|
Bà Thái Hương, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị NHTMCP Bắc Á (Nguồn: BAB) |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về Ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (UPCOM: BAB). Theo đó, 500 triệu cổ phiếu của BAB sẽ được niêm yết trên sàn UPCOM vào ngày 28/12/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 20.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá khởi điểm ấn tượng, ngang bằng với thị giá cổ phiếu của những ngân hàng quy mô vốn lớn như BID, CTG, MBB.
Theo bản giới thiệu của Ngân hàng TMCP Bắc Á, BAB được thành lập vào năm 1994, có Hội sở chính đặt tại Nghệ An, vốn điệu lệ 20 tỷ đồng, với 10 cổ đông sáng lập góp vốn ban đầu (BAB trở thành Công ty đại chúng năm 2011).
Tính đến 30/09/2017, BAB có mặt ở 18 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm 01 Hội sở, 26 Chi nhánh, 75 phòng giao dịch/quỹ tiết kiệm. BAB còn có 2 công ty con sở hữu 100% là Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản – NHTMCP Bắc Á (Vốn chủ sở hữu 50 tỷ đồng) và Công ty TNHH Kiều Hối Bắc Á (Vốn chủ sở hữu 77 tỷ đồng).
Tại ngày 30/11/2017, cơ cấu cổ đông của BAB chủ yếu là Cá nhân trong nước (128 cổ đông), chiếm 96,28%; Tổ chức trong nước (8 cổ đông) chiếm 3,72%.
Trong cơ cấu Hội đồng quản trị của BAB có sự góp mặt của bà Thái Hương hiện đang giữ chức Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và nắm giữ 21.624.590 cổ phần, chiếm 4,325% vốn điều lệ. Được biết, bà Thái Hương còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sữa TH (TH Milk) từ năm 2009 đến nay. Theo luật TCTD sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 15/01/2018, các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp, do vậy bà Thái Hương sẽ phải lựa chọn vị trí giữa TH Milk và BAB trong thời gian tới. Tuy nhiên, như VietTimes từng đề cập trước đó, có nhiều cách có thể giúp các sếp nhà băng “lách” quy định mới về chức danh lãnh đạo ngân hàng.
Ngân hàng tiên phong trong hoạt động cho vay lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Tổng thu nhập của BAB đạt 5.223 tỷ đồng (89,35% so với năm 2016), chủ yếu là Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 5.002 tỷ đồng (chiếm 95,77%), tiếp đến là Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 16.078 tỷ đồng (chiếm 2,12%) và Thu nhập từ các hoạt động khác. Trong tổng doanh thu 5.223 tỷ đồng, ngân hàng mẹ chiếm tới 5.190 tỷ đồng.
BAB là ngân hàng tiên phong trong hoạt động tư vấn, cho vay và phục vụ các doanh nghiệp đưa công nghệ vào nông nghiệp quy mô lớn, đồng bộ. Đây cũng là đối tượng chiếm tỷ trọng dư nợ cao của ngân hàng này. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của BAB chiếm hơn 59% tổng dư nợ cho vay, trong đó phần lớn vốn vay lớn dành cho các dự án Nông nghiệp Công nghệ cao.
Tổng chi phí lũy kế đến 30/09/2017 đạt 4.740,42 tỷ đồng, bao gồm chủ yếu: Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự (3.789 tỷ đồng), Chi phí hoạt động (487,61 tỷ đồng) và Chi phí từ dự phòng rủi ro tín dụng đạt (298,63 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất (lũy kế đến 30/09/2017) đạt 386,67 tỷ đồng, tăng 23,87% so với cùng kỳ 2016. Mức lương bình quân 09 tháng đầu năm 2017 của cán bộ nhân viên tại BAB là 12 triệu đồng/người/tháng.
Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp
Tính đến ngày 30/09/2017, Tổng tài sản của BAB đạt 85.856 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Trong đó, các khoản chiếm tỷ trọng lớn như: Tiền gửi và cho vay các TCTD khác đạt 10.669 tỷ đồng, tăng gần 70% so với đầu kỳ; Cho vay khách hàng đạt 51.471 tỷ đồng, tăng 8%; Chứng khoán đầu tư đạt 18.864 tỷ đồng (chủ yếu là Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán 18.558 tỷ đồng); Tài sản có khác ghi nhận 2.761 tỷ đồng (chủ yếu là Các khoản lãi, phí phải thu đạt 2.612 tỷ đồng).
Phân tích chất lượng nợ vay cho thấy tỷ lệ nợ xấu của BAB đạt ở mức thấp đạt 0,68% (cũng cần lưu ý Khoản Trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản VAMC ghi nhận mệnh giá đạt 600 tỷ đồng tại ngày 30/09/2017). Các khoản Nợ đủ tiêu chuẩn và Nợ cần chú ý đạt 51.726 tỷ đồng, tăng 4015 tỷ đồng so với đầu năm. Phân tích dư nợ theo thời gian cũng cho thấy tỷ lệ phân bổ nợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn không có nhiều khác biệt.
Cơ cấu nguồn vốn huy động của BAB đang có xu hướng đa dạng hóa, giảm tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường 1 (tiền gửi từ dân cư, các tổ chức kinh tế) và tăng dần huy động vốn từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng). Cụ thể, Tiền gửi của Khách hàng giảm tỷ trọng từ 93% năm 2015 xuống 81,37% tại ngày 30/09/2017 (tương đương 63.209 tỷ đồng). Trong khi đó, Hoạt động huy động vốn trên thị trường 2 tăng tỷ trọng từ 4% lên mức 6,61%, đạt 12.909 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của BAB chủ yếu là khoản Vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng và các khoản Lợi nhuận chưa phân phối (839,91 tỷ đồng), Quỹ của TCTD (312 tỷ đồng) và Thặng dư vốn cổ phần (7 tỷ đồng).
BAB cũng đặt kế hoạch chi trả cổ tức 8% cho năm 2017 và 2018. Cổ tức chỉ được chi trả 01 lần sau khi năm tài chính kết thúc.