Du lịch bước vào kỳ suy thoái, Đà Nẵng lên phương án “cơ cấu lại”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù được đánh giá là phát triển vượt bậc, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế địa phương nhưng gần đây, ngành du lịch đã xuất hiện những nguy cơ suy giảm, buộc Đà Nẵng phải lên phương án cơ cấu lại...

Một góc đô thị biển du lịch Đà Nẵng
Một góc đô thị biển du lịch Đà Nẵng

Đang ở… “bên kia dốc”!

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 8,692 triệu lượt, tăng 85,6% so với năm 2015. Không chỉ vậy, tổng thu du lịch của Đà Nẵng năm 2019 đạt trên 30.973 tỷ đồng, tăng 141,7% so với năm 2015. Năm 2019, ngành du lịch cũng đã đóng góp vào GRDP của TP Đà Nẵng lên đến 31,4%.

Cùng với đó, Đà Nẵng đã tạo dựng cho mình sức hấp dẫn riêng khi sở hữu những khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cùng hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng như InterContinental Danang đạt danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”, Premier Village Danang Resort được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng biển dành cho gia đình sang trọng nhất thế giới 2018”, Mercure Danang French Village Bà Nà Hills là “Khách sạn lãng mạn nhất thế giới 2018”,… Hay gần nhất là điểm “check-in” - Cầu Vàng tại SunWorld Bà Nà Hills vào năm 2018 đã đem lại cho Đà Nẵng danh tiếng trên bản đồ du lịch thế giới.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, du lịch Đà Nẵng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Trước hết, đó là sự sụt giảm của mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch, sự sụt giảm của tỷ trọng thị trường khách nước ngoài cũng như sự nhàm chán của các sản phẩm du lịch. Cùng với đó, xu hướng giảm của tỷ lệ tăng trưởng của một số thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng,…

Điểm “check-in” - Cầu Vàng tại khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills (Đà Nẵng)

Điểm “check-in” - Cầu Vàng tại khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills (Đà Nẵng)

Điều này thể hiện qua chỉ số công suất sử dụng buồng phòng lưu trú ở đà Nẵng đang có xu thế giảm. Đặc biệt là với nhóm khách sạn 2 sao trở xuống (chỉ đạt 30-40%), trong khi đây là nhóm chiếm tới 37,1% tổng số buồng phòng vào năm 2019.

Nếu năm 2018, Đà Nẵng ghi nhận thời gian lưu trú bình quân của du khách đến địa phương là 2,73 ngày (khách quốc tế là 3,0 ngày, khách nội địa là 2,40 ngày) thì đến năm 2019, chỉ số này chỉ còn 2,68 ngày (khách quốc tế đã giảm xuống còn 2,90 ngày và khách nội địa còn 2,35 ngày).

Và nếu tính từ năm 2017 trở về trước, thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế và nội địa đều tăng trưởng tốt, thì từ năm 2017 trở lại đây, các chỉ số này có dấu hiệu giảm xuống. Từ đó kéo thời gian lưu trú bình quân của du khách đến Đà Nẵng giảm xuống.

Về chi tiêu của du khách, Đà Nẵng đang đối mặt với mức độ tăng chi tiêu của du khách chậm hơn tốc độ tăng của số ngày lưu trú bình quân. Cụ thể, mức chi tiêu bình quân ngày của mỗi du khách đến Đà Nẵng đang có xu hướng giảm rõ rệt từ 1,32 triệu đồng/ngày vào năm 2013 xuống chỉ còn 1,26 triệu đồng/ngày năm 2018 và trở lại mức 1,32 triệu đồng/ngày vào năm 2019.

Ngoài các chỉ tiêu lưu trú, chi tiêu thì xu hướng tăng trưởng trong cơ cấu du khách đến Đà Nẵng đang có xu hướng giảm cho cả khách quốc tế lẫn nội địa. Số liệu năm 2017 cho thấy tỷ lệ tăng trưởng khách quốc tế đạt 39,03%, thì các năm trở lại đây chỉ duy trì được tỷ lệ tăng trưởng khoảng 27%.

Và khách nội địa đến Đà Nẵng tăng nhanh trong 2 năm 2014 và 2015 với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm thì từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của thị trường khách nội địa giảm dần và chỉ đạt khoảng 8% trong năm 2019.

Cùng với xu thế này, tỷ trọng khách nội địa trong tổng lượng khách có lưu trú tại Đà Nẵng đang có xu hướng giảm từ 74,1% năm 2013 xuống còn 40,9% trong năm 2019.

“Điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong mối quan hệ cung - cầu và đối tượng du khách đến Đà Nẵng, buộc Đà Nẵng phải có chiến lược mới trong định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới” – lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay.

Nghiêm trọng hơn, những số liệu trên cho thấy vòng đời phát triển du lịch ở Đà Nẵng đã phát triển đến cuối giai đoạn “trưởng thành”, bước vào đầu giai đoạn “suy thoái” với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên “nhàm chán” với du khách.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, thực tế phát triển dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP đang khiến địa phương dư thừa nguồn cung. Không những vậy, tình trạng phát triển ồ ạt đối với các phân khúc khách sạn dưới 3 sao đang làm nguồn cung khó kiểm soát cả số lượng lẫn chất lượng. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất cân đối “cung – cầu” ở Đà Nẵng trong thời gian qua.

Du khách đến khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills (Đà Nẵng)

Du khách đến khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills (Đà Nẵng)

Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch Đà Nẵng vào cuối năm 2019, trên địa bàn TP có 943 cơ sở lưu trú du lịch với 40.074 buồng. Trong đó, có 91 cơ sở lưu trú cùng với 17.352 phòng hạng 4-5 sao và tương đương. Và nếu so với năm 2013, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn đã tăng hơn 2,4 lần và tăng 2,9 lần số lượng buồng, số cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao và tương đương tăng hơn 4,5 lần và 4,3 lần số lượng buồng.

“Chưa xét đến số cơ sở lưu trú tự phát, loại hình nhà trọ, homestay… thì với 5,917 triệu lượt khách có lưu trú tại Đà Nẵng trong năm 2019 thì tổng số buồng tối đa cần thiết đáp ứng nhu cầu chỉ là 37.090 buồng. Tuy nhiên, với tổng số 40.074 buồng phòng hiện có thì nguồn cung trên địa bàn đã vượt cầu đến gần 8,0%. Sự dư thừa này đã ảnh hưởng lớn đến công suất cũng như hiệu quả khai thác buồng phòng của Đà Nẵng” – một giám đốc khách sạn trên địa bàn phân tích.

Không chỉ vậy, khi vào mùa thấp điểm, lượng khách du lịch nội địa giảm nhanh xuống còn khoảng 40-50% và ngày lưu trú trung bình chỉ còn khoảng 1,0-1,2 ngày/khách thì “cầu” lưu trú chỉ còn là 30.637 buồng. Điều này càng đẩy du lịch Đà Nẵng lâm vào cảnh mất cân đối nguồn “cung”, gây lãng phí và kém hiệu quả trong vận hành, khai thác hệ thống cơ sở lưu trú tại địa phương.

Một nguyên nhân nữa là dù hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch của Đà Nẵng được đầu tư và phát triển nhanh, sự xuất hiện của các thương hiệu du lịch đẳng cấp… nhưng thực trạng đầu tư phần lớn chỉ mới dừng ở khai thác lợi thế mà chưa hướng đến việc biến Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, Đà Nẵng - cho rằng đang có sự mất cân đối của hệ thống sản phẩm du lịch khi thiếu các sản phẩm mang tính chiều sâu, thiếu sản phẩm kích thích gia tăng mức chi tiêu của du khách và cao hơn nữa là đáp ứng nhu cầu đặc biệt của du khách như: du lịch thể thao - mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mua sắm, du lịch chữa bệnh, du lịch công vụ,…

“Đà Nẵng đang thiếu sản phẩm thu hút bền vững các nguồn khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày. Thiếu sản phẩm mang tính khác biệt, gắn điểm đến cả về tự nhiên và văn hóa cùng với định hướng phát triển Đà Nẵng trong tương lai như một trung tâm du lịch quốc tế” – ông Cao Trí Dũng chia sẻ.

Bên cạnh tình trạng mất cân đối “cung-cầu” trong dịch vụ lưu trú, thiếu sản phẩm khác biệt, thì nguồn nhân lực cũng là vấn đề mà ngành du lịch Đà Nẵng đang đối mặt. Vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ cũng như khả năng đáp ứng của du lịch chất lượng mà Đà Nẵng đang hướng đến.

Khách sạn khu vực ven biển du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh trong thời gian qua

Khách sạn khu vực ven biển du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh trong thời gian qua

Số liệu khảo sát của Sở Du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn 2014-2019 cho thấy số lao động trực tiếp trong ngành du lịch Đà Nẵng tăng khá nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình là 28,3%/năm (từ 17.080 người trong năm 2.014m, tăng lên đến 49.463 người vào năm 2019).

Tuy nhiên, với lượng khách đến Đà Nẵng năm 2019 và số lượng buồng được xây dựng để phục vụ, thì số lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch tối thiểu phải có là 74.000 lao động trực tiếp. Như vậy với số lượng lao động trực tiếp hiện có là 49.463 người, du lịch Đà Nẵng sẽ còn thiếu tới khoảng 24.500 lao động.

Giải pháp nào?

Trước những thách thức và nguy cơ thực tại, Sở Du lịch Đà Nẵng đã xây dựng phương án cơ cấu lại ngành như một giải pháp đưa du lịch Đà Nẵng sớm phát triển trở thành một trong 3 trụ cột kinh tế của Đà Nẵng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, chú trọng việc giảm mất cân đối giữa “cung - cầu” dịch vụ lưu trú, cơ cấu lại sản phẩm dịch vụ theo hướng chất lượng cao, bền vững.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, để giảm chênh lệch cung - cầu này, Đà Nẵng đang lên các phương án gia tăng năng lực xúc tiến, nghiên cứu thị trường mới, tìm kiếm các nguồn khách mới ổn định nhằm tăng lượng khách đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó, xây dựng các biện pháp quản lý, kiểm soát nguồn cung.

Đặc biệt, Đà Nẵng không khuyến khích tăng ở những phân khúc thị trường có nhu cầu thấp, các dịch vụ chất lượng không cao gây ứ thừa nguồn cung và tập trung hơn vào các sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch xanh, du lịch sinh thái, gắn với văn hoá bản địa, các di sản,… có đi kèm là thị trường vui chơi mua sắm phù hợp với cơ cấu khách.

Một hướng cơ cấu lại sản phẩm du lịch nữa mà Đà Nẵng đang hướng đến đó là đầu tư sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu “sở thích đặc biệt” như: thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch thiền, chữa bệnh, du lịch công vụ,… mà Đà Nẵng có tiềm năng, phù hợp với cơ cấu khách trong giai đoạn mới.

Một góc sân bay quốc tế Đà Nẵng

Một góc sân bay quốc tế Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng cũng cho rằng: “Việc tái cơ cấu cung – cầu cũng đồng nghĩa với việc tài cơ cấu nguồn khách theo hướng bền vững. Đà Nẵng phải tập trung tập trung vào thị trường khách châu Âu, Úc, Ấn Độ, Trung Đông,… khách có chất lượng cùng mức chi tiêu cao".

Cũng theo ông Dũng, việc cần làm ngay trong thời gian tới là Đà Nẵng sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ, xúc tiến mở các đường bay quốc tế mới giữa Đà Nẵng với các thị trường khách này. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và đi lại cho du khách tại các thị trường này đến Đà Nẵng.

“Với phân khúc nguồn khách như vậy, Đà Nẵng cần định hình sản phẩm cũng theo hướng chất lượng cao, phục vụ cho các thị trường khách có chất lượng, phát triển tổ hợp mua sắm - vui chơi giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế gắn với du lịch đô thị. Biến sản phẩm này trở thành “hạt nhân” của du lịch đêm với các dịch vụ 24/24.” - ông Cao Trí Dũng chia sẻ thêm.