Chứng khoán lao dốc, tự doanh CTCK gom mạnh cổ phiếu nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tới cuối quý 3/2022, giá trị hợp lý của danh mục tự doanh ở hầu hết các CTCK mà VietTimes khảo sát 'lỗ' sâu so với giá gốc, song quy mô danh mục lại tăng mạnh dù VN-Index đã giảm 45% kể từ đầu năm 2022.

Tự doanh là một trong những hoạt động kinh doanh mang lại nguồn thu trọng yếu cho các công ty chứng khoán (CTCK). Danh mục, 'khẩu vị' tự doanh của các CTCK sau mỗi kỳ công bố báo cáo tài chính cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tính đến cuối quý 3/2022, giá trị hợp lý các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ở hầu hết các CTCK mà VietTimes khảo sát đều đang giảm sâu so với giá gốc.

Tuy vậy, xét về quy mô danh mục FVTPL, chỉ tiêu này lại có xu hướng tăng so với đầu năm 2022. Điều này cho thấy các CTCK đang tận dụng cơ hội chứng khoán điều chỉnh để thay đổi cơ cấu danh mục, chuẩn bị cho những nhịp tăng giá mới.

Vậy các CTCK đang gom mạnh những cổ phiếu nào(?).

Tại ngày 30/9/2022, tài sản FVTPL của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – Mã CK: VDS) có giá gốc 1.193,9 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm, nhưng giá trị hợp lý chỉ ở mức 973,7 tỉ đồng.

Trong đó, chiếm chủ yếu là cổ phiếu niêm yết với giá gốc 788,4 tỉ đồng (giá trị hợp lý đạt 560,6 tỉ đồng). Báo cáo tài chính thể hiện VDS đã gom mạnh các mã cổ phiếu DBC (192,3 tỉ đồng); TCB (124,2 tỉ đồng); ACB (77,7 tỉ đồng); HPG (82,2 tỉ đồng). Ngoài ra, VDS còn gom thêm cổ phiếu VTP (23,8 tỉ đồng).

Tương tự, CTCP Chứng khoán TP. HCM (Mã CK: HCM) cũng gom mạnh cổ phiếu trong 9 tháng đầu năm 2022, nổi bật là các cổ phiếu ngân hàng, kể như: VPB (71,4 tỉ đồng); TCB (65,3 tỉ đồng), ACB (54,5 tỉ đồng), MBB (43,1 tỉ đồng), VCB (31,2 tỉ đồng), STB (30,2 tỉ đồng), HDB (26,5 tỉ đồng), VIB (22,5 tỉ đồng).

Danh mục FVTPL của HSC ghi nhận tại ngày 30/9/2022

Danh mục FVTPL của HSC ghi nhận tại ngày 30/9/2022

Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục tài sản FVTPL của CTCP Chứng khoán DNSE (DNSE), với giá gốc tại ngày 30/9/2022 ở mức 120,8 tỉ đồng (trong khi giá trị hợp lý đạt 88,7 tỉ đồng).

Quy mô tài sản FVTPL của CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) cũng tăng mạnh so với đầu năm 2022 với mức giá gốc ghi nhận tại ngày 30/9 đạt 21.350,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, thay vì 'bắt đáy' cổ phiếu, SSI tăng nắm giữ chứng chỉ tiền gửi với số dư đạt 12.996,7 tỉ đồng. Đáng chú ý, SSI còn nắm giữ 7.308,8 tỉ đồng trái phiếu chưa niêm yết, tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm 2022.

Danh mục FVTPL của SSI ghi nhận tại ngày 30/9/2022

Danh mục FVTPL của SSI ghi nhận tại ngày 30/9/2022

Cổ phiếu có số dư lớn nhất trong danh mục tài sản FVTPL của SSI là SGN của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, với giá gốc đạt 407,4 tỉ đồng.

Tính đến cuối quý 3/2022, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) ghi nhận giá gốc tài sản FVTPL ở mức 17.657,1 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm 2022.

Trong đó, VND đẩy mạnh việc nắm giữ chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu (bao gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp) với tổng giá trị đạt 16.600,5 tỉ đồng./.