Chuyên gia: Muốn vàng không bị "thổi" giá, cần bỏ độc quyền và tăng nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung, để vàng không bị thổi giá, cần tăng nhập khẩu, xoá bỏ độc quyền vì vàng 999 của SJC cũng giống Bảo Tín và nhiều thương hiệu khác.

Mấy ngày gần đây, giá vàng Việt Nam đang biến động bất thường. Người dân đã đổ xô đi mua vàng để giữ tài sản khiến các cửa hàng hoạt động tấp nập.

Cơ quan chức năng đang tính toán nhiều giải pháp khác nhau với mục tiêu ổn định thị trường vàng. VietTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, về những giải pháp giúp quản lý hiệu quả hơn thị trường này.

- Các cơ quan chức năng đang tìm kiếm nhiều giải pháp đối với thị trường vàng. Ông nói gì về điều này?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Để ổn định thị trường vàng cần giải pháp thị trường đồng bộ, không phải hành chính, không phải thanh tra, kiểm tra vì càng làm như vậy thị trường càng biến động, tâm lý càng không ổn.

Tôi cho là phải mở ra nhiều kênh đầu tư hơn cho người dân, cần xoá bỏ độc quyền và tăng nhập khẩu.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là cần mở thêm các kênh đầu tư khác. Hiện nay nhu cầu vàng lớn có lý do là doanh nghiệp, người dân có ít kênh đầu tư. Vì thế, lãi suất tiền gửi phải tăng lên, phải tháo được tín dụng ra cho doanh nghiệp. Đó là những thứ cần liên hoàn với nhau. Lãi suất tiền gửi hiện vẫn thấp, mà giá vàng tăng như thế thì người dân sẽ mua vàng.

Bên cạnh đó, cần tháo thị trường tín dụng ra để hỗ trợ doanh nghiệp sống và phát triển. Với tình hình kinh tế đang nhiều cái khó đan xen như thế này chỉ có cách tháo tín dụng bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp sống, tạo cầu tín dụng.

Khi cầu yếu, mọi giải pháp phía cung sẽ không hiệu quả. Nếu cứ ép giảm lãi suất cho vay để tăng cầu tín dụng sẽ kéo lãi suất huy động xuống và khi lãi suất huy động thấp, người dân sẽ không mang tiền gửi ngân hàng mà đổ vào các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán… khiến cho các kênh này, vàng lại tiếp tục tăng.

anh-cung-84.jpeg
Ông Nguyễn Đình Cung: Nên kiến nghị tự do hoá thị trường vàng, bỏ hết điều kiện kinh doanh vàng, trừ vàng miếng.

- Có ý kiến cho rằng nếu để thị trường vàng “tự do” sẽ tác động đến kinh tế vĩ mô, gây lạm phát? Lo ngại này ông thấy có cơ sở?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Nhóm nghiên cứu của Fulbright khẳng định: Mặc dù các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng vàng có thể gây ra bất ổn vĩ mô nhưng không có bằng chứng nào chứng minh cho lo ngại này. Ngược lại, vàng được xem là tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao, đặc biệt trong thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô hoặc rủi ro chính trị. Chưa có được bằng chứng cho thấy thị trường vàng gây ra bất ổn vĩ mô trong khi bất ổn vĩ mô khiến người dân nắm giữ nhiều vàng hơn như một tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao.

Tôi cho rằng, giá vàng không có tác động nhiều nên không nhất thiết phải kiểm soát. Trường hợp bất ổn kinh tế vĩ mô khi tiền mất giá thì người ta chuyển vàng sang đô la, lúc đó buộc phải tăng lãi suất lên, sẽ ảnh hưởng nền kinh tế chung.

- Vì sao cần tăng cung, đa dạng hóa thị trường vàng, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Nên kiến nghị tự do hoá thị trường vàng, bỏ hết điều kiện kinh doanh vàng, trừ vàng miếng. Việc bỏ độc quyền vàng nhưng vàng miếng cần có điều kiện kinh doanh, bỏ SJC như một nhãn hiệu vàng quốc gia vì vàng 999 của SJC cũng giống Bảo Tín và nhiều thương hiệu khác.

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC, đưa kinh doanh vàng thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhập khẩu vàng cho một số có điều kiện. Lúc đó, Ngân hàng nhà nước chỉ là người điều tiết thị trường, không phải người tham gia thị trường, không phải nhập khẩu, kinh doanh như lâu nay.

vang-zing-22-869.jpg
Chuyên gia cho rằng nên tự do hoá thị trường vàng, bỏ hết điều kiện kinh doanh vàng, trừ vàng miếng.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu cho thêm doanh nghiệp tham gia thị trường vàng thì giá vàng sẽ “loạn”. Ông có nghĩ vậy?

- Ông Nguyễn Đình Cung: Năm 2012 khi ban hành Nghị định 42 về vàng, đã từng có ý kiến nói cho 16 doanh nghiệp nhập khẩu vàng nên loạn. Chữ "loạn" này tôi rất dị ứng với nó!

Thế nào là loạn? Thị trường phải có nhiều người bán, nhiều người mua, nhiều mức giá chứ không thể là một người chơi, chỉ một giá. Cứ nhìn cách người ta bán cốc cà phê trong cửa hàng và trên vỉa hè. Giá cốc cà phê khác xa nhau.

Tôi cho là nên nên đa dạng hóa nhập khẩu vàng theo điều kiện kinh doanh, nếu thấy điều kiện đó cần thiết, còn nếu điều kiện không cần thiết thì bỏ luôn.

Tư duy quản lý của mình chỉ thích cái gì đơn giản trong khi thị trường bao giờ cũng biến động, đa dạng, muôn màu sắc.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), là tác giả của hàng loạt điều luật có tầm quan trọng với công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

Ông đã soạn thảo, chắp bút đưa tinh thần tự do kinh doanh vào các đạo luật về doanh nghiệp ở Việt Nam như Luật Đầu tư Nước ngoài 1987, Luật Doanh nghiệp Tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999.