Chuyên gia: Ông Trump có thể thi hành chính sách “tấn công” trên Biển Đông

VietTimes -- Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, biển Baltic và Trung Đông được chuyên gia Mỹ đưa vào danh sách các khu vực tiềm tàng khủng hoảng quy mô lớn khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Hạm đội tàu sân bay Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Sina
Hạm đội tàu sân bay Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Sina

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 23 tháng 1 dẫn lời học giả Mỹ Michael Claire ngày 20 tháng 1 cho rằng Triều Tiên, Biển Đông, khu vực biển Baltic và Trung Đông đã trở thành khu vực rủi ro cao nổ ra khủng hoảng bất ngờ và xung đột quân sự.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể can dự sâu, gây ra các cuộc khủng hoảng an ninh lớn, thậm chí khủng hoảng hạt nhân ở những khu vực điểm nóng này.

Triều Tiên gấp rút phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa có thể sẽ tạo ra thách thức quốc tế lớn nhất cho chính quyền Donald Trump. Điều này có nghĩa là chính quyền Donald Trump đối mặt với một Triều Tiên có lực lượng quân sự ngày càng mạnh và mối đe dọa tên lửa xuyên lục địa "trong vài năm tới có thể phóng đầu đạn hạt nhân tới Mỹ".

Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng ông Donald Trump là người "cứng rắn", không có nhiều khả năng nhượng bộ, thỏa hiệp với Triều Tiên, cũng không có khả năng chỉ dựa vào trừng phạt và dựa vào Trung Quốc để hạn chế Triều Tiên, sự lựa chọn còn lại chỉ có thể là tấn công quân sự đánh đòn phủ đầu, "bóp chết" khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Triều Tiên từ trong trứng nước.

Hơn nữa, cộng với tính chất không thể dự đoán trong chính sách của nhà lãnh đạo Triều Tiên, cần thiết đặt Triều Tiên vào "loại cảnh giác cao nhất" của khủng hoảng toàn cầu.

Ngày 17 tháng 5 năm 2016, phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS John C. Stennis phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Sina
Ngày 17 tháng 5 năm 2016, phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS John C. Stennis phô diễn sức mạnh trên Biển Đông. Ảnh: Sina

Chuyên gia Mỹ cho rằng, điểm nóng nguy hiểm tiếp theo là vấn đề tranh chấp đảo và đá ngầm ở Biển Đông. Nếu Mỹ áp dụng các hành động như phong tỏa bằng lực lượng hải, không quân ở Biển Đông trong tương lai, tấn công các công trình quân sự của Trung Quốc, bắn chìm tàu chiến Trung Quốc, thì quân đội Trung Quốc và Mỹ có thể xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông, thậm chí có thể làm cho hai nước lớn hạt nhân Trung Quốc và Mỹ hướng tới một cuộc chiến tranh toàn diện. Cho nên, Biển Đông là khu vực cảnh giới toàn cầu cấp độ thứ hai của Mỹ.

Rủi ro xung đột trong tương lai của khu vực biển Baltic cũng không thể loại trừ. Mặc dù ông Donald Trump cam kết cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, Nga cũng muốn kiểm tra thiện chí của Mỹ, tạm thời giữ kiềm chế.

Nhưng chỉ cần các nước khu vực biển Baltic nằm trong “tầm ngắm” của NATO và Nga thì áp lực an ninh tiềm tàng của khu vực này sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy, phải coi khu vực biển Baltic là khu vực cảnh giới cao.

Ông Donald Trump cam kết tăng cường tấn công quân sự đối với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS), sẽ đầu tư nhiều hơn hải, không quân và lực lượng mặt đất của Mỹ ở khu vực này.

Điều này có thể kéo Washington vào “vũng bùn” chống khủng bố. Đồng thời, trong tương lai, Mỹ có thể sẽ gia tăng viện trợ cho Saudi Arabia tấn công lực lượng vũ trang Houthi, hoặc trực tiếp tấn công người đại diện Trung Đông của Iran, dẫn tới Iran tiến hành báo thù quân sự đối với các nước như Mỹ, Saudi Arabia và Israel. Do đó, Trung Đông cũng là một trong những khu vực quan trọng tiềm ẩn nổ ra khủng hoảng to lớn.

Tàu khu trục USS Decatur Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục USS Decatur Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra Biển Đông (ảnh tư liệu)