|
Theo Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024 của Cisco vừa công bố, chỉ có 6% các công ty tại Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa ngày nay, trong đó 56% tổ chức thuộc giai đoạn mới bắt đầu hoặc đang hình thành.
Trên thế giới, chỉ có 3% các công ty ở giai đoạn trưởng thành.
Về sự cố về an ninh mạng trong tương lai, 88% người tham gia khảo sát cho biết họ dự đoán một sự cố về an ninh mạng sẽ gây gián đoạn cho hoạt động kinh doanh trong vòng 12 đến 24 tháng tới. Hậu quả của việc không chuẩn bị có thể rất lớn, khi 82% người tham gia khảo sát cho biết họ đã gặp phải một sự cố về an ninh mạng trong 12 tháng qua, trong đó 60% cho biết tổn thất ít nhất là 300.000 USD.
Những người tham gia khảo sát cho rằng có quá nhiều giải pháp bảo mật và 83% thừa nhận rằng việc sử dụng nhiều giải pháp bảo mật khác nhau đã làm chậm khả năng của đội ngũ trong việc phát hiện, phản ứng và phục hồi sau sự cố. Điều này làm dấy lên nhiều quan ngại, khi 55% tổ chức cho biết họ đã triển khai hơn 10 giải pháp điểm, trong khi 21% cho biết họ đã triển khai 30 hoặc nhiều hơn.
Thiết bị không an toàn và không được quản lý làm gia tăng độ phức tạp. Theo khảo sát, 95% các công ty cho biết nhân viên của họ truy cập các nền tảng công ty từ các thiết bị không được quản lý.
Khoảng trống về nhân lực an ninh mạng vẫn tồn tại. Mức độ sẵn sàng đối phó với mối đe dọa an ninh mạng của các tổ chức càng bị hạn chế do tình trạng thiếu hụt nhân tài quan trọng. 97% các doanh nghiệp nhấn mạnh thực trạng này là một vấn đề của tổ chức. Thậm chí, 52% các công ty cho biết tại thời điểm khảo sát, tổ chức họ có hơn 10 vị trí liên quan đến an ninh mạng vẫn còn để trống.
Báo cáo chỉ ra rằng, đầu tư an ninh mạng trong tương lai đang gia tăng: Các công ty nhận thức về thách thức bảo mật và đang tăng cường hệ thống phòng thủ với 74% có kế hoạch nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong 12 đến 24 tháng tới. Đây là sự gia tăng đáng kể so với mức 65% được ghi nhận trong năm ngoái.
Đáng chú ý, 72% tổ chức có dự định nâng cấp các giải pháp hiện tại, triển khai các giải pháp mới và đầu tư vào các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). 99% dự kiến tăng ngân sách an ninh mạng trong 12 tháng tới, 89% cho biết ngân sách của họ sẽ tăng ít nhất 10% hoặc nhiều hơn.
“Trong bối cảnh mối đe dọa càng ngày càng phức tạp hơn bao giờ hết, các tổ chức trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tiếp tục tỏ ra kém linh hoạt về khả năng phục hồi trong không gian mạng", bà Tay Bee Kheng, Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN, cho biết.
"Các công ty cần áp dụng một chiến lược tiếp cận có nền tảng nhằm cung cấp một giao diện tích hợp đơn giản và an toàn để hiển thị tất cả toàn bộ cấu trúc mạng của mình, giúp tăng cường vị thế bảo mật và tận dụng tốt nhất các cơ hội đến từ các công nghệ mới", bà nói thêm.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, hệ thống thông tin của CTCP Chứng khoán VNDirect đã bị tấn công mạng bởi nhóm tấn công từ nhóm hacker quốc tế chuyên nghiệp, khiến toàn bộ dữ liệu công ty bị mã hóa. Tấn công mã độc mã hóa dữ liệu – ransomware những năm qua luôn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn cầu, bởi hậu quả nặng nề mà nó có thể gây ra. Các chuyên gia còn ví von ransomware là “cơn ác mộng”, “bóng ma” trên không gian mạng.
Tại hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết sơ bộ hệ thống của công ty chứng khoán VNDirect đã bị “sập”, hệ thống bị khoá và thậm chí còn bị đòi tiền chuộc. Sự cố này nhắc về sự cố đã xảy ra với đối với Hàng không Vietnam Airlines trước đây. Sau sự cố đó, nhận thức và công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng của toàn xã hội, các tổ chức được nâng lên".
Thứ trưởng Phạm Đức Long cảnh báo: “Sự cố đối với VNDirect tiếp tục cảnh báo đối với các tổ chức về việc chủ quan, lơ là, không đầu tư đầy đủ an toàn thông tin cho hệ thống thì sẽ bị ảnh hưởng vô cùng lớn”.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, việc xảy ra sự cố tấn công mạng đối với các tổ chức cũng là dịp để thấy cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về an toàn thông tin mạng cho toàn xã hội.