Chương trình "Bác sĩ cho mọi nhà" được triển khai từ năm 2020 qua sự phối hợp của Bộ Y tế với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và sự tài trợ của chính phủ Nhật Bản.
Quá trình thực hiện đến nay đã qua hai giai đoạn: phát triển phần mềm và thử nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn từ năm 2021 đến năm 2022.
Dựa trên những kết quả tích cực và bài học từ giai đoạn ban đầu này, giai đoạn 2 được thực hiện tại 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk và Cà Mau.
"Bác sĩ cho mọi nhà" là cầu nối cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đơn vị y tế tại tuyến huyện và các tuyến trên, giúp công tác tư vấn, hướng dẫn điều trị hiệu quả. Phần mềm dùng trong chương trình có tính năng cuộc gọi truyền hình, hỗ trợ thực hiện các cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chuyên môn.
Ngoài ra còn có ứng dụng điện thoại thông minh thân thiện với người dùng, trao quyền cho người dân trong cộng đồng địa phương, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và người khuyết tật, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Từ tháng 11/2022, phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế các cấp tỉnh, huyện và xã tại 5 tỉnh, tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế.
Chương trình cũng đã thiết lập các phòng chức năng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại 75 Trạm y tế xã có nguy cơ cao thông qua việc trang bị 75 bộ máy tính để bàn, webcam microphone và loa ngoài, với chất lượng tốt để đảm bảo dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hiệu quả.
Trong năm nay và những năm tiếp theo, chương trình "Bác sĩ cho mọi nhà" sẽ tiếp tục được nhân rộng đến các tỉnh mới.
Bộ Y tế và UNDP sẽ tiếp tục hoàn thiện phần mềm dựa trên những bài học và kết quả đã có; tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống văn bản hướng dẫn kỹ thuật.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, cán bộ UNDP, có 4 yếu tố để UNDP phối hợp với Bộ Y tế để tiến hành chương trình "Bác sĩ cho mọi nhà", đó là:
Thứ nhất, nhu cầu chuyển đổi số y tế được đặt ra cấp thiết khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế chất lượng, nâng cao năng lực quản trị và hiệu suất.
Thứ hai, tăng khả năng chống chịu dịch bệnh. Tại thời điểm Covid-19 bùng phát, số lượt thăm khám tại các cơ sở y tế giảm 80% so với trước khi có dịch do những lo ngại về lây nhiễm và các biện pháp hạn chế đi lại.
Thứ ba, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở. Việt Nam có hơn 11.000 trạm y tế cơ sở với năng lực chẩn đoán còn hạn chế, chưa được kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa tuyến trung ương.
Thứ tư, tăng khả năng tiếp cận của người dân. Các nhóm dễ bị tổn thương, người dân vùng sâu vùng xa phải chi phí tốn kém hơn và điều kiện đi lại khó khăn hơn để tiếp cận với dịch vụ y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh.
Tiến sĩ Dương Huy Lương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - cho biết phần mềm dùng trong chương trình "Bác sĩ cho mọi nhà" có những mô đun chức năng rất hữu dụng như phân luồng, điều hướng cuộc gọi theo Tỉnh; tạo cuộc gọi ưa thích; phân loại cuộc gọi theo mục đích; chức năng thống kê, dashboard; đặt hẹn và xử lý hẹn; tạo hồ sơ (phiếu tư vấn khám chữa bệnh từ xa, phiếu hội chẩn từ xa).
Bộ Y tế đã triển khai tập huấn sử dụng phần mềm cho 8 tỉnh, với sự tham gia của 2927 cán bộ y tế (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng), trong đó 52% là nữ. Sau khi được tập huấn, khảo sát cho thấy trên 90% cán bộ y tế tự tin về sử dụng phần mềm; 75% đánh giá tài liệu, phương pháp tập huấn phù hợp.
Cà Mau là một tỉnh được triển khai chương trình "Bác sĩ cho mọi nhà" giai đoạn 2. Ông Trần Thanh Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Tân - cho biết tỉnh đã phối hợp với UNDP bố trí 2 đợt tập huấn chuyên môn, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho bác sĩ tuyến tỉnh, huyện.
Riêng huyện Phú Tân có 2 trạm y tế xã trong số 15 trạm trong tỉnh Cà Mau được tiếp nhận máy tính bàn và các phụ kiện từ nguồn tài trợ từ UNDP trong khuôn khổ dự án.
Hiện 61% dân số trên địa bàn huyện Phú Tân có tài khoản khám, chữa bệnh. Các y bác sĩ đã tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho 48 trường hợp; đặt lịch khám chữa bệnh cho 622 trường hợp; 100% bác sĩ của các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và Trung tâm y tế huyện Phú Tân cài đặt và sử dụng thành thạo các chức năng của phần mềm bác sĩ cho mọi nhà.
Một địa điểm khác cũng được triển khai chương trình "Bác sĩ cho mọi nhà" thời gian vừa qua là xã Hòa Tiến, huyện Krông Pawk, tỉnh Đăk Lăk.
Là một xã vùng 2 miền núi Tây Nguyên, Hòa Tiến có 6.677 nhân khẩu với số hộ nghèo chiếm 2,6%. Trạm Y tế của xã có 7 cán bộ, cơ sở vật chất có 5 máy tính kết nối Internet ổn định.
Ông Hồ Hữu Hải - Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tiến - cho biết thời gian qua, cán bộ y tế huyện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội đến từng hộ gia đình tư vấn sử dụng phần mềm khám, chữa bệnh từ xa với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà".
Kết quả đến nay 4.873/6.677 nhân khẩu đã được tạo tài khoản; số người dân đã sử dụng phần mềm là 1425 người; số người đặt lịch hẹn tới trung tâm y tế là 1.246; số lượt đã khám và tư vấn là 1.241 người.
Trung tâm Y tế xã đã thực hiện khám và tư vấn từ xa các nhóm bệnh như Covid-19 thể nhẹ tại nhà, bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, động kinh cũng như quản lý theo dõi sau tiêm chủng.
Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái - cho rằng phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" nên khắc phục hiện tượng bị gián đoạn khi có cuộc gọi đến (điện thoại đang sử dụng phần mềm).
Ngoài ra nên bổ sung chức năng hiển thị các chỉ số thăm khám trực tiếp người bệnh trên màn hình. Tỉnh Yên Bái sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Y tế và UNDP để triển khai chương trình này đến người dân.
Ông David Payne - chuyên gia UNDP - nhận xét rằng thời gian vừa qua, chương trình "Bác sĩ cho mọi nhà" được triển khai rất nhanh chóng và hiệu quả. Quan điểm của UNDP là chương trình này nên được tích hợp vào các kế hoạch trọng điểm của Bộ Y tế, qua đó có thể lồng ghép một cách có hiệu quả vào chương trình trọng điểm của quốc gia.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS. TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, thời gian qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế đã từng bước phát triển và đạt được một số thành quả ban đầu đáng khích lệ.
Ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương 1000 điểm cầu. Đến nay Đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc.
Trong bối cảnh giãn cách do COVID-19, việc xây dựng và triển khai Đề án này càng cho thấy tính hiệu quả của Đề án.
Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định trong năm 2023. Nội dung khám, chữa bệnh từ xa sẽ được quy định cụ thể, chi tiết hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, người hành nghề và đặc biệt là người bệnh được hưởng lợi từ hoạt động này.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - nhận xét: "UNDP đặt ưu tiên cao trong việc hỗ trợ Lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm cả chuyển đổi kỹ thuật số về y tế.
"Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa tuyến y tế cơ sở trên toàn quốc, nơi mà những nhân viên y tế cơ sở được hỗ trợ bằng những hướng dẫn sẵn có và bệnh nhân nhận được chăm sóc chất lượng cao đúng thời gian."
"UNDP đang làm việc với Bộ Y tế, các tỉnh và các đối tác khác tại Việt Nam để huy động thêm các nguồn lực nhằm hỗ trợ mở rộng ra nhiều tỉnh hơn và tiếp tục xây dựng khung pháp lý và chính sách cho chương trình khám, chữa bệnh từ xa," bà nói thêm.