Chuyện chưa kể về những thanh niên trưởng thành từ tâm dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vất vả, hy sinh là điều thấy rõ nhưng ẩn sâu trong ánh mắt của những tân binh ngành y, sự tự hào, sự trưởng thành toát lên từ mỗi suy nghĩ, mỗi hành động chưa bao giờ bớt lấp lánh...
Những khoảnh khắc hồn nhiên của các nữ sinh Khoa Xét nghiệm trên đường đi lấy mẫu.
Những khoảnh khắc hồn nhiên của các nữ sinh Khoa Xét nghiệm trên đường đi lấy mẫu.

Vượt qua những bài giảng lâm sàng trên giảng đường, những ca bệnh trên lý thuyết các sinh viên năm 4 của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tham gia vào cuộc chiến chung của toàn ngành y với sứ mệnh “truy tìm COVID-19”.

Một phần của cuộc chiến chống "giặc" COVID-19

Hơn 600 sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã được điều động chống dịch. Các em hầu hết là sinh viên năm 4 của Khoa Xét nghiệm, đều đang trong giai đoạn đi thực tập. Nhiều em gọi đây là “kỳ thực tập đặc biệt” vì mọi thứ đều phải thực chiến.

Có mặt trên chuyến xe chở gần 30 sinh viên của lớp Xét nghiệm 10, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương di chuyển về tâm dịch Chí Linh thực hiện lấy mẫu, chúng tôi mới thấy được sự vất vả của các em. Chặng đường 30km đến điểm lấy mẫu như ngắn lại bởi những câu chuyện rôm rả của các chiến binh.

Nguyễn Thị Thủy Tiên - Bí thư của lớp Xét nghiệm 10 - được bạn bè trong lớp gọi là “cô gái lạc quan nhất đoàn”. Em chia sẻ: “Gần Tết, cả lớp ai cũng nhớ nhà, nhưng chúng em đều ý thức được trách nhiệm của mình. Những ngày đầu, chúng em đang thực tập tại Hà Nội nhưng nhận được tin là về ngay. Chúng em quyết tâm ở lại tâm dịch ăn Tết. Thường thì công việc bọn em sẽ đi cả một ngày liền. Trưa sẽ được thay đồ và ăn cơm chỉ khoảng một tiếng, trong lúc đấy mọi người có thể nghỉ ngơi hoặc tranh thủ làm các công việc khác. Đến tối thì bọn em sẽ về trường ở kí túc xá. Có những hôm về sớm thì 7 - 8h tối. Những hôm muộn hơn thì 10h đêm bọn em mới trở về”.

Chuyến xe rộn rã tiếng nói cười của các sinh viên tự hào đi vào tâm dịch.

Chuyến xe rộn rã tiếng nói cười của các sinh viên tự hào đi vào tâm dịch.

Khi nghe Thủy Tiên nói đến Tết, cô gái Phạm Phương Loan ngồi cạnh sụt sùi vì… nhớ mẹ. Phương Loan tâm sự: “Khi nghe tin em đi chống dịch chỉ có mẹ em nghe máy điện thoại thôi còn bố thì cứ nhìn thấy em là quay mặt đi khóc thầm. Nhưng em đã thấy lời nhắn bố động viên: “Con còn trẻ và là một phần của cuộc chiến chống 'giặc'COVID-19!”. Còn em gái thì bình thường hay tranh cãi nay lại luôn động viên chị mạnh mẽ để hết dịch trở về bên gia đình”.

Trưởng thành từ tâm dịch

Là chàng trai duy nhất trong gần 30 sinh viên đi lấy mẫu tại TP.Chí Linh, Trần Bá Duy (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, đây đã lần thứ ba em được nhận nhiệm vụ đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Hai lần trước em thực hiện công việc tại phường Cộng Hòa (TP. Chí Linh), huyện Nam Sách và hôm nay tiếp tục quay lại TP. Chí Linh. Em cho biết, việc lấy mẫu này các em đã được học, được thực hành nên công việc này không có khó khăn gì mà còn là một cơ hội lớn để các em trưởng thành hơn trong tâm dịch.

Với các sinh viên tình nguyện thực hiện nhiệm vụ đi lấy mẫu thì khoảnh khắc đặc biệt nhất có lẽ là những lần lấy mẫu cho các cháu bé ở trường mầm non. Duy kể: “Cứ nhìn các em xếp thành hàng, thành tốp vào xét nghiệm tay run run, mè nheo dỗi hờn là chúng em không cầm được nước mắt. Những mệt mỏi vì áp lực công việc bỗng chốc tan biến. Chưa bao giờ chúng em được truyền lửa nghề một cách mạnh mẽ như vậy”.

Trên chuyến xe lấy mẫu xét nghiệm có một “nhân vật đặc biệt” mà các sinh viên gọi là “Idol của cả nhóm” - thầy giáo Ngụy Đình Hoàn – Giảng viên Khoa Xét nghiệm, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Cách gọi của các em là hoàn toàn có cơ sở khi hơn 10 ngày qua, thầy Hoàn chính là người trực tiếp đồng hành cùng các em trong cả hoạt động chuyên môn lẫn bữa ăn, giấc ngủ.

Anh Hoàn bày tỏ: “Tôi tin sau đợt dịch này không chỉ sinh viên mà các thầy cô trong trường sẽ có những tiến bộ rất lớn, đặc biệt trong công tác dự phòng, phòng bệnh và trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID. Đáng quý hơn, những sinh viên trước đây chỉ học trong trường hay bệnh viện, còn hiện tại các em ra ngoài cộng đồng được học phản ứng nhanh, xử lý các tình huống nhanh, tôi chắc chắn sau này các em sẽ có bước tiến vượt bậc”.

Công tác gần 15 năm trong ngành y, đây có lẽ là dấu ấn đặc biệt nhất của anh. Nhà anh Hoàn nằm ngay cách điểm đóng quân của thầy trò chưa đến 5km, nhưng cũng không thể về. Vợ bảo đưa con đến nhìn bố từ xa cũng được nhưng anh không đồng ý vì sợ cả bố và con đều không cầm lòng được.

Cả đoàn xe phấn khởi hơn sau cuộc điện thoại của thầy Hoàn về thông tin sẽ có 600 chiếc bánh chưng từ một nhà tài trợ tặng cho các sinh viên chống dịch. “Chỉ tiêu là một em một cái nhé!”, thầy Hoàn thông báo. Cả xe rôm rả và quyết định “phải đổi quà” vì bánh chưng mà để lâu thì sẽ hỏng và “ăn nhiều thì béo lắm”.

Bàn bạc, tranh cãi một lúc cả nhóm sinh viên quyết định sẽ chỉ lấy một nửa, số bánh còn lại, các em muốn đổi một ít sữa bánh ngọt để tiện dụng hơn. Thầy Hoàn đùa: “Đúng là được voi đòi tiên”. Nhiều em sinh viên đã chuẩn bị phương án trang trí ký túc xá trong những giờ nghỉ không đi lấy xét nghiệm.

27 Tết, trên những chuyến xe đi lấy mẫu xét nghiệm không chỉ có mệt mỏi, căng thẳng mà còn có cả những niềm vui giản dị. Chiếc xe lấy mẫu đã đến điểm đáp-TT Y tế TP. Chí Linh. Thầy Hoàn ra “mệnh lệnh”: “Chúng ta có 15 phút để mặc đồ bảo hộ các em nhé!”. Tiếng các sinh viên đùa vui: “Chúng em hết yêu thầy rồi”! rồi nhanh chóng tản đi chuẩn bị làm nhiệm vụ.