Chuỗi bệnh viện của ông chủ Việt Phú An Dương Công Thuyên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các bệnh viện có liên quan tới ông Dương Công Thuyên – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú An - tập trung khai thác các thị trường ngách, tại Hà Nội và Tp. HCM.
Trụ sở chính của CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú An

Trụ sở chính của CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú An

Theo số liệu của Bộ Y tế, giai đoạn từ năm 2010 đến 2019, số bệnh viện tư nhân đã tăng gấp đôi, từ 102 lên 231 bệnh viện (chiếm 5% tổng số giường bệnh, đạt 1,7 giường/vạn dân).

Một số nhà đầu tư đã thành lập các chuỗi bệnh viện như: Vinmec, Hoàn Mỹ, Thu Cúc, FV Hospital. Hầu hết các chuỗi bệnh viện tư nhân đều kinh doanh có lãi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

Trong khi đó, một số ‘tay chơi’ khác lại lựa chọn thị trường ngách, phát triển các bệnh viện tập trung vào những chuyên khoa, chuyên ngành riêng biệt, đơn cử như CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú An (Việt Phú An).

Ít năm trước, Việt Phú An là một trong những ứng viên sáng giá trong cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Bệnh viện Nam Thăng Long. Dù chỉ có quy mô khoảng 100 giường, song Bệnh viện Nam Thăng Long là bệnh viện đa khoa công lập hạng 2, có lợi thế về vị trí địa lý tại khu vực phía tây Hà Nội.

Đến tháng 3/2017, việc cổ phần hoá Bệnh viện Nam Thăng Long được tạm dừng, cái tên Việt Phú An sau đó cũng ít được đề cập tới.

Chuỗi bệnh viện của ông chủ Việt Phú An

Một số bệnh viện có liên quan tới ông Dương Công Thuyên - Chủ tịch CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú An

Một số bệnh viện có liên quan tới ông Dương Công Thuyên - Chủ tịch CTCP Đầu tư xây dựng Việt Phú An

Theo tìm hiểu của VietTimes, Việt Phú An được thành lập từ tháng 12/2007, tiền thân là Công ty TNHH Bất động sản Việt Phú An. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, làm tổng thầu EPC cho nhiều dự án của một tập đoàn có thâm niên trong lĩnh vực địa ốc, với giá trị hợp đồng lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Việt Phú An là ông Dương Công Thuyên (SN 1968). Cập nhật tới tháng 3/2016, ông Thuyên nắm giữ ít nhất 10 triệu cổ phần của Việt Phú An.

Vị doanh nhân sinh năm 1968 còn được biết tới là Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn danh tiếng nêu trên. Tập đoàn này cũng là bệ đỡ cho sự thăng tiến của một vị doanh nhân quê Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Nên biết, Việt Phú An cũng từng dùng 1,6 triệu cổ phần của một nhà băng làm tài sản bảo đảm tại công ty chứng khoán theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, phục vụ mục đích kinh doanh chứng khoán.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tới năm 2017, Việt Phú An mới bắt đầu bổ sung vào đăng ký kinh doanh các ngành liên quan tới lĩnh vực y tế, như: hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa (chi tiết: hoạt động của các phòng khám chuyên khoa Nhi); hoạt động của các bệnh viện, trạm xá.

Trên trang chủ, Việt Phú An cho biết là chủ đầu tư Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, Bệnh viện Thẩm mỹ Asean Hà Nội, Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn Hà Nội.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, các hoạt động trong lĩnh vực y tế của Việt Phú An và ông Dương Công Thuyên (cùng đối tác thân tín Vũ Hoàng Nguyên) không chỉ giới hạn ở các bệnh viện trên.

Các ông Dương Công Thuyên và Vũ Hoàng Nguyên, tính đến tháng 6/2019, nắm chi phối tại Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Phát (tiền thân là Công ty TNHH Y tế Trí Đức) – đơn vị vận hành Bệnh viện Đa khoa Hồng Phát (Hà Nội).

Hai vị doanh nhân này cũng từng nắm giữ tới 99% vốn của CTCP Kinh doanh quốc tế Asean. Doanh nghiệp này sau đó đổi tên thành CTCP Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Hà Nội, vận hành một bệnh viện cùng tên trên đường Trường Chinh (Hà Nội). Tuy nhiên, ông Thuyên và các cổ đông sáng lập khác đã thoái vốn tại đây từ tháng 11/2017.

Ông Dương Công Thuyên là Chủ tịch HĐQT CTCP Y tế Phúc Thịnh (Phúc Thịnh). Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 12/2012, quản lý và vận hành Bệnh viện Ngoại khoa Nam Sài Gòn. Công trình bệnh viện này do Việt Phú An làm tổng thầu, được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2018.

Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Nguyên (SN 1969) là Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh doanh Hưng Việt (Hưng Việt) và Tổng Giám đốc của CTCP Đào tạo, phát triển nghề và dịch vụ quốc tế Asean – Đông Hội. Công ty Hưng Việt là đơn vị phát triển Bệnh viên Ung bướu Hưng Việt và Phóng khám đa khoa Hưng Việt tại Hà Nội.

Ông Vũ Hoàng Nguyên cũng từng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Bệnh viện Đức Phúc (tiền thân là CTCP Bệnh viện Âu Việt) – đơn vị phát triển Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc (Hà Nội). Đến tháng 4/2020, ông Nguyên nhường lại vai trò đại diện theo pháp luật tại công ty này cho ông Vũ Việt Dũng (SN 1979). Ngoài ra, ông Dũng còn đứng tên tại CTCP Bệnh viện An Thịnh.

Chuỗi bệnh viện của ông Dương Công Thuyên làm ăn ra sao?

Theo dữ liệu của VietTimes, sau khi Bệnh viện Quốc tế Nam Sài Gòn được đưa vào sử dụng, năm 2019, doanh thu của Phúc Thịnh tăng mạnh, đạt 32 tỉ đồng (năm 2018 chỉ đạt 0,9 tỉ đồng).

Tuy nhiên, công ty này cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế năm 2019 lên tới 104 tỉ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2018. Chịu các khoản lỗ triền miên, tính đến ngày 31/12/2019, Phúc Thịnh đã âm sâu vốn chủ sở hữu (-65,9 tỉ đồng).

Trong khi đó, Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Phát đã âm vốn chủ sở hữu trong suốt giai đoạn 2016 – 2019, cùng kết quả kinh doanh không mấy nổi bật.

Đối với Việt Phú An, báo cáo riêng lẻ cho thấy, sau khi ghi nhận doanh thu đạt 944,4 tỉ đồng vào năm 2017, chỉ tiêu này có chiều hướng suy giảm trong các năm 2018 và 2019, lần lượt đạt 458,6 tỉ đồng và 273,6 tỉ đồng. Luỹ kế giai đoạn 2016 – 2019, công ty này đem về 38,9 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trên bảng cân đối, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Việt Phú An đạt mức 2.889,4 tỉ đồng, cao gấp 4,3 lần quy mô vốn chủ sở hữu./.