Thông tin được đưa ra trong khuôn khổ chương trình “Học sinh với An toàn thông tin 2022” diễn ra mới đây.
Theo chuyên gia Kaspersky, trong nửa đầu năm 2020 đã có gần 40% trẻ em Việt Nam sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến như mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, video trực tuyến...
Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi lớn dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, môi trường mạng vẫn tiềm ẩn nhiều cạm bẫy và nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Một nghiên cứu khác của Kaspersky cũng cho thấy ngày càng có nhiều người sử dụng tính năng ẩn danh trên mạng, chủ yếu là ở khu vực Đông Nam Á với 35%, kế đó là Nam Á với 28% và Úc với 20%.
Trong số này, mạng xã hội có nhiều người dùng ẩn danh nhất là Facebook (chiếm 70%). Ẩn danh trực tuyến cho phép các cá nhân tự do theo đuổi sở thích của họ và thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, việc ẩn danh cũng khiến kẻ xấu dễ dàng thực hiện các hành vi thao túng, quấy rối, uy hiếp trên không gian mạng và trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tấn công nhất.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky Việt Nam, chia sẻ: “Thế giới trực tuyến có đầy những bài học, thông tin và niềm vui. Nếu được sử dụng đúng cách, nó có thể mang lại những lợi ích to lớn cho trẻ em. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần nhận thức rõ về tác hại có thể xảy đến với trẻ em và thanh thiếu niên khi các em bị cuốn vào thế giới mạng phức tạp mà không có sự tư vấn, hướng dẫn và giám sát phù hợp”.
Dưới đây là 4 biện pháp mà các bậc bậc phụ huynh nên áp dụng để nuôi dạy con trẻ hiệu quả và an toàn hơn:
- Đồng hành với con cái bằng tinh thần cởi mở và hiểu biết, thay vì cấm đoán. Trò chuyện có trách nhiệm với con về những lợi ích và rủi ro khi tham gia không gian mạng để con tự do thử nghiệm trong phạm vi cho phép và rút ra bài học cho riêng mình.
- Thảo luận với con về thời gian dành cho mạng xã hội để cân bằng các hoạt động thể chất khác. Hãy là một tấm gương tốt, thực hành những gì bạn rao giảng để con bạn tin tưởng và hiểu rằng bạn chỉ muốn bảo vệ chúng.
- Tìm hiểu về các bài đăng trên mạng xã hội của con và những người bạn mà chúng giao tiếp. Ngăn con trẻ truy cập các trang web không an toàn bằng cách hạn chế một danh mục cụ thể. Đây có thể coi là một công cụ đắc lực trong việc hướng dẫn và đồng hành cùng trẻ khám phá thế giới trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả.
- Chọn giải pháp bảo mật toàn diện để giúp bảo vệ trẻ khỏi các mối đe dọa trên mạng để phụ huynh có thể quản lý thời gian truy cập, giám sát các hoạt động trực tuyến của con em khi sử dụng máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh.
Chương trình “Học sinh với An toàn thông tin 2022” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), AIS, Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Vụ Công tác học sinh sinh viên thuộc Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về an toàn mạng cũng như kỹ năng sử dụng Internet hiệu quả cho phụ huynh và học sinh.
Cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2022 đã thu hút gần 600.000 học sinh đến từ 6.000 trường THCS trên cả nước, đây được xem là liều "vaccine số" để trẻ em tự bảo vệ mình và phát triển an toàn, lành mạnh trong không gian kỹ thuật số.