Chuyển động cổ đông lớn ở Đầu tư tài sản Koji (KPF)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hơn 12 triệu cổ phiếu, tương ứng 19,8% vốn điều lệ KPF được sang tay qua phương thức thỏa thuận ngày 8/9. Hậu giao dịch, KPF đón 2 tân cổ đông lớn, đều sinh năm 1994, là ông Nguyễn Như Khánh và ông Tạ Sơn Tùng.

Ông Nguyễn Khánh Toàn – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Tài sản Koji (Mã CK: KPF; tên cũ là CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh) – vừa đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu KPF, mục đích nhằm đầu tư. Thương vụ dự kiến được thực hiện từ ngày 26/9 – 25/10/2023.

Trước giao dịch, ông Toàn không sở hữu cổ phiếu KPF nào. Nếu mua vào thành công 3 triệu cổ phiếu đã đăng ký, ông sẽ trở thành cổ đông gần lớn ở KPF với tỷ lệ sở hữu 4,93% vốn điều lệ.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, sinh năm 1979, được bầu làm Chủ tịch HĐQT KPF từ tháng 8/2023. Ông từng công tác tại Sở Công thương Hà Nội (2004 – 2008) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (2009 – 2017).

Bên cạnh trọng ghế tại KPF, ông Nguyễn Khánh Toàn còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý tài sản La Paloma, thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Hàng tiêu dùng quốc tế.

kpf.PNG
Diễn biến thị giá cổ phiếu KPF (Nguồn: Tradingview)

Trước đó, hôm 8/9, bà Lê Thị Như Thanh và ông Nguyễn Quang Huy (thành viên HĐQT KPF) bán ra tổng cộng 12,1 triệu cổ phiếu KPF, qua đó triệt thoái vốn khỏi công ty này.

Ở hướng ngược lại, ông Nguyễn Như Khánh thông báo mua vào thành công 6,06 triệu cổ phiếu KPF, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 9,96% vốn điều lệ. Cùng ngày, ông Tạ Sơn Tùng cũng mua vào 6,04 triệu đơn vị, tương đương 9,93% vốn điều lệ của KPF.

Trước giao dịch, ông Nguyễn Như Khánh và ông Tạ Sơn Tùng không sở hữu cổ phiếu KPF nào.

Theo tìm hiểu của VietTimes, hai tân cổ đông lớn của KPF đều sinh năm 1994. Trong đó, ông Tạ Sơn Tùng là con trai của ông Tạ Văn Sơn – Thành viên HĐQT CTCP Điện nước Lắp máy Hải Phòng.

Ông Tùng hiện còn đứng tên người đại diện theo pháp luật tại CTCP Đầu tư và Giao dịch hàng hóa THC, CTCP Đầu tư và Tư vấn quản lý tài sản Trần Hoàng.

Trong phiên giao dịch ngày 8/9, khoảng 12,1 triệu cổ phiếu KPF được trao tay qua phương thức thỏa thuận, đúng bằng số cổ phiếu ông Khánh và ông Tùng đã mua. Các giao dịch này có giá trị 87,7 tỉ đồng.

Kết phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu KPF đóng cửa ở mức 5.980 đồng/cp, giảm tới 52,9% so với đầu năm 2023.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 706 tỉ đồng

Tại EGM 2023, cổ đông của KPF đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 834,6 tỉ đồng trái phiếu do ba tổ chức phát hành là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (313,6 tỉ đồng trái phiếu mã PHICH2124001), Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (240 tỉ đồng trái phiếu mã CLACH2124003) và CTCP Đầu tư Nông nghiệp Sạch Phú Son (281 tỉ đồng trái phiếu mã PAICH2124001).

Mục đích nhận chuyển nhượng là xử lý các tài sản đảm bảo trái phiếu thông qua việc giải chấp bán tài sản đảm bảo trái phiếu và chuyển nhượng tài sản đảm bảo trên cơ sở được chấp thuận của người sở hữu trái phiếu.

Đáng chú ý, cổ đông của KPF cũng thông qua phương án phát hành riêng lẻ 9,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:16, giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Thương vụ có thể giúp KPF tăng vốn điều lệ lên 706 tỉ đồng.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho KPF để thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến việc hợp tác kinh doanh, khai thác, chế biến khoáng sản Cao lanh với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Lộc Thọ.

Năm 2023, KPF đặt mục tiêu lãi sau thuế 63,7 tỉ đồng, giảm 11% so với năm ngoái. Kết thúc nửa đầu năm nay, công ty mới chỉ hoàn thành được 29% mục tiêu này; lợi nhuận sau thuế đạt 18,5 tỉ đồng, giảm 60,5% so với cùng kỳ năm 2022./.