Tham luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế diễn ra sáng nay (9/5), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích thích phát triển nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Theo ông Trần Bá Dương, các giải pháp điều hành, phục hồi nền kinh tế, can thiệp của Chính phủ cần có sự cân nhắc hài hòa giữa giải quyết khó khăn trước mắt và phù hợp với các nguyên tắc của thị trường. Điều này nhằm giúp nền kinh tế và các doanh nghiệp không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới, với mục tiêu chung là tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng.
Vị Chủ tịch Thaco cho rằng, trong quá trình kinh tế phát triển, những lúc gặp khó khăn, thuận lợi, khủng hoảng lớn nhỏ là điều tất yếu. Các doanh nghiệp cũng có khi lời, khi lỗ, có khó khăn và thất bại.
Các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ để giúp đỡ doanh nghiệp nhưng chỉ nên giúp doanh nghiệp tự đứng vững trên đôi chân của mình chứ không phải tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ. Do vậy, ông Dương đề nghị không nêu các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, để làm mất nhuệ khí của doanh nghiệp.
“Tôi hiểu trăn trở của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá thịt heo” - ông Trần Bá Dương nói.
Ông Dương cho rằng, giá heo cao là cơ hội để khuyến khích chiến lược lâu dài một cách bài bản, có chiến lược lâu dài cho ngành chăn nuôi. Như vậy, sau này không cần phải lo lắng về nguồn cung, hay phải can thiệp điều hành giá thịt heo. Thậm chí, đây là cơ hội để xây dựng ngành nuôi heo để xuất khẩu.
Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế (Nguồn: VGP)
|
Về việc điều hành kinh tế sau dịch, ông Trần Bá Dương mong muốn Chính phủ thực hiện trên tinh thần đồng lòng các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương như chiến dịch chống dịch Covid-19 vừa qua.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thaco còn kiến nghị Chính phủ sớm nới lỏng và mở cửa với các nước có nguy cơ dịch thấp như Campuchia, Lào, có thể ưu tiên mở đường bộ sớm hơn, để thuận tiện giao thương và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bạn.
Mặt khác, ông Dương cũng kiến nghị đón đầu chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua việc giảm giá thành logistics quốc tế tại Quảng Nam (Thaco) nói riêng và miền Trung nói chung.
“Từ trước tới nay, Thaco nhập linh kiện về nhưng phải xuất tới 90% contairner rỗng về thành phố, hoặc Hải Phòng. Và hàng xuất khẩu từ miền Trung phải đưa về thành phố sau đó mới xuất đi các nước dẫn đến giá thành vận chuyển cao gấp rưỡi so với 2 đầu của đất nước” - ông Dương cho biết.
Thời gian vừa qua với sự nỗ lực xuất khẩu xe, mặt hàng may mặc, đồ gỗ và nhất là hàng nông sản của Hoàng Anh Gia Lai, lượng hàng xuất rất lớn và tăng nhanh. Tháng 4 vừa qua, dù dịch nhưng đạt 1.000 container, cuối năm đạt 1.500 container/tháng, và năm sau đạt trên 2.000 container/tháng.
Ngoài ra, Thaco còn muốn xin chủ trương ứng vốn đầu tư, các cơ chế hoàn vốn theo quy định của pháp luật, để thực hiện các dự án luồng tàu Cửa Lở (5.000 tỷ đồng), và quốc lộ 14A nối Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam đến Tp. HCM (70km, 1.700 tỷ đồng). Đây là 2 dự án chưa được triển khai nhưng sẽ góp phần kết nối giao thương cho Quang Nam và khu vực miền Trung.
“Thaco xem dịch bệnh như động lực mới cho doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo” - ông Trần Bá Dương khẳng định tại phiên tham luận Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế.
Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Thaco đạt 11.500 tỷ đồng, nộp ngân sách tại quảng nam là 3.046 tỷ đồng (giảm 30% so với cùng kỳ). Tỷ lệ người lao động nghỉ việc trong thời gian cách ly phòng dịch Covid-19 là 27% nhưng đã quay lại làm việc toàn bộ. Thaco quyết tâm thực hiện nộp ngân sách đạt ít nhất 12.000 tỷ năm 2020, giảm 15% so với năm 2019./.