng là ông Phạm Quang Hưng, giá chuyển nhượng là 41,2 triệu SGD.
Sau thương vụ, Keppel Corporation còn sở hữu 15% Quốc Lộc Phát, do Orbista đứng tên. Nhưng chỉ ít hôm sau, ngày 2/7/2018, Keppel Corporation tuyên bố triệt thoái vốn tại Orbista, như một hình thức để chuyển nhượng nốt 15% cổ phần Quốc Lộc Phát. Bên mua, theo thông cáo, là Fortune Paradise Holdings Limited, với giá chuyển nhượng là 40,2 triệu SGD.
“Sau khi thoái vốn khỏi Orbista, Orbista sẽ chấm dứt làm công ty con của Keppel Land và Keppel Land sẽ không còn quan tâm đến Quốc Lộc Phát nữa”, thông cáo của KCL viết.
Cuộc tình Quốc Lộc Phát - Keppel Corporation (với thương hiệu bất động sản nổi tiếng ở Việt Nam là Keppel Land) kết thúc chóng vánh sau 2 năm gắn bó, khi mà Khu phức hợp Sóng Việt hầu như không có tiến triển trên thực địa.
Việc dự án bị Thanh tra Chính phủ điểm mặt chỉ tên trong kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau này có thể là lý do đằng sau cho quyết định của Keppel Corporation, bởi như đã biết, các nhà đầu tư quốc tế luôn đòi hỏi rất cao về tính hợp pháp cũng như tính hiệu quả của các dự án đầu tư.
Nhưng nên nhớ, mãi đến giữa năm 2019, Thanh tra Chính phủ mới công bố kết luận và các vấn đề dự án Sóng Việt mới được phát lộ. Trước đó một năm, tháng 6/2018 – ít tuần trước khi KLC tuyên bố thoái vốn ở Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư này đã chọn được một nhà đồng hành nội để phát triển dự án, là Công ty cổ phần Bất động sản Sơn Kim (SonKim Land).
Bên cạnh đó, việc ông Phạm Quang Hưng gom cổ phần Quốc Lộc Phát bán cho nhóm Keppel, rồi 2 năm sau lại thực hiện mua lại phần lớn số cổ phần đã bán cũng làm dấy lên những nghi ngờ về một kịch bản ủy thác.
Cổ đông ít biết của Quốc Lộc Phát
Tính đến trung tuần tháng 9/2016, bên cạnh 90% sở hữu chia đều cho ông Phạm Quang Hưng và nhóm Keppel Corporation, 10% cổ phần còn lại của Quốc Lộc Phát thuộc về bà Nguyễn Bảo Minh Châu (chị gái ông Nguyễn Đức Quang – Chủ tịch CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu).
Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 16/09/2016, nhấn mạnh rằng, là ĐKKD cuối cùng nêu đủ danh tính cổ đông các cổ đông của Quốc Lộc Phát.
Từ năm 2017 trở đi, vì đã ngoài giới hạn 3 năm kể từ ngày thành lập, các cổ đông mới của Quốc Lộc Phát, theo Luật Doanh nghiệp, không còn được liệt vào dạng “cổ đông sáng lập” và không phải có nghĩa vụ cập nhật thông tin sở hữu vào đăng ký kinh doanh nên nhóm này dần trở thành bí ẩn với thị trường.
Các lần thay đổi ĐKKD về sau cho thấy: Tháng 7/2017, bà Nguyễn Minh Bảo Châu chuyển nhượng toàn bộ 15 triệu cổ phần (10% VĐL); Tháng 10/2017, ông Phạm Quang Hưng chuyển nhượng 37,74 triệu cổ phần/tổng số 67,5 triệu cổ phần nắm giữ, tương ứng giảm tỷ lệ sở hữu từ 45% về còn 18,64%; Tháng 05/2018, ông Hưng tiếp tục chuyển nhượng thêm 6,825 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu về còn 14,09%.
Như đã phân tích, rất khó để xác định danh tính của bên đã mua 40,91% cổ phần Quốc Lộc Phát này từ bà Châu và ông Hưng, cũng như các nhà đầu tư thứ cấp về sau.
Tuy vậy, tài liệu mà VietTimes thu thập được mới đây đã hé lộ về một cổ đông ít biết của Quốc Lộc Phát: Công ty Hướng Việt.
Giấy chứng nhận cổ phần Quốc Lộc Phát của Hướng Việt đề ngày 28/06/2018 (số hiệu 41/2018/CĐ-QLP). Trước đó một ngày, 27/06/2018, phòng ĐKKD Tp. HCM xác nhận 30% cổ phần Quốc Lộc Phát của Keppel Corporation được chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước.
Hướng Việt nắm giữ tới cả chục triệu cổ phần Quốc Lộc Phát và là một cổ đông lớn nhưng mối liên hệ của nó với chủ đầu tư Sóng Việt chưa từng được đề cập.
Có lịch sử cả chục năm thành lập nhưng Hướng Việt không phải là một doanh nghiệp quá nổi bật, thậm chí là một cái tên vô danh trong lĩnh vực bất động sản. Tuy vậy, Hướng Việt có mối quan hệ và sự hậu thuẫn khá tích cực từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Ông Phan Vũ Tuấn - Thành viên HĐQT độc lập của OCB - không chỉ sáng lập mà còn là cổ đông lớn nhất của Hướng Việt suốt nhiều năm kể từ khi thành lập. Ngoài OCB và Hướng Việt, ông Phan Vũ Tuấn còn được biết là một nhân sự chủ chốt trong hệ sinh thái Hoàn Lộc Việt của doanh nhân Phan Minh Hoàn.
Sợi dây liên hệ giữa Hướng Việt với OCB không chỉ đến từ ông Phan Vũ Tuấn. Nên biết, một người nhà của Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn hiện đang đảm nhiệm vai trò đứng đầu Hướng Việt. Không lạ khi OCB chính là nhà băng ruột, thu xếp hầu hết các nhu cầu vốn cho Hướng Việt, bao gồm cả việc đầu tư vào cổ phần Quốc Lộc Phát.
Cuối năm 2019, OCB cũng là nhà đầu tư duy nhất đã mua trọn 400 tỷ đồng trái phiếu mà Sơn Kim Land đã phát hành. Nhắc lại, Sơn Kim Land là cái tên đồng hành cùng Quốc Lộc Phát ở dự án Sóng Việt trong vai trò nhà phát triển dự án./.