Tháng 12/2021, Nutifood cho ‘chào sân’ thương hiệu nước giải khát nguồn gốc tự nhiên NutiZen.
Nhiều sản phẩm truyền thông đưa tin về sự kiện này cho biết, NutiZen là sản phẩm đầu tiên của Nutifood sau khi chính thức ‘bước chân’ vào lĩnh vực thảo dược, thảo mộc, với khoản đầu tư vào Quasapharco (CTCP Thương mại – Dược – Sâm Ngọc Linh Quảng Nam).
Ít ai để ý, trong năm 2021, Quasapharco còn ghi nhận sự hiện diện của 1 cổ đông khác: CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – Mã CK: VDS).
Tính đến ngày 31/12/2022, VDS cho biết đã rót 32,5 tỉ đồng vào Quasapharco, tăng 7,5 tỉ đồng so với đầu năm, và hạch toán ở khoản mục ‘các khoản đầu tư dài hạn’.
Khoản đầu tư trên có thể chiếm tới 21,6% cổ phần của Quasapharco, nếu so với quy mô vốn điều lệ 150 tỉ đồng của doanh nghiệp này (tại ngày 28/5/2022).
Thành lập từ tháng 1/2005, Quasapharco được giới thiệu là công ty nuôi trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh Quảng Nam.
Tuy vậy, dữ liệu của VietTimes thể hiện, công ty này nhiều năm liền duy trì quy mô vốn chủ sở hữu ở mức 36,7 tỉ đồng. Giai đoạn 2020 – 2022, Quasapharco chứng kiến 2 đợt tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 150 tỉ đồng. Vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty này hiện do ông Trần Bảo Minh đảm nhiệm.
Sinh năm 1967, ông Trần Bảo Minh được mệnh danh là ‘phù thủy’ marketing của ngành hàng tiêu dùng. Ông Minh được ghi nhận có đóng góp đáng kể trên con đường trở thành hãng sữa hàng đầu Việt Nam của Vinamilk, sự nổi lên của TH true Milk, hay thời khắc ‘đình đám’ của Mì Gấu Đỏ (Asia Foods).
Sau ‘nốt trầm’ tại CTCP Sữa Quốc tế (IDP), ông Trần Bảo Minh đầu quân cho Nutifood của vợ chồng doanh nhân Trần Thanh Hải. Trong nhiều sản phẩm truyền thông về khoản đầu tư của Nutifood ở Quasapharco, ông Minh được giới thiệu là Phó Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này.
Bên cạnh Quasapharco, trong năm 2022, VDS cũng gom thêm cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi, với giá gốc ghi nhận tại ngày 31/12 ở mức 168,7 tỉ đồng – tăng gấp đôi so với đầu năm.
Nutifood, như VietTimes từng phân tích, được tin rằng là nhóm cổ đông chiếm ưu thế ở ‘game’ thâu tóm QNS.
Ngoài ra, VDS cũng mua vào lượng lớn cổ phiếu DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam trong năm 2022.
Tại thời điểm 31/12/2022, VDS ghi nhận 'giá mua' cổ phiếu DBC ở mức 213 tỉ đồng (trong khi ở thời điểm 31/12/2021 chưa tới 1 tỉ đồng), chiếm tới 30,8% danh mục cổ phiếu niêm yết mà công ty chứng khoán này nắm giữ.
Lưu ý rằng, VDS tạm chịu lỗ 99,1 tỉ đồng với khoản đầu tư vào DBC (tại ngày 31/12/2022), lớn nhất trong danh mục tự doanh./.