Chỉ là một lý tưởng xa vời ?
Về đề xuất của ông Ngô Thanh Tùng - Phó tổng Giám đốc SoftTech Đà Nẵng, đề cập đến việc nên có Bộ tiêu chí mở API để chia sẻ dữ liệu giữa các doanh nghiệp, ông Cao Trung Hiếu – CEO Dân trí Soft (TP.HCM) cho rằng: “Việc đưa ra quy định về Bộ tiêu chí mở API chỉ là một mong muốn lý tưởng hóa chứ thực tế khó có thể thực hiện”.
Giải thích kỹ hơn, ông Cao Trung Hiếu cho rằng: “Phương thức phát triển ứng dụng qua API là một phương thức giao tiếp giữa các phần mềm, nó thuộc về vấn đề chuyên môn IT, còn với người dùng chỉ cần biết phần mềm đó có đem lại tiện ích hay không. Các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều có API của riêng họ có thể là miễn phí hoặc có phí, nhưng giữa doanh nghiệp nọ với doanh nghiệp kia thì thường sẽ có độ lệch nhau nhất định. Cùng một hướng giải quyết vấn đề, chắc chắn các doanh nghiệp IT sẽ có các cách khác nhau, dùng các hàm khác nhau để tạo nên giải pháp nhằm thoả mãn đề bài mà khách hàng đặt ra”.
Ông Cao Trung Hiếu đưa ví dụ cụ thể: “Chẳng hạn làm phần mềm kế toán & theo đúng yêu cầu của Bộ (giả sử có) thì Dân trí Soft khi phát triển sản phẩm đều có những định chuẩn API cho nội bộ hoặc để chia sẻ ra bên ngoài, còn doanh nghiệp khác sẽ dùng các hàm khác cũng để giải quyết cùng vấn đề đó. Việc tích hợp API sẽ được các doanh nghiệp phần mềm thực hiện cùng nhau để giải quyết một yêu cầu nào đó của khách hàng, cho nên việc đưa ra bộ tiêu chí mở API để chia sẻ dữ liệu là việc làm hành chính hóa, ít hoặc không đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp làm phần mềm. Bản chất ở đây là bài toán nhu cầu thị trường, giả sử khách hàng đang dùng các phần mềm rời rạc thì các công ty phần mềm này sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra hệ thống kết nối API mà không cần một quy định hành chính nào cả”.
Ông Cao Trung Hiếu – CEO Dân trí Soft (TP.HCM) - Ảnh: Hoà Bình |
Ông Cao Trung Hiếu phân tích: “Nói API thì dễ nhưng ko phải lập trình viên nào, công ty phát triển phần mềm nào cũng có khả năng làm API ngay từ đầu, vì nó phức tạp và tốn kém hơn nhiều, nhưng chưa hẳn thỏa mãn nhu cầu khách hàng hơn cách thông thường. Khi họ còn nhỏ thì họ làm nhanh để kiếm tiền sống. Khi đã lớn hơn một chút, được 100 khách hàng thì phải có API như quy định (nếu có quy định hành chính như đề xuất). Lúc đó, viết lại chương trình có API sẽ rất khó với họ, đặc biệt là phải duy trì sự tương thích với các khách hàng cũ (hoặc tối thiểu duy trì được tài liệu phát triển phần mềm). VN đang có bao nhiêu công ty (kể cả công ty lớn) làm được việc này? Mới đây, như báo chí đăng tải, Google quyết định không sử dụng Oracle trong hệ thống nội bộ mà chuyển sang SAP. Lý do là bởi Oracle ko chịu cấp chứng nhận cho dịch vụ cloud của Google tương thích với hệ thống Oracle. Họ nói Oracle cloud đang cạnh tranh với Google cloud nên họ sẽ ko cấp chứng nhận cho đối thủ cạnh tranh... Như vây, có thể thấy, nếu đã không có kiến trúc, thiết kế từ đầu thì có thể phải “đập đi làm lại” chứ sửa chữa có khi còn nặng tiền hơn làm mới”.
Không có bộ tiêu chí API
Đồng quan điểm với ông Cao Trung Hiếu, chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số Đào Trung Thành cũng phản bác đề xuất của ông Ngô Thanh Tùng: “Làm gì có cái gọi là bộ tiêu chí API? Các API các hãng Microsoft, Google, IBM, Amazon, SAP, Oracle… đều có các bộ API riêng của mình! Vấn đề là họ có thể công bố để các phần mềm khác sử dụng hàm API của họ và như thế có thể tích hợp (integrate) hệ thống. Những vụ mua các phần mềm riêng lẻ của các hãng rồi tích hợp luôn là nỗi đau đầu của các nhà triển khai”.
Ông Đào Trung Thành |
Ông Đào Trung Thành khẳng định: “Đề xuất như thế rất thiếu thực tế! Ví dụ nói các phần mềm của Viettel và VNPT hay FPT phát triển đang có các hàm API rồi và chắc chắn chúng khác nhau. Thế thì thống nhất bộ tiêu chí kiểu gì? Đập đi làm lại bộ API sao? Không đơn giản thế khi hệ thống có hàng triệu dòng code và phải làm lại”.
Ông Đào Trung Thành phân tích thêm: “Có 2 vấn đề, về tính mở tùy thuộc vào chính sách công ty, chính sách đối với việc công bố các API. Một số công ty bảo vệ API của họ một cách mạnh mẽ. Ví dụ, Sony thường chỉ cung cấp API chính thức của PlayStation 2 cho các nhà phát triển PlayStation có đăng ký. Điều này là vì Sony muốn giới hạn những người có thể viết trò chơi trên PlayStation 2, và muốn thu lợi nhuận từ những người này càng nhiều càng tốt. Đây thường là chính sách đối với các công ty mà họ không thu lợi từ việc bán các hiện thực API của họ. Tuy nhiên, PlayStation 3 là công bố hoàn toàn APIs. Một số công ty thì cung cấp miễn phí API. Ví dụ, Microsoft công bố hầu như hoàn toàn thông tin về các API, để cho các phần mềm có thể được viết chạy trên nền Windows. Việc bán của các phần mềm hãng thứ 3 đồng thời với việc phải mua hệ điều hành Microsoft Windows. Đây thường là các công ty thu lợi nhuận từ việc bán các hiện thực API”.
Ông Cao Trung Hiếu đánh giá, nếu tính riêng trên phương diện quản lý các nhà thuốc thì việc chia sẻ dữ liệu có tác dụng tích cực: “Tất cả thông tin lưu thông, buôn bán của nhà thuốc, hãng dược được liên thông đến sở y tế thông qua phương thức API giữa phần mềm của sở y tế và phần mềm quản lý nhà thuốc, giúp cơ quan quản lý có được số liệu kịp thời và ngày càng trung thực hơn”.
“Tuy nhiên, nên hiểu rõ đây là chia sẻ dữ liệu theo định chuẩn quốc gia chứ không phải là bộ y tế mở dữ liệu API ra bên ngoài. Còn việc kết nối dữ liệu từ phần mềm quản lý nhà thuốc và hãng dược đến phần mềm sở y tế được các công ty phần mềm tự do chọn phương thức kết nối API riêng, miễn là dữ liệu đúng chuẩn quy định của bộ y tế để đưa vào hệ thống dữ liệu của cơ quan quản lý. Câu chuyện mở dữ liệu API thì chỉ liên quan đến các công ty IT mà thôi, còn đối với người dùng họ chỉ cần kết quả là sự tiện ích nhờ kết nối, tính ổn định và khả năng phát triển phần mềm” – Ông Cao Trung Hiếu khẳng định.