Chuyển đổi số - Chiến lược rút ngắn khoảng cách giữa các ngân hàng

VietTimes -- Trong “thời đại công nghệ 4.0”, để đáp ứng được nhu cầu giao dịch mọi lúc - mọi nơi của khách hàng, các ngân hàng phải liên tục chạy theo cuộc đua xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ giao dịch 24/7 cho khách hàng.

SHB tiến tới số hóa toàn bộ hồ sơ khách hàng
SHB tiến tới số hóa toàn bộ hồ sơ khách hàng

Ngân hàng chú trọng đầu tư hiện đại hóa CNTT

Hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) chú trọng ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa hệ thống CNTT phục vụ tổng thể cho điều hành nội bộ, cải thiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhiều kênh thanh toán dịch vụ mới thuận tiện, chi phí thấp, cung ứng 24/7 đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và thúc đẩy hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Thống kê của NHNN cho thấy đã có hơn 100 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động... Số lượng giao dịch thanh toán qua các kênh này cũng đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ.

Trong quý I/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm 2018.

Cùng với xu hướng phát triển CMCN 4.0, các TCTD đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động tài chính – ngân hàng như: Digital banking/Digital Lab (ngân hàng số); Timo Bank, ATM + Livebank... 

Một số TCTD đã hợp tác thành công với các Fintech để đưa công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như áp dụng sinh trắc học, sử dụng QR code, công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), công nghệ mPOS, ví điện tử... Bước đầu, việc nghiên cứu và áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa bằng robot (RPA), chuỗi khối (Blockchain)... cũng đã được thực hiện tại một số TCTD.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, đối với một ngân hàng có quy mô nhỏ và “sinh sau đẻ muộn” so với các ngân hàng lớn mạnh khác thì ngân hàng số đã được lựa chọn là chiến lược để tạo hướng đi riêng. 

Đây là giải pháp rút ngắn khoảng cách một cách nhanh hơn cũng như có cơ hội tạo vị thế mới, cạnh tranh tốt hơn.

Theo vị lãnh đạo này chia sẻ, thay vì tập trung mở rộng mạng lưới như mô hình ngân hàng truyền thống, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, nhân sự và chi phí vận hành tăng cao, trong khi độ trễ cho sinh lời kéo dài, thì đẩy mũi nhọn ngân hàng số với chi phí so sánh thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn, đặc biệt là trong nắm bắt xu hướng các nhu cầu trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nhận định chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong ngành ngân hàng, hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường, tăng doanh thu và giảm chi phí hoạt động cũng như mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Trong khi đó, nhận diện cơ hội và thách thức, NHNN đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành phải đảm bảo việc ứng dụng CNTT hỗ trợ tích cực cho việc triển khai Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và trở thành thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành của NHNN và quản trị, kinh doanh của TCTD theo thông lệ quốc tế tốt nhất. 

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về công nghệ ngân hàng so với các quốc gia phát triển trên thế giới; Kịp thời nắm bắt cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để đổi mới cơ cấu tổ chức, quy trình và nguồn nhân lực, tiến đến một hệ thống ngân hàng hoạt động trên nền tảng công nghệ hiện đại, thích ứng cao với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế số, xã hội số... Chạy theo cuộc đua trong “thời đại công nghệ 4.0”, để đáp ứng được nhu cầu giao dịch mọi lúc - mọi nơi của khách hàng, các ngân hàng phải liên tục chạy theo cuộc đua xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ giao dịch 24/7 cho khách hàng. 

Sẵn sàng cho điều này, ngay từ năm 2018, SHB đã có chiến lược về chuyển đổi số với sự tư vấn của hãng công nghệ hàng đầu thế giới - IBM cùng chiến lược cụ thể 5 năm từ 2019 đến 2023. 

Và để mở đầu cho lộ trình phát triển dài hạn, năm 2019, SHB sẽ triển khai bước đầu các giải pháp công nghệ mới hướng tới nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng ngân hàng số.

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc SHB, ngân hàng đã triển khai hàng loạt dự án với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm và giảm chi phí hoạt động, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bền vững, điển hình như: Hệ thống Quan hệ khách hàng (CRM) hiện đại. Đối với hệ thống này, mục tiêu năm 2019, việc bán hàng sẽ được ứng dụng cho tất cả các cán bộ bán hàng của SHB. Bằng các thiết bị di động cá nhân, cán bộ bán hàng của ngân hàng có đầy đủ các thông tin của khách hàng, từ đó, hiểu khách hàng hơn và có thể tư vấn, hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ, sản phẩm.

Đặc biệt, ngân hàng này sẽ tiến hành tăng trải nghiệm của khách hàng với việc tích hợp công nghệ hiện đại tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine Learning), Chatbot trong quá trình khách hàng sử dụng hệ thống Ngân hàng điện tử cả kênh Internet Banking và Mobile Banking.

Với những ứng dụng tích hợp này, khách hàng có thể tìm hiểu, được hướng dẫn sử dụng tất cả các sản phẩm, dịch vụ bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào và được hệ thống tự động của ngân hàng trả lời một cách nhanh chóng nhất. 

Đồng thời, ngân hàng tiếp tục phát triển thế mạnh thanh toán không tiền mặt bằng việc cung cấp các kênh thanh toán hiện đại: Samsung Pay, Thanh toán không tiếp xúc, Thanh toán hóa đơn (điện, nước, vé tàu, vé máy bay, …), thanh toán bằng mã QR Code hay liên kết với ví điện tử Grab Pay by Moca, VNPT Pay…Đối với công tác số hóa các quy trình nội bộ của ngân hàng, SHB và một số ngân hàng khác thực hiện xây dựng Hệ thống Kho dữ liệu tập trung (DW-BI). Đây là hệ thống được thiết kế để hỗ trợ trong việc lưu, phân tích dữ liệu và hệ thống phân tích thông minh hỗ trợ ngân hàng quản trị nội bộ cũng như xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Ứng dụng Robotics trong hoạt động vận hành: Robotics sẽ thay thế các hoạt động lặp đi lặp lại của con người theo những kịch bản có sẵn. Khi triển khai giải pháp này có thể tăng năng suất trong vận hành và giảm tối đa các sai sót do con người gây ra khi làm việc căng thẳng hoặc mệt mỏi. 

Bên cạnh đó, SHB tiến tới số hóa toàn bộ hồ sơ khách hàng, hồ sơ chứng từ trong hoạt động điều hành làm cơ sở, nền tảng cho việc chuyển đổi số; triển khai hàng loạt các giải pháp tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ như nâng cấp Corebank Intellect, nâng cấp các module Smart Vista, giải pháp thu hồi nợ…chuyển đổi theo hướng tinh gọn, nhanh chóng và từ đó hoạt động hiệu quả hơn.

Để thực hiện đường điều này, lãnh đạo ngân hàng SHB cho biết sẽ quyết liệt xây dựng đội ngũ nhân lực tập trung nghiên cứu hướng tới việc xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế và liên tục cập nhật công nghệ mới để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất, đem lại sự an tâm tối đa cho khách hàng. 

Bằng nội lực, ngân hàng sẽ xây dựng và triển khai bước đầu ứng dụng nội bộ có tích hợp công nghệ AI, nhận diện ngôn ngữ tự nhiện, nhận diện giọng nói, Chatbot, … nhằm hỗ trợ các cán bộ nhân viên tương tác và phối hợp tốt hơn trong công việc với kiến trúc và nền tảng số (Digital Flatform).“Với một lộ trình triển khai đầy hứa hẹn, SHB kỳ vọng trở thành một trong những ngân hàng tiên phong trong việc phát triển, nâng cao trải nghiệm và đưa dịch vụ chăm sóc khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số lên một chuẩn mực mới”, ông Nguyễn Văn Lê cho biết.