|
Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc cần những chính sách chủ động hơn để thu hút nhân tài (Ảnh: EPA) |
Trung Quốc sẽ “dốc hết sức lực” để thu hút những chuyên gia thông minh và sáng tạo đến từ khắp nơi trên thế giới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu quan trọng tại một hội thảo về công tác nhân tài tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Bài phát biểu được công bố trong hôm 16/12 đưa ra thời gian biểu cụ thể để Trung Quốc trở thành một cường quốc về khoa học và công nghệ trong vòng 2 thập kỷ.
“Sự nhấn mạnh vào việc đào tạo nhân tài độc lập không có nghĩa là tự cô lập” – ông Tập nói – “Trung Quốc có sự tham gia của nhân tài trên toàn cầu, cùng lúc sự phát triển của Trung Quốc cũng tạo ra nhiều cơ hội cho nhân tài toàn cầu.”
Theo ông Tập, Trung Quốc cần phải thực thi thêm những chính sách chủ động hơn để thu hút những chuyên gia hàng đầu, hiện đang thiếu hụt, và hình thành nên một “hệ thống nhân tài có sức hấp dẫn với toàn cầu và lợi thế cạnh tranh”.
Nhờ vào nguồn vốn hết sức dồi dào cùng nhiều công việc cao cấp, Trung Quốc đang tìm cách thu hút những nhà khoa học từ nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Tháng 9 vừa qua, Tiến sĩ Akira Fujishima, một chuyên gia hóa học và là “cha đẻ của quang xúc tác”, đã tới làm việc tại ĐH Khoa học và Công nghệ Thượng Hải. Trường đại học này cùng chính quyền Thượng Hải sẽ đưa ra khoản đầu tư hàng triệu NDT để xây dựng một viện nghiên cứu cho đội ngũ của ông Fujishima.
Tiến sĩ Mikoshiba Katssuhiko cũng tới làm việc tại trường ĐH ShanghaiTech trong năm 2019 để tiếp tục nghiên cứu sinh học thần kinh phân tử của mình. Shuai Ke, từng là giáo sư hóa sinh tại ĐH California, cũng đầu quân cho ĐH Nam Kinh trong tháng 7, giữa lúc thế đối đầu trong công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng.
Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh có nhiều quan ngại về việc Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước và tăng cường sự tự chủ về sản xuất công nghệ cao, từ đó mà loại bớt sự tham gia của các công ty nước ngoài. Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của Trung Quốc để ngăn chặn đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài lo lắng, và làm tăng nguy cơ mất đi các chuyên gia nước ngoài, càng khiến cho vấn đề nhân tài của họ trở nên trầm trọng hơn.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xóa bỏ các rào cản về thể chế và quan liêu để xây dựng một hệ thống nuôi dưỡng và thu hút nhân tài. “Trung Quốc sẽ xây dựng một đội quân các chuyên gia công nghệ trẻ tuổi, những người đang bị cản trở do cơ hội lãnh đạo và thăng tiến bị hạn chế, cũng như sức ép trong cuộc sống nói chung”, ông Tập nói.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng độ tuổi từ 25 – 40 là thời gian tốt nhất để các nhà khoa học sáng tạo và chế tạo, nhưng rất nhiều người trẻ tuổi có tài đang đầu tư quá nhiều năng lượng vào việc đánh giá chức danh học thuật và dự án, trong khi đối diện với nhiều khó khăn thực tiễn như nhà ở, cho con cái tới trường học. Điểm tập trung trong chiến lược đào tạo nhân tài nên được đặt vào công nghệ” – ông Tập nói thêm.