|
Nguồn ảnh: VPA |
Cụ thể, theo VPA, giá hồ tiêu trong nước đang lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay.
Ngày 28/7/2017, giá tiêu xô loại 500g/l trong buổi sáng đang từ 80.000 đ/kg vụt tăng lên 86.000 đ/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đ/kg.
Hiện nay giá hồ tiêu trong nước vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường – cảnh báo của VPA nhấn mạnh.
Một số doanh nghiệp hội viên VPA phản ảnh tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm doanh nhân Trung Quốc đến đặt mua.
Tuy nhiên, điều bất thường là doanh nghiệp Việt đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán. Sau đó, doanh nhân Trung Quốc thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty xuất khẩu và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng.
Theo thông lệ, thường sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, doanh nhân Trung Quốc “sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua và giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ… để trì hoãn thực hiện hợp đồng” – cảnh báo của VPA cho biết.
Đồng thời, VPA khẳng định hiện tượng này đang được doanh nhân Trung Quốc làm với nhiều công ty xuất khẩu của Việt Nam đã “tạo tín hiệu thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn”.
Bên cạnh đó, với việc các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải gấp rút gom hồ tiêu từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký, cũng chính nhóm doanh nhân Trung Quốc này tới các địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu tại địa phương các vùng trồng, và hứa sẽ bán hồ tiêu đã thu gom cho đại lý với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó.
Thấy lãi tốt, các đại lý sẽ đồng ý mua ngay của doanh nhân Trung Quốc để bán lại cho các nhà xuất khẩu – lúc này đã ký hợp đồng xuất khẩu hồ tiêu cho thương nhân Trung Quốc.
“Tuy nhiên, doanh nhân Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ. Lúc đó vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu với họ, họ sẽ bán hồ tiêu của họ ra cho các đại lý với giá tăng nóng do họ đặt ra” – cảnh báo của VPA phân tích thủ đoạn của thương nhân Trung Quốc.
Theo VPA, hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu khi điện thoại lại với doanh nhân Trung Quốc thì tất cả đều “không liên lạc được”.
Cách làm này không mới nhưng đang trở lại gần đây gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp xuất khẩu -VPA cho biết.
Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu lo thực hiện hợp đồng với doanh nhân Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác được. Nhưng sau khi doanh nhân Trung Quốc không thực hiện hợp đồng khiến doanh nghiệp xuất khẩu vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín, mối làm ăn với các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường truyền thống khác.
Doanh nhân Trung Quốc lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động trồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu.
Doanh nhân Trung Quốc thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo quy luật thị trường.
Từ đây, VPA phát đi cảnh báo tới các doanh nghiệp Việt Nam phải thận trọng khi thực hiện các giao dịch với doanh nghiệp mua bán hồ tiêu của Trung Quốc.