Chuyên gia ĐHYHN hướng dẫn điều trị COVID-19 tại nhà: F0 cần tự theo dõi triệu chứng sinh tồn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, F0 tự điều trị tại nhà cần theo dõi triệu chứng sinh tồn để cập nhật tình hình sức khoẻ, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh – Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Y học gia đình và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)
PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh – Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Y học gia đình và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là thông tin được PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh – Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Y học gia đình và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đưa ra tại chương trình đào tạo trực tuyến chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 với chủ đề kiến thức cơ bản về quản lý F0 tại nhà diễn ra vào chiều tối ngày 6/9.

F0 phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch

PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh cho biết: Thống kê cho thấy, tính đến ngày 5/9, TP. HCM đang có số ca mắc, số ca tử vong cao nhất với hơn 200.000 ca mắc và hơn 6.000 ca tử vong, tiếp đến là Bình Dương với hơn 3.000 ca mắc và 1.097 ca tử vong.

Phân tích số ca F0 tính đến ngày 12/8 có thể thấy trong tổng cộng 40.578 số bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ chiếm tới 81,6%; bệnh nhân thở khí phòng mức độ trung bình chiếm 9,3%. Còn bệnh nhân nguy kịch, phải thở ECMO chiếm 0,05%. Căn cứ vào số liệu này, các cơ sở y tế sẽ phân tầng bệnh nhân điều trị theo tháp 3 tầng. Với từng mức độ diễn biến của bệnh, bệnh nhân sẽ được chuyển tầng điều trị.

PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh cung cấp thông tin về việc cách ly, điều trị F0 tại nhà (Ảnh - MT)

PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh cung cấp thông tin về việc cách ly, điều trị F0 tại nhà (Ảnh - MT)

Khi mắc COVID-19, những người mắc bệnh nền (đái tháo đường, béo phì, thừa cân, bệnh lý mạch máu não, hen phế quản, thiếu hụt miễn dịch,…) có nguy cơ mắc bệnh nặng. Chính vì thế, nhiệm vụ chung của cơ sở quản lý F0 tại nhà là quản lý danh sách người nhiễm SARS-CoV-2; quản lý sức khoẻ F0 tại nhà theo phân công; phát hiện sớm người nhiễm có nguy cơ chuyển nặng để xử trí cấp cứu tại chỗ, hướng dẫn/chuyển bệnh viện kịp thời. Từ đó, tư vấn điều trị triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý; hướng dẫn phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19.

Để cách ly tại nhà, người là F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, không bị suy hô hấp, SpO2 lớn hơn hoặc bằng 96%, thở khí trời, nhịp thở nhỏ hơn hoặc bằng 20 lần/phút; từ 1-50 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, béo phì; tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên; có khả năng tự chăm sóc bản thân. Cùng với đó, F0 phải đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế,…

Phương tiện F0 cần có khi cách ly tại nhà (Ảnh - MT)

Phương tiện F0 cần có khi cách ly tại nhà (Ảnh - MT)

Theo PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, phương tiện F0 cần có khi cách ly tại nhà gồm: Nhiệt kế, máy đo độ bão hoà Oxy đầu ngón tay (SpO2), máy đo huyết áp. Đặc biệt, F0 khi cách ly, điều trị tại nhà phải thực hiện tốt các yêu cầu sau: Làm tốt thông điệp 5K; cài đặt, khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng Bluezone hoặc thông báo cho nhân viên y tế nhất là khi có biểu hiện ho, sốt, đau rát họng, khó thở; chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà, không ra khỏi phòng cách ly trong thời gian cách ly, không tiếp xúc với gia đình, vật nuôi; không dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân; tự khử khuẩn nơi ở; để riêng rác vào thùng có nắp đậy, loại bỏ rác thải riêng. Sau khi kết thúc thời gian cách ly cần tự theo dõi sức khoẻ tại nhà theo quy định.

Theo dõi triệu chứng sinh tồn, tập thể dục, bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ

F0 điều trị tại nhà cần chủ động theo dõi sức khoẻ, triệu chứng sinh tồn (mạch, huyết áp (nếu có máy đo), nhịp thở, nhiệt độ, SpO2); các triệu chứng (mệt mỏi, ớn lạnh, ho, mất mùi, đỏ mắt, tiêu chảy,… F0 cần báo cáo tình hình sức khoẻ qua cuộc gọi tự động, trung tâm điều hành, nhóm y tế phụ trách, gọi 2 lần/ngày.

Cùng với đó, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh khuyến cáo F0 cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, uống nước thường xuyên, không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái. Ngoài ra, F0 có thể cải nhiện oxy phổi bằng cách nằm ở tư thế sấp, tập thở, ho, khác đờm, giúp giảm khó thở, ho tống đờm.

Dấu hiệu cần được cấp cứu (Ảnh - MT)

Dấu hiệu cần được cấp cứu (Ảnh - MT)

Khi cơ thể có dấu hiệu lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt, mệt lả, khó thở, hụt hơi, nhịp thở nhanh >25 lần/phút hoặc SpO2 nhỏ hơn hoặc bằng 94%; tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu chi, nhịp tim >12 nhịp/phút hoặc <50 nhịp/phút; huyết áp thấp; đau tức ngực, đau thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu thì F0 cần báo ngay cho cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, nhân viên cần nắm được quy trình khám bệnh online cho F0 khi điều trị tại nhà gồm 5 bước sau: Chuẩn bị, kết nối (videocall hoặc phonecall); đánh giá nhanh; khai thác bệnh sử và khám (đánh giá thể chất và tinh thần nhiều nhất có thể). Bước cuối cùng là ra quyết định, đưa ra lời khuyên và sắp xếp theo dõi.

3 gói thuốc thiết yếu dành cho F0 điều trị tại nhà

PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh cho biết; Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện có 2 gói thuốc thiết yếu dành cho F0 điều trị tại nhà gồm: Gói thuốc A, B và C.

Gói thuốc A là thuốc điều trị triệu chứng chỉ định khi bệnh nhân bị sốt và cần điều trị hỗ trợ gồm thuốc paracetamol (người lớn: 500mg mỗi 6h; trẻ em: 10-15mg/kg/6h; các vitamin: B,C,D, kẽm,… nước muối; có thể cân nhắc thuốc dạ dày, thuốc ho thảo dược.

Gói thuốc B là thuốc kháng viêm và kháng đông. Thuốc kháng viêm (Dexamethasone 0,5mg, liều 6mg/ngày, uống 1 lần buổi sáng sau ăn; Methylprednisolone 16mg, liều 32mg/ngày, chia 2 lần, uống sau ăn hoặc Prednisolone 5mg, liều 40mg/ngày, uống 1 lần buổi sáng, sau ăn).

Thuốc kháng đông gồm thuốc Rivaroxaban 10mg (uống sáng 1 viên) hoặc Apixaban 2,5mg (uống 1 viên x 2 lần/ngày).

PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh khuyến cáo: Trong giai đoạn đầu virus nhân lên, bệnh nhân không được dùng thuốc kháng viêm. Sau khi bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn sau thì mới cần dùng thuốc kháng viêm.

Gói thuốc C là thuốc kháng virus chỉ định cho người lớn từ 18-65 tuổi, mắc COVID-19 biểu hiện nhẹ, đồng ý ký phiếu chấp thuận, chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, người suy gan, viêm gan virus cấp, suy thận, viêm tuỵ cấp hoặc mạn.

Liều điều trị là dùng thuốc Molnupiravir 800mg x 2 lần/ngày, điều trị trong 5 ngày.

Bên cạnh đó, F0 điều trị tại nhà có thể tự điều trị nâng đỡ bằng cách nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh thông thoáng, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, hạ sốt bằng paracetamol, tập thở, tư thế nằm sấp, theo dõi sát lâm sàng để xem bệnh có trở nặng hay không.

Chương trình đào tạo khẩn cấp và miễn phí phục vụ việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên y tế và cộng đồng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Thời gian học mỗi ngày được bắt đầu từ 17h, kết thúc lúc 19h, học từ chiều thứ 2 đến chiều thứ 6 hàng tuần.

Mỗi buổi học sẽ có 2 chuyên đề,giảng viên là những chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan tới việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19, xét nghiệm và đảm bảo chất lượng xét nghiệm COVID-19 của Trường Đại học Y Hà Nội. Việc dạy, học thông qua ứng dụng Webinar zoom và livestream tại fanpage của Trường Đại học Y Hà Nội.