Với khối tài sản trị giá 2,9 tỷ USD tính đến ngày 19/1, ông Chey Tae-won, sinh năm 1960 (Canh Tý), hiện là tỷ phú giàu thứ 9 của Hàn Quốc và thứ 691 của thế giới, theo Forbes. Chey Tae-won là cháu trai của Chey Jong-kun, nhà sáng lập ra SK Group, chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, dầu mỏ, dịch vụ viễn thông, hóa chất,…
Sunkyong Textiles, tiền thân của SK Group, được thành lập vào năm 1953 khi Chiến tranh Hàn Quốc vừa kết thúc và được dẫn dắt bởi người chú của Chey Tae-won, Chey Jong-kun. Khi đó, tận dụng những ưu đãi về vay vốn và thuế của chính phủ đối với ngành dệt may, Sunkyong Textiles bắt đầu sản xuất polyester và bắt đầu xuất khẩu tơ nhân tạo sang Hong Kong. Khi Jong-kun qua đời ở tuổi 47 vì ung thư phổi, 3 người con trai của ông còn quá trẻ, không thể tiếp quản SK lúc đó đang lớn mạnh. Vì vậy, người anh em của Jong-kun và là cha của ông Chey Tae-won, Chey Jong-hyon, lên nắm quyền kiểm soát SK.
Ông Jong-hyon bắt đầu mở rộng SK sang lĩnh vực mới. Năm 1980, ông mua 50% cổ phần tại Korea Oil từ một tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ và đổi tên thành SK Innovation. Với thương vụ này, SK trở thành một trong 5 chaebol hàng đầu Hàn Quốc về tài sản. Đến năm 1994, ông tiếp tục chi 530 triệu USD để sáp nhập một doanh nghiệp viễn thông thuộc sở hữu của chính phủ, Korea Mobile Telecommunications Servives, và đổi tên thành SK Telecom.
Ông Chey Tae-won (bên phải) được đưa lên làm chủ tịch SK Group vào năm 1998. Ảnh: SK Group.
|
Năm 1998, cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ông Jong-hyon cũng qua đời vì bệnh ung thư phổi. Và ông Chey Tae-won, khi đó 37 tuổi, lên lãnh đạo SK Group.
“Đó là một cuộc chiến. Khi đó, suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi là tôi phải sống sót”, Chey nhớ lại.
Ông Chey gia nhập SK vào năm 1989 với tư cách là giám đốc của một chi nhánh ở San Jose, California. Hai năm sau đó, ông chuyển tới trụ sở của SK tại New York và quay về Seoul vào năm 1994 để giữ chức giám đốc quản lý tập đoàn. Đến năm 1997, ông được thăng chức từ giám đốc phát triển kinh doanh lên CEO của SK Corp. (sau này là chi nhánh lớn nhất của SK).
Hai lần vào tù
Tiếp quản SK Group, ông Chey bắt đầu hướng tới những thương vụ quy mô nhỏ. Năm 2000, ông lên kế hoạch để SK Telecom sáp nhập công ty đối thủ Shinsegi Telecom với giá 2.300 tỷ won (2 tỷ USD) bằng tiền mặt và cổ phiếu. Việc mua Shinsegi đã giúp thị phần của SK Telecom tăng từ 43% lên 57%.
Tuy nhiên, những kế hoạch mở rộng ra nước ngoài sau này của ông Chey đều bị hoãn lại khi vào năm 2003, ông bị kết án 3 năm tù vì tội gian lận kế toán. Ông được thả sau 7 tháng và nhận được lệnh ân xá hoàn toàn từ tổng thống vào năm 2008.
Ông Chey Tae-won bị bắt vào năm 2003. Ảnh: Getty Images.
|
Chey không tiếp tục kế hoạch mở rộng SK mãi tới năm 2007, thời điểm ông biến SK Corp. thành công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán với cái tên SK Holdings. Ông cũng là người đưa SK đến với thị trường Trung Quốc, chủ yếu đầu tư vào hoạt động thăm dò dầu ở Biển Đông và năng lượng, hóa chất ở Thượng Hải và Vũ Hán.
Ông Chey trở lại với nhà tù sau thời điểm đưa Hynix về với SK Group. Một năm sau khi sáp nhập Hynix, doanh thu của SK Hynix phục hồi lên 2,7 tỷ USD sau khi bị lỗ 148 triệu USD trong năm 2012. Nhưng chưa kịp ăn mừng, đến năm 2013, ông lại bị bắt vì tội chiếm dụng quỹ của công ty và bị kết án 4 năm tù vào tháng 2/2014. Tháng 8/2015, tổng thống khi đó là Park Geun-hye đã ân xá cho Chey cùng với 16 doanh nhân khác.
Một điểm thú vị là trong thời gian chủ tịch ở tù, cổ phiếu của SK Hynix tăng 51% nhờ lợi nhuận ròng năm 2014 tăng 40%. Cổ phiếu của SK Holdings cũng gần gấp 3 lần với với lợi nhuận tăng 90%.
Tháng 3/2016, Chey trở lại với tư cách là chủ tịch của cả SK Holdings và SK Hynix. Trong 6 năm qua, ông Chey liên tục mở rộng quy mô của SK sang các lĩnh vực mới bằng việc chi hàng tỷ USD để mua cổ phiếu tại các công ty ở châu Âu, Đông Nam Á và Mỹ. Ở Việt Nam, giữa năm 2019, tập đoàn này ước tính đầu tư khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup. Trước đó, vào tháng 9/2018, SK Group cũng chi 470 triệu USD để mua lại 9,5% cổ phần của Masan Group.
SK Hynix –Thương vụ tưởng là ngớ ngẩn nhưng lại là khôn ngoan nhất của ông Chey
Trở lại năm 2012, lý do tại sao ông Chey Tae-won lại chi 3 tỷ USD để mua cổ phần chi phối công ty Hynix Semiconductor vẫn còn là bí mật với nhiều người. Thời điểm đó là 10 năm sau khi Hynix Semiconductor được chính phủ Hàn Quốc cứu trợ, nhưng công ty này vẫn làm ăn thua lỗ, cổ phiếu lao dốc liên tục do nhu cầu mua máy tính cá nhân và bộ nhớ trên toàn cầu giảm mạnh. Còn “đế chế” đa ngành SK Group khi đó đang hoạt động trong lĩnh vực mạng không dây, dầu khí, vận hành khách sạn nhưng lại chưa hề chạm tay vào mảng sản xuất bộ nhớ.
Công ty cung cấp dịch vụ mạng không dây của SK, SK Telecom, đã mua 21% cổ phần tại Hynix từ một nhóm các ngân hàng chủ nợ. Ông Chey, khi đó đang là chủ tịch của SK Group và SK Holdings, trở thành đồng CEO của Hynix, sau này đổi thành SK Hynix.
Từ sau khi mua lại Hynix, SK Group hưởng lợi lớn từ mảng bán dẫn. Ảnh: Forbes Asia.
|
“Rất nhiều người trong ngành dịch vụ tài chính khi đó cho rằng đó là một thương vụ tồi tệ”, Giám đốc của Công ty nghiên cứu Morningstar, ông Dan Baker, cho biết. Kết quả, cổ phiếu của SK Holdings giảm 15% tính từ ngày công bố thông tin về thương vụ trên (vào tháng 11/2011) tới cuối tháng 2/2012.
Mặc dù vậy, với ông Chey, lý do lại rất rõ ràng. “SK cần một thứ gì đó khác để phát triển. Ai cũng cần phải bước tiếp. Với tôi, đó là thương vụ rất có ý nghĩa”, vị chủ tịch 59 tuổi nhớ lại trong một buổi phỏng vấn hiếm hoi được tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019.
Cú nhảy của ông Chey vào ngành sản xuất bộ nhớ đầy biến động khi đó hóa ra lại là một trong những khoản đầu tư khôn ngoan nhất của ông khi tận dụng được xu hướng bùng nổ của thị trường điện thoại thông minh trên toàn cầu.
Năm 2018, lợi nhuận của SK Hynix ước đạt 14 tỷ USD, tăng 40% so với năm trước đó, với doanh thu đạt 36 tỷ USD và biên lợi nhuận là 39%. Cổ phiếu của SK Hynix tăng gần 150% kể từ SK nắm quyền kiểm soát.
SK Hynix hiện là hãng sản xuất chip lớn thứ 2 Hàn Quốc và đứng thứ 20 trong danh sách Forbes Digital 100 (danh sách bao gồm 100 công ty kỹ thuật số niêm yết hàng đầu của 17 quốc gia). Ông Chey cũng nhờ thế trở thành một trong những người giàu nhất Hàn Quốc.
Năm 2019, Hynix đóng góp 70% lợi nhuận ròng của SK Group, cao hơn nhiều so với những gì thu được từ mảng viễn thông, dầu mỏ và hóa chất. Tuy nhiên, sản xuất chip vẫn là ngành chứa nhiều rủi ro do tính chu kỳ nên chưa đầy 2 năm sau đó, SK Group tiếp tục chi 2,6 tỷ USD để đầu tư vào một loạt doanh nghiệp mới, từ ứng dụng gọi xe, dược phẩm sinh học tới thực phẩm và đồ uống.
“Chúng tôi cần khám phá những lĩnh vực khác. Tôi không thể phụ thuộc 100% vào mảng bán dẫn”, ông Chey nói.
Trong cuốn sách ông từng viết về doanh nghiệp xã hội trong thời gian bị giam giữ, Chey khẳng định rằng các khoản đầu tư của SK sẽ không chỉ dựa vào quy mô và lợi nhuận, mà chúng còn phải tạo ra giá trị cho xã hội. “Cha tôi có một triết lý. Ông ấy hỏi: ‘Tại sao chúng ta lại ở đây?’ Đó là vì con người”. Khi nói tới tác động xã hội của việc đầu tư, ông Chey cũng từng cho hay: “Nếu chúng ta chi quá nhiều tiền thì nó phải là khoản đầu tư có tác động tới xã hội”.
Trong buổi gặp gỡ với chính phủ Việt Nam vào tháng 6/2019, vị chủ tịch này từng đề cập đến những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt trong các lĩnh vực có thể tạo ra giá trị xã hội, như môi trường.
“Chung quy lại, tất cả chúng ta đều theo đuổi hạnh phúc. Một số người có thể sẽ nói: ‘Cứ kiếm nhiều nhiều, nhiều tiền hơn nữa’, đúng không nào? Thực ra, điều đó không thực sự đúng. Nghĩ xem tại sao các chaebol lại hay bị coi thường. Tôi muốn bắt đầu thay đổi suy nghĩ đó”.
Vụ ly hôn tỷ USD của châu Á
Dẫn dắt thành công SK Group nhưng cuộc sống hôn nhân của ông Chey lại không hề “thuận buồm xuôi gió”.
Vợ của ông Chey là bà Roh Soh-yeong. Chey và Roh gặp nhau khi cùng theo học tại Đại học Chicago (Mỹ) và kết hôn vào năm 1988, cùng năm cha bà Roh nhậm chức tổng thống Hàn Quốc. Họ có một con trai và hai con gái.
Tuy nhiên, tin đồn gia đình rạn nứt bắt đầu xuất hiện vào tháng 6/2012. Các nguồn tin của giới truyền thông cho biết cặp đôi đã chia tay từ tháng 9/2011. Khi đó, báo Hankyoreh trích một nguồn tin cho biết Chey phát hiện ra rằng vợ mình từng nói những điều tiêu cực về ông khi ông đang bị điều tra tội tham ô trong năm trước đó. Nó gây ra một cú sốc lớn, khiến Chey cảm thấy tức giận và bị phản bội.
Một nguồn tin khác lại nói với Hankyoreh rằng cuộc hôn nhân của họ kết thúc vì tính cách khác biệt. Bà Roh được biết đến là một người phụ nữ mạnh mẽ, độc đoán, luôn muốn có được những gì mình muốn, trong khi ông Chey được mô tả là người khiêm tốn và nhạy cảm.
Tin đồn gia đình ông Chey Tae-won và bà Roh Soh-yeong rạn nứt bắt đầu xuất hiện vào tháng 6/2012. Ảnh: Yonhap.
|
“Có thời điểm, bà Roh yêu cầu ly hôn, khiến ông Chey cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Nhưng ông ấy cố gắng chịu đựng vì nghĩ tới công việc quản lý tập đoàn và những ảnh hưởng tới xã hội. Về cơ bản, đó là kết thúc bi thảm cho cuộc hôn nhân chiến lược mà không bên nào tin tưởng bên nào”, nguồn tin trên nói.
4 tháng sau khi thoát tù lần 2 vào năm 2015, ông Chey khiến dư luận bị sốc khi gửi một bức thư dài ba trang cho tờ báo Hàn Quốc Segye Ilbo, trong đó tiết lộ ông có một đứa con ngoài giá thú và có ý định ly hôn bà Roh Soh-yeong, theo hãng thông tấn Yonhap. Khi đó, ngoại tình là một điều cấm kỵ trong xã hội bảo thủ của Hàn Quốc.
Trong bức thư, ông cho biết cuộc hôn nhân của mình đã rạn nứt từ 10 năm trước dù các bên đã rất nỗ lực để cứu vãn mối quan hệ. “Trong thời gian đó, tôi gặp một người, người đã cho tôi sự an ủi. Cô ấy giúp tôi vượt qua mọi khó khăn và tôi bắt đầu mơ về cuộc sống với người phụ nữ này. Vài năm trước, con của chúng tôi được sinh ra vào mùa hè”.
Chủ tịch SK Group chia sẻ: “Tôi đã gặp người trái ngược tôi hoàn toàn. Người đó không có hứng thú với tiền và chỉ tập trung vào con người. Nhờ đó, tôi nhận thấy mình đã sống sai cách”.
Chey thừa nhận rằng việc ông có 2 gia đình là một điều sai trái, đồng thời khẳng định rằng ông đã ly thân với vợ từ lâu. Người phụ nữ đã xen vào cuộc hôn nhân của chủ tịch SK Group được xác định là Chloe Kim, một người Mỹ gốc Hàn, đã ly dị và khi đó đang nổi tiếng trên mạng xã hội Cyworld của Hàn Quốc.
Hai người dường như bắt đầu làm quen vào khoảng năm 2003 tại một cuộc họp mặt và bà Kim bị bắt gặp thường tới thăm Chey khi ông đang ở tù vào năm 2014. Họ sống chung trong một khu phố sang trọng ở Seoul với cô con gái hiện đã 9 tuổi bất chấp bà Roh chưa đồng ý ly hôn. Tất nhiên, bà Kim cũng vì thế trở thành mục tiêu công kích của dân mạng.
Sau tin đồn với ông Chey, bà Kim, 44 tuổi, thành lập tổ chức phi lợi nhuận T&C Foundation nhằm hỗ trợ cho những người trẻ và giúp đỡ người nghèo. Dư luận đồn đoán rằng chữ T là đề cập tới ông Chey Tae-won và chữ C là chữ Chloe trong tên của bà.
Trong khi đó, tháng 5/2019, ông Chey cũng công bố quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội tại một sự kiện mà bà Kim cũng tham gia. Trong 3 năm qua, SK Group chi khoảng 14,8 tỷ won cho 130 doanh nghiệp xã hội.
Còn với mối quan hệ chính thức, đến năm 2017, ông Chey đệ đơn ly hôn bà Roh lên tòa án nhưng cả 2 không đạt được thỏa thuận.
Trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân sau khi nộp đơn lên tòa, bà có ý nói rằng mình đã sẵn sàng để tiến về phía trước sau khi nhiều năm chờ đợi với hy vọng hàn gắn cuộc hôn nhân. Bà cũng cho biết sẽ dành phần đời còn lại của mình để đóng góp cho xã hội.
Ngày 4/12, bà Roh tiếp tục đệ đơn lên tòa án đòi 42,3% cổ phần của chồng tại SK Holdings Co. sau khi ly hôn, tương đương 1,2 tỷ USD, theo Bloomberg. Nếu thắng kiện, bà Roh, con gái của cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo, sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai tại SK, sau ông Chey và đây sẽ là một trong những vụ ly hôn đắt đỏ nhất châu Á.
Theo NDH