Chủ tịch Louis Agro sở hữu trên 51% cổ phần “vua gạo” An Giang Angimex

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Louis Agro đang cấp tập chuẩn bị sẵn sàng cho việc IPO của doanh nghiệp dự kiến diễn ra vào quý III/2021 , thể hiện qua việc thâu tóm những doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh liên quan tới ngành hàng gạo hoặc nông nghiệp
Ảnh minh họa - Nguồn: An Giang Angimex
Ảnh minh họa - Nguồn: An Giang Angimex

Cổ phiếu AGM tăng gấp đôi trong chưa đầy một tháng

Cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vốn giao dịch ở mức ổn định trong vùng giá 10.000 đến 15.000 đồng/cố phiếu trong những năm qua, với mức giá cao nhất không vượt ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu.

Từ 2020-2021, kết quả kinh doanh của Angimex cũng không có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, năm 2020, Angimex đạt 1.961 tỷ đồng doanh thu, giảm 7,5% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế giảm gần 39% xuống – khoảng 25 tỷ đồng. Quý I/2021 vừa qua, Angimex đạt 371 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 100 tỷ đồng - tương ứng giảm 21% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế sụt giảm 14% xuống còn 2,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại chứng kiến cuộc tăng giá phi mã của AGM thuộc Angimex. Trong phiên giao dịch vào ngày 29/4/2021, cổ phiếu AGM bắt đầu chạm ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu và bắt đầu bứt phá từ đầu tháng 5/2021 với phiên tăng điểm nhẹ phiên đầu tiên của tháng, lên 15.100 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó từ 5/5 đến 19/5/2021, AGM liên tục tăng trần 11 phiên liên tiếp, đưa giá cổ phiếu hơn gấp đôi, lên 31.400 đồng/cổ phiếu.

Vì kết quả kinh doanh của Angimex không khả quan nhưng cổ phiếu lại tăng phi mã trong một thời gian quá ngắn nên đã có nhiều lời đồn đoán cho rằng, có thể doanh nghiệp này sắp có thay đổi cơ cấu cổ đông lớn, một bên thứ 3 đang thực hiện gom mua trên sàn.

Sự thật có như lời đồn?

Vốn điều lệ của Angimex khoảng 182 tỷ đồng và duy trì ở mức đó từ năm 2011 đến nay. Trong cơ cấu cổ đông, doanh nghiệp này có 2 cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim và SCIC nắm tổng cộng hơn 80% vốn. Trong đó, SCIC đang sở hữu 5,12 triệu cổ phiếu, tương ứng 28,17%; còn Nguyễn Kim sở hữu 9,44 triệu cổ phiếu, tương ứng 51,85% vốn AGM.

Mới đây, thông tin từ Louis Agro cho thấy, đó không phải tin đồn mà là sự thật. Chủ tịch Đỗ Thành Nhân của Louis Agro vừa trở thành cổ đông lớn của Angimex khi giao dịch thành công trên 51% cổ phần của doanh nghiệp này. Số cổ phần này được trao tay từ cổ đông lâu năm Nguyễn Kim. Nhìn vào vị thế và ngành nghề kinh doanh của Angimex, không khó đoán lý do Louis Agro quyết tâm thu Angimex về dưới tay, bên cạnh việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh liên quan tới ngành hàng gạo hoặc nông nghiệp, như Bảo Thư BII.

Louis Agro chuẩn bị sẵn sàng để IPO vào quý III/2021

Louis Agro tiền thân là Tập đoàn Louis Rice, một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo Việt Nam. Và nhiều sản phẩm gạo Louis đã đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng từ các quốc gia ở Châu Âu, Mỹ, Singapore, Hồng Kong, Dubai và Châu Phi… Ngoài ra, Louis Rice còn đạt các chứng nhận quốc tế như: ISO, HACCP, FDA, Food Safety, GMP.

Sự chuyển mình của Louis Rice thành Louis Agro nhằm nâng tầm thương hiệu, đáp ứng được quy mô ngày càng phát triển của Tập đoàn trong gia đoạn mới, tiếp tục nâng cao chất lượng và vị thế của hạt gạo Việt Nam trên các sàn thương mại quốc tế. Trong tương lai, Louis Agro không chỉ sản xuất – kinh doanh lúa gạo thô, mà còn sản xuất các sản phẩm sau gạo như dầu gạo, bột gạo và bánh gạo.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc IPO vào quý III/2021, dự kiến sẽ diễn ra vào quý III/2021, Louis Agro đã cho thấy những nước đi hết sức chắc chắn của doanh nghiệp. Đầu năm 2021, ông Đỗ Thành Nhân đã thành công thâu tóm Bảo Thư BII cũng như mua trên 51% cổ phần của TGG CTCP Xây dựng và đầu tư Trường Giang, và mới nhất là Angimex – khi mua trên 51% cổ phần từ Nguyễn Kim. Như vậy trong thời gian chưa tới 6 tháng, ông Nhân đã thâu tóm 3 doanh nghiệp niêm yết trên sàn sẵn sàng phục vụ cho hệ sinh thái LOUIS mới.

Angimex hoạt động trong lĩnh vực lương thực, vật tư nông nghiệp, thương mại dịch vụ… với ngành hàng chủ lực là lúa, gạo. Hơn 35 năm kinh nghiệm hoạt động kinh doanh, Angimex đã xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á… cũng như có hệ thống phân phối rộng khắp miền Nam. Angimex có thể sản xuất cao nhất 2.200 tấn gạo/ngày - 350.000 tấn gạo/1 năm và là một trong những công ty xuất nhập khẩu gạo lớn nhất nước ta, "vua gạo" của tỉnh An Giang. Hơn nữa, Angimex có hệ thống 9 phân xưởng nhà máy chế biến lương thực trải rộng khắp các vùng nguyên liệu trọng điểm, có giao thông thuận lợi, cùng các kho có sức chứa lên đến 100.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có hệ thống sấy, xay xát và lau bóng gạo cùng các máy tách màu với công nghệ hiện đại. Mặc dù kết quả kinh doanh của Angimex không tốt, nhưng với những thành tựu vừa kể trên, doanh nghiệp này sẽ là một sự cộng hưởng rất tốt cho Louis Agro, là bàn đạp để có một chương trình IPO thành công.

Năm 2020, theo kiểm toán EY, doanh thu của Louis Agro là 1.724 tỷ đồng với tổng sản lượng gạo tiêu thụ 240.000 tấn, với 5 nhà máy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đang tiếp tục mở rộng. Trong tương lai, với sự cộng hưởng của Angimex và Louis Rice, sản lượng gạo tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu dự kiến sẽ khoảng từ 800.000 – 1 triệu tấn/năm, doanh thu dự kiến 6.000 tỷ đồng. Louis Agro sẽ có tổng cộng 15 nhà máy chế biến lúa gạo trải dài khắp các tỉnh miền Tây, đây là bước chuyển mình cho ngành lương thực Việt Nam.