Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay các hạng mục công việc của dự án cần được tiếp tục thực hiện (như thiết kế kỹ thuật) để khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án có thể được triển khai thực hiện nhanh hơn, bởi vì, đã chủ động được về vốn ngân sách, vốn của nhà đầu tư theo hình thức BT và chủ động về quỹ đất.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND TP Hà Nội sớm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng đường sắt. Trước mắt, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư; chú ý huy động các nguồn lực (kể cả bằng hình thức hợp đồng BOT) để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - sân bay Nội Bài và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
TP Hà Nội phải tổ chức thực hiện việc kết nối các tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo kết nối thống nhất toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội (kết nối giữa các nhà ga, các đoàn tàu và trung tâm quản lý điều hành); khi kết nối các tuyến đường sắt phải bảo đảm về kỹ thuật và an toàn.
Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan phối hợp với UBND TP Hà Nội thực hiện các quy trình, thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải phải tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án hạ tầng đô thị đang được thực hiện, trong đó có 2 tuyến đường sắt, gồm tuyến Nhổn-ga Hà Nội và tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.
Các tuyến bao gồm: tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai).
Theo tờ trình, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) có chiều dài gần 6 km. Đoạn đường sắt này được thiết kế đi ngầm với 6 ga ngầm với tổng mức đầu tư hơn 25.700 tỷ đồng, khai thác vào năm 2025.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8,7 km với 7 ga ngầm tổng mức đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng, dự kiến khai thác vào năm 2026. Tuyến thứ 3 là đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km, tổng kinh phí hơn 66.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025.
TP Hà Nội có thể huy động được khoảng 135.000 tỷ đồng trong 8 năm từ 2018 đến 2025 để thực hiện. Số tiền này đủ để cân đối xây dựng 3 tuyến đường sắt trên.
Trong trường hợp các nguồn lực nói trên chưa huy động đủ hoặc không kịp thời, Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 - 25.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố mong muốn được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hóa từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án.
UBND Hà Nội đưa ra 3 phương án đầu tư. Phương án 1 đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT nhưng có kết hợp đầu tư trả một phần bằng ngân sách thành phố và kết hợp nguồn đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trả một phần quỹ đất đối ứng.
Phương án 2, đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, thanh toán bằng toàn bộ đất đối ứng nhưng nhà đầu tư thực hiện ứng vốn để thực hiện các dự án BT.
Phương án 3, đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách đầu tư công của thành phố và hình thức áp dụng theo mô hình đối tác thực hiện dự án PDP. Phương án này học tập theo mô hình của Malaysia, nhà thầu được chủ đầu tư chỉ định thực hiện dự án.