|
Sự đối đầu Trung Quốc trên các lĩnh vực ngày càng gay gắt, nhất là trên lĩnh vực quân sự. Trong ảnh: các biên đội tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông (Ảnh: Twitter@USPacificFleet). |
Kissinger đã nói gì?
Ngày 8/10, ông Kissinger đã đưa ra một tuyên bố trong cuộc hội nghị trực tuyến do Câu lạc bộ Kinh tế New York tổ chức, chỉ ra rằng những tiến bộ công nghệ hiện nay đang thay đổi diện mạo địa chính trị, dẫn đến sự đối đầu giữa hai cường quốc, ông rất lo lắng hai nước Mỹ - Trung trượt dần tới chiến tranh lạnh.
Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 9/10 đề cập đến việc Kissinger cảnh báo Mỹ và Trung Quốc cần định ra "quy tắc giao chiến" và giới hạn rõ ràng, vạch ra một lằn ranh đỏ không thể vượt qua và tiếp tục hợp tác với nhau. Nếu không, nền chính trị toàn cầu sẽ xuất hiện một tình huống bất định cực kỳ nguy hiểm có thể nảy sinh tình thế tương tự trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu.
|
Ông Donald Trump bất đồng sâu sắc với ông Kissinger về chính sách với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
|
Sputnik viết, Kissinger đã làm rất nhiều việc để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông từng là Ngoại trưởng trong chính quyền Richard Nixon và trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước sau mấy chục năm vào năm 1972. Chính tại cuộc gặp đó, Nixon đã khởi xướng chính sách hợp tác Trung - Mỹ, vì vậy, mấy chục năm sau, nền kinh tế hai nước mới trở nên gắn bó mật thiết với nhau.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ hiện tại cho rằng đường lối của Nixon là sai. Vào tháng 7 năm nay, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có một bài phát biểu bất thường về “Trung Quốc Cộng sản và tương lai của thế giới tự do” tại Bảo tàng Nixon. Trong bài phát biểu này, Pompeo đã trực tiếp chỉ ra rằng đường lối hợp tác với Trung Quốc được hình thành vào cuối những năm 1970 là sai lầm.
Ông Mike Pompeo nói: “Loại hợp tác mà chúng ta đã nỗ lực để thúc đẩy đã không mang lại những thay đổi mà Tổng thống Nixon hy vọng ở Trung Quốc. Nếu chúng ta muốn một thế kỷ 21 tự do thay vì thế kỷ Trung Quốc mà Tập Cận Bình mơ ước, thì sự hợp tác mù quáng với Trung Quốc sẽ không đảm bảo cho việc này. Chúng ta không nên tiếp tục chính sách này và không nên quay lại chính sách này”.
|
Ông Kissinger được cho là người được chính phủ Trung Quốc coi là "người bạn thân thiết" (Ảnh: Reuters).
|
Sẽ xảy ra điều đáng sợ?
Sputnik cho rằng, giờ đây, cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ trên nhiều lĩnh vực đang leo thang. Nếu nói rằng nó bắt đầu bằng một cuộc chiến thương mại hai năm trước, thì bây giờ cuộc đối đầu đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ, tài chính và hình thái ý thức như Pompeo nói. Điều đặc biệt đáng sợ là căng thẳng trong lĩnh vực quân sự cũng ngày càng gia tăng. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach mới thăm Đài Bắc. Ông là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đã đến thăm Đài Loan từ năm 1979 (Sputnik nhầm, quan chức cấp cao nhất phải là Bộ trưởng Y tế Alex Azar). Washington bày tỏ sẵn sàng bán số lượng lớn vũ khí mới trị giá 7 tỷ USD cho Đài Loan. Đáp lại, Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc tập trận lớn ở eo biển Đài Loan. Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc chỉ ra rằng PLA có khả năng phá hủy các cơ sở quân sự của Đài Loan chỉ trong vòng vài giờ.
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đường lối hợp tác với Trung Quốc trước đây là sai lầm (Ảnh: Reuters),
|
Có vẻ như một số lằn ranh đỏ trong các cảnh báo của Kissinger liên quan đến các lợi ích cơ bản của Trung Quốc không thể vượt qua. Hơn nữa, chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô không thành “chiến tranh nóng”, phần lớn là do hai siêu cường vẫn duy trì “lằn ranh đỏ” vào thời điểm đó. Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Sputnik rằng hiện nay, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang vượt qua một số “lằn ranh đỏ” liên quan đến các lợi ích cơ bản của Trung Quốc.
Ông nói: “So sánh tình hình quân sự và chính trị ở Đông Á với tình hình ở châu Âu trước Thế chiến thứ Nhất không phải là điều mới mẻ. Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những so sánh như vậy. Ở khu vực này, ta có thể thấy cuộc đấu tranh giữa các cường quốc dựa trên Đối đầu kinh tế và tranh giành phạm vi ảnh hưởng. Khác với Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, sự khác biệt về ý thức hệ không quan trọng trong cuộc đấu tranh này, mặc dù thời gian gần đây Mỹ tích cực lồng ghép các yếu tố ý thức hệ vào cuộc tấn công chống Trung Quốc. Trên chính trường khu vực, cá biệt tình tiết chính trị đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với những người chơi chính, khiến việc tìm kiếm thỏa hiệp trở nên khó khăn. Ví dụ, Trung Quốc cho rằng Đài Loan thuộc về 'lợi ích cốt lõi' của họ. Do đó, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Đài Loan đã trở thành mối đe dọa chính”.
Vasily Kashin nói: “Vấn đề Biển Đông khá gay gắt. Cũng như tình hình trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, cán cân sức mạnh quân sự luôn thay đổi đang đóng một vai trò quan trọng. Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự đã nhanh hơn Mỹ. Một nhân tố quan trọng khác là, Trung Quốc đã bước trên con đường phát triển tiềm năng hạt nhân của riêng mình, hoặc trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba trên thế giới trước năm 2030. Đồng thời, không giống như Nga và Mỹ, giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ chưa thiết lập được kênh liên lạc hiệu quả và cũng thiếu kinh nghiệm kiềm chế quân sự lẫn nhau, kinh nghiệm đối thoại về các vấn đề ổn định chiến lược cũng rất hạn chế. Kết quả là vài năm tới sẽ trở thành một giai đoạn cực kỳ đáng sợ. Điều rất quan trọng là chúng ta không thể để những tình hình không phù hợp lợi ích của các bên, phán đoán sai ý muốn của bên kia và những sai sót cụ thể của của đơn vị thực hiện cụ thể tiếp tục gia tăng”.
|
Quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ chiếm đảo nhằm vào Đài Loan (Ảnh: DWnews).
|
Hãng thông tấn Sputnik chỉ ra rằng Trung Quốc đã tạm thời giữ được sự kiềm chế trong thời gian này và không phản ứng trước những lời lẽ hiếu chiến của Mỹ. Có lẽ Bắc Kinh đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 để tìm hiểu triển vọng phát triển quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc đã học cách bỏ qua những giọng điệu quá khích và đưa ra quyết định dựa trên các hành động thực tế của các đối thủ địa chính trị của mình.
Theo Sputnik, một số chuyên gia cho rằng nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden lên nắm quyền, chính sách của Mỹ sẽ bớt bốc đồng hơn. Nhưng mặt khác, nghịch lý lịch sử đã không ủng hộ logic này. Nước Mỹ tiến hành các hành động quân sự dài hạn và đẫm máu lại chính là trong thời gian cầm quyền của Đảng Dân chủ trước đây.