Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong: Chống dịch COVID-19, đừng để nước tới chân mới nhảy!

VietTimes – “Đừng để nước tới chân mới nhảy, lúc đó có nhảy cũng không kịp” là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chiều nay, 29/2.
Chống dịch COVID-19, chủ tịch UBND TP.HCM: Đừng để nước tới chân mới nhảy! Ảnh: Sỹ Đông
Chống dịch COVID-19, chủ tịch UBND TP.HCM: Đừng để nước tới chân mới nhảy! Ảnh: Sỹ Đông

Phải tính đến tình huống xấu nhất

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chiều 29/2, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh hiện tại tình hình dịch bệnh đang ở mức cao nhất. Nếu không chủ động đối phó sẽ rất khó khăn.

Hiện Hàn Quốc là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng ca nhiễm COVID-19. Ông Phong khẳng định số lượng bệnh nhân nhiễm ở Hàn Quốc cho thấy đã vượt quá giới hạn phục vụ y tế.

Ông Phong phân tích: “Khi có 1 người nhiễm, dù tiết kiệm nhân lực thì cũng ít nhất cần 10 người phục vụ y tế. Như vậy, 1.000 ca nhiễm phải cần có 10 nghìn người phục vụ y tế. Đất nước Hàn Quốc phát triển như vậy còn không đủ giường bệnh trên phạm vi cả nước”.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diến biến phức tạp, ông Phong liên tục nhấn mạnh giới hạn của TP.HCM là 1.000 ca. Chúng ta phải tính đến trường hợp xấu nhất để có phương án dự phòng phù hợp.

"Với người Việt Nam ở Hàn Quốc trở về địa phương thì các địa phương phải tính toán được khả năng chịu đựng. Cụ thể khả năng Bến Tre có thể giải quyết cách ly được bao nhiêu trường hợp?"

Về vấn đề khẩu trang, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Công thương TP.HCM phải phối hợp với ngành y tế tính tổng số khả năng cung ứng khẩu trang, nguồn cung và tính dự trù cho nhu cầu cả 1 quý.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Sỹ Đông
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Sỹ Đông

"Nếu xài không hết thì chúng ta cho các tỉnh, nhưng phải tính toán trước. Chúng ta phải chủ động cho cả 1 quý. Giả định ngày 9/4 có 73.000 học sinh lớp 12 cùng với số giáo viên, thì phải tính được mỗi ngày mỗi em sử dụng bao nhiêu cái khẩu trang vải, bao nhiêu khẩu trang y tế?" - Ông Phong nhấn mạnh.


Trước tình trạng hành khách chờ nhiều giờ ở sân bay Nội Bài vừa qua, ông Phong đề nghị TP.HCM không để xảy ra trường hợp tương tự. Đặc biệt, chúng ta không chờ đến khi khách đáp xuống sân bay mới kiểm dịch, quản lý. 

Ông Phong đề nghị Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với Quân khu 7, công ty hàng không xây dựng BV Dã chiến và chuyển hành khách chờ lâu về đó, không để họ lang thang sân bay.

Phải đảm bảo trang thiết bị bảo hộ cho bác sĩ

Cùng với sự bất an toàn trong của cộng đồng trong dịch bệnh, sự an toàn của nhân viên y tế cũng là vấn đề đáng lo ngại. Tại Trung Quốc, hàng nghìn bác sĩ đã bị lây nhiễm, nhiều người đã tử vong trên cuộc chiến chống COVID-19.

Tại cuộc họp, ông Phong nhấn mạnh sự chủ động trong công tác phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ.

Trang phục bảo hộ y tế của y bác sĩ tại BV Dã chiến (Củ Chi). Ảnh: Nguyễn Trăm
Trang phục bảo hộ y tế của y bác sĩ tại BV Dã chiến (Củ Chi). Ảnh: Nguyễn Trăm

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế TP.HCM “phải cam kết làm sao cho nhân viên y tế không được nhiễm COVID-19. Cả thành phố có 18.881 bác sĩ, trong đó có 2424 bác sĩ thuộc Trung ương và riêng về Khoa Nhiễm chỉ có 349 bác sĩ; số lượng điều dưỡng đến hiện tại là 31.301 người, trong đó có 966 điều dưỡng Khoa Nhiễm. Do đó, phải đảm bảo nhân viên y tế được trang bị đầy đủ trang phục, trang biết bị bảo hộ”.

Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM phải đề xuất gói bảo hộ - ít nhất mỗi người 2 bộ đồ bảo hộ (có thể tăng theo nhu cầu cần thiết), chế độ bồi dưỡng cho các bác sĩ tham gia điều trị và lên kế hoạch thời gian thay ca giữa các bác sĩ để đảm bảo sức khỏe và phục vụ tốt hơn.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nhân lực, chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Phong đề nghị Sở Y tế TP.HCM thành lập Trung tâm điều hành nhân sự, tổ chức tập huấn ngắn hạn phòng ngừa cho các trường hợp xảy ra.