Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cuộc họp sáng 22/2. Ảnh: Lê Xuân
|
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong năm 2019, thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, thành phố chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.
Ông Phong thừa nhận một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý. Điều này dẫn đến việc đùn đẩy, giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ. Những điều này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách.
Chủ tịch TP HCM mong muốn các doanh nghiệp nêu những khó khăn vướng mắc, đồng thời thành phố phải tìm ra giải pháp tháo gỡ nút thắt, nhất là quy trình thực hiện chủ trương đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp phép dự án.
Đồng thời, ông Phong yêu cầu các sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể những vướng mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ để triển khai dự án. Những vấn đề nào chưa trả lời được ngay, ông Phong đề nghị trong 10 ngày làm việc phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần giải pháp tổng thể của UBND TP, ông Phong đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ ý kiến, tham mưu thành phố có phương hướng tháo gỡ các điểm nghẽn.
Liên quan tới vấn đề vướng mắc của 19 doanh nghiệp, ông Phong giao ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP lập tổ công tác họp hàng tuần, trước 30/4 phải giải quyết xong để tháng 6 còn tập trung xử lý vụ Thủ Thiêm. Nếu thời gian trong tuần không có thì tổ công tác phải họp cả thứ 7, chủ nhật. Đồng thời, ông Phong nói cứ 3 tháng một lần, lãnh đạo UBND TP và các doanh nghiệp BĐS sẽ làm việc cùng nhau để tháo gỡ các vướng mắc.
Ngoài ra, ông Phong nêu trong quý I, thành phố dự kiến sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có số vốn ký trên 100 tỷ đồng để góp phần tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Đây được coi là giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS kết hợp phát triển với các chương trình đột phá, Đề án đô thị thông minh, Phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông.
DN đề nghị gì? Trong báo cáo do Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp tới TP HCM, Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL) đề nghị các Sở, ngành sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đang bị ách tắc nhiều tháng qua, quan trọng nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Theo QCGL, dự án Phước Kiển đã được UBND TP chấp thuận đầu tư từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt từ tháng 4/2017. Tuy nhiên, dự án bị ách tắc ở phần xin giao đất ở Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT). QCGL nêu, Sở TNMT không trả lời văn bản, chỉ hướng dẫn miệng: “Sở Xây dựng trình chấp thuận đầu tư, và đã được UBND TP duyệt là chưa đúng quy trình”. Lý do, dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất. Vì vậy, QCGL phải quay về Sở Kế hoạch & Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu. Thủ tục trước hết là quyết định chủ trương đầu tư và nhiều thủ tục khác. Công ty băn khoăn về khả năng hoàn tất các bước thủ tục để được chấp thuận đầu tư vào năm 2022, trong khi thủ tục này đã được UBND TP chấp thuận từ năm 2017. QCGL đã mất hơn 3 năm cũng chưa làm xong thủ tục. Công ty bị thiệt hại, trả lãi vay ngân hàng, đối tác liên doanh, dòng tiền thu - chi không chủ động được. QCGL cho rằng tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Kế hoạch sử dụng đất của dự án Phước Kiển 91 ha đã được phê duyệt năm 2018, QCGL cho biết, nhưng nay UBND huyện Nhà Bè đang trình xin gia hạn, thì Sở TNMT lại không đưa vào danh sách gia hạn. Thủ tục này, Sở Kế hoạch Đầu tư đang thụ lý, nhưng hiện nay QCGL không được gia hạn vì chưa có quyết định chủ trương đầu tư. Công ty Địa ốc Phú Long lại gặp khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Trước hết, công ty đã trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất, diện tích 44,5 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện dự án Dragon City. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự ánvẫn còn tồn tại một căn nhà và một số hộ dân không chịu di dời. Như vậy, 16 năm nay, công ty Phú Long không thể triển khai dự án. Công ty Him Lam là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9, có diện tích 2,16 ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003, đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010. Đây là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9, do CTCP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án. Nhưng do công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng. Dự án này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, nên vẫn chưa được giao đất để Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng. Him Lam đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án, để công ty Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính theo quy hoạch được duyệt. |