|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện thái độ cứng rắn với các hoạt động đòi "độc lập" ở Hồng Kông. Ảnh: Storm |
Trong thời điểm tròn 20 năm Hồng Kông trở về với Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Hồng Kông từ ngày 29/6 – 1/7/2017.
Theo hãng tin Reuters Anh ngày 1/7, trong bài phát biểu cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Bất cứ hoạt động nào đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia, thách thức quyền lực của Trung ương và quyền uy của Luật cơ bản Đặc khu hành chính Hồng Kông, lợi dụng Hồng Kông tiến hành xâm nhập phá hoại nội địa đều sẽ đụng vào giới hạn, đều tuyệt đối không thể cho phép”.
Trong thời điểm quan hệ chính trị và xã hội giữa Hồng Kông với Trung Quốc đại lục, đây là phát biểu cứng rắn nhất của ông Tập Cận Bình đối với Hồng Kông.
Trên nguyên tắc “một nước, hai chế độ”, kể từ sau khi trở về với Trung Quốc vào năm 1997, trung tâm tài chính Hồng Kông “ít nhất có 50 năm” có quyền tự trị rộng rãi.
Ông Tập Cận Bình còn cho biết: “Chế độ bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia của Hồng Kông còn phải hoàn thiện, việc tuyên truyền giáo dục về lịch sử đất nước, văn hóa dân tộc cần tiếp tục tăng cường”.
Theo hãng tin AP Mỹ ngày 1/7, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình ở Hồng Kông ngày 1/7 là một trong những phát biểu gay gắt nhất của ông cho đến nay nhằm vào nhóm hoạt động phe dân chủ của khu vực này.
Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ họ sẽ không cho phép bên ngoài có ý đồ lên án hoặc can thiệp. Ông Tập Cận Bình cho biết: “Trong thời kỳ Trung - Anh đàm phán, chúng ta nói rõ ràng rằng vấn đề chủ quyền không được thảo luận. Sau khi Hồng Kông trở về, chúng ta càng phải kiên định hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia”.
Báo chí Tây Ban Nha ngày 1/7 dẫn lời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, phải luôn nắm bắt chính xác quan hệ giữa “một nước” và “hai chế độ”. “Một nước” là gốc, gốc bám rễ sâu mới có thể cho cành lá tươi tốt, xum xuê.
Ngoài ra, theo báo chí Nhật Bản ngày 1/7, ông Tập Cận Bình đã dùng thái độ cứng rắn để đáp lại các động thái theo đuổi “độc lập” ở xã hội Hồng Kông, đồng thời ông Tập Cận Bình yêu cầu cần “tập trung tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh thiếu niên”, thể hiện sự coi trọng giáo dục tư tưởng cho thanh niên.