Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, ngày 13/3, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 761,78 điểm, giảm 7,47 điểm (-0,97%). Mức giảm của VN-Index đã được thu hẹp rất nhiều, bởi trong phiên giao dịch, chỉ số này có lúc để mất tới 45,83 điểm.
Đà hồi phục của VN-Index xuất phát lớn từ nhóm ngành ngân hàng, với hàng loạt cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như CTG, TCB, MBB. Bên cạnh đó, thị trường giao dịch khá sôi động với mức thanh khoản lên tới hơn 6.172 tỷ đồng.
|
Sắp xanh trở lại với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: VNDS)
|
Trước đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chịu tác động mạnh từ diễn biến kém khả quan ở một số TTCK lớn tại Mỹ và châu Á do những ảnh hưởng khó lường của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu.
Trong báo cáo cập nhật diễn biến TTCK phát hành mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã dự báo 2 kịch bản tác động của dịch Covid-19 tới GDP Việt Nam năm 2020 (tăng trưởng GDP mục tiêu là 6,8%).
Cụ thể, ở kịch bản tích cực, dịch bệnh được kiểm soát trong vòng 3 tháng, thì mức giảm nhiều nhất của GDP so với năm trước là 1,59%. Còn trong kịch bản tiêu cực, dịch Covid-19 được kiểm soát trong vòng 6 tháng, GDP Việt Nam giảm nhiều nhất là 1,72%.
|
Tác động của dịch Covid-19 (hay nCoV) tới GDP Việt Nam năm 2020 (Nguồn: BSC)
|
Theo BSC, dịch bệnh thực ra giống đầu tư ở chỗ đều là cuộc chiến lâu dài. Hoạt động đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng phần nào từ dịch bệnh, nhưng vẫn không đảo ngược xu hướng Việt Nam là điểm đến đầu tư FDI.
Về dự báo chỉ số VN-Index trong 3 tháng tới, trong kịch bản tích cực, chỉ số này sẽ lấp “gap” (khoảng trống) về giá, vượt qua kháng cự 873 điểm, quay lại vùng tích lũy sau đỉnh. Ở kịch bản tiêu cực, VN-Index tiếp tục mất vùng hỗ trợ 760 điểm và về vùng thấp nhất của nhiều năm.
Các thông tin ảnh hưởng ngắn hạn mà BSC lưu ý, bao gồm: (1) Dịch bệnh, (2) Thế giới, (3) Doanh nghiệp niêm yết và (4) Giao dịch khối ngoại.