Hà Nội bước vào giai đoạn quyết định
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung nhận định thế giới đang chứng kiến tình hình dịch COVID-19 vô cùng phức tạp, một số nước như Ý, Hàn Quốc,… đang trong thời điểm đỉnh dịch và sẽ còn kéo dài.
Từ tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới, ông Chung nhấn mạnh: Trong 2 tuần tới, thời điểm trước ngày 5/4 là giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19.
“Hà Nội đang bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn "tiệm cận và gắn liền với các quyết định chiến thắng hay là thất bại. Nếu khoanh vùng tốt, phát hiện sớm, không để lây nhiễm tại cộng đồng, chúng ta sẽ chiến thắng. Còn nếu để lây nhiễm chéo, thì các ca bệnh tăng lên rất nhanh" – ông Chung nói.
Với tinh thần như vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị bằng mọi biện pháp phải phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ xét nghiệm nhanh các trường hợp này để cách ly, điều trị kịp thời.
Hà Nội có 4 nguồn lây nhiễm chính
Theo ông Chung, đến nay, chưa có một nước nào, hay nhà khoa học nào, có thể phán đoán hoặc nhận định chính xác thời điểm dịch COVID-19 kết thúc. Đến nay, Hà Nội xác định 4 nguồn lây nhiễm chính trên địa bàn thành phố.
Theo đó, nguồn lây nhiễm đầu tiên bắt nguồn từ những công dân có tiếp xúc với người bệnh rồi đi lại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Nguồn lây nhiễm thứ 2 là từ những công dân nước ngoài và công dân Việt Nam trở về từ các vùng dịch, trước thời điểm 0h ngày 14/3 (đối với các nước châu Âu), trước 0h ngày 18/3 (đối với các nước ASEAN) và trước 0h ngày 21/3 với các nước còn lại.
Không chỉ vậy, bệnh viêm đường hô hấp cấp có thể lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, các khu cách ly tại bệnh viện và quá trình các bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế.
Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
|
Ngoài ra, số công dân Việt Nam đi từ nước ngoài về, nhất là từ các nước châu Âu và Đông Nam Á (9/11 quốc gia Đông Nam Á có ca nhiễm) cũng là một nguy cơ lây nhiễm lớn.
"Trong 2 tuần tới là giai đoạn cao điểm mà chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực, công sức để phát hiện dịch bệnh, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệm, quản lý tốt nơi tập trung, để tránh lây nhiễm chéo" – ông Chung cho hay.
Chủ tịch UBNND TP. Hà Nội nhấn mạnh: Toàn thành phố hiện đã có 39 ca mắc COVID-19, có những ca rất nặng. Vì thế, thời gian tới, thành phố xác định chiến trường chính, và quan trọng nhất là bệnh viện.
Người dân ở nhà càng nhiều càng tốt
Ông Chung khuyến cáo người dân từ nay đến ngày 5/4 nếu không có việc gì, cố gắng không ra ngoài, ở trong nhà càng nhiều càng tốt. Nếu ra đường, người dân phải đeo nghiêm túc đeo khẩu trang để phòng bệnh. Nếu đi bộ, người dân cần giữ khoảng cách giữa mọi người với nhau.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Khuyến khích các công ty tư nhân sử dụng hệ thống trực tuyến để làm việc. Các cuộc họp nếu không cần thiết thì giảm đáng kể việc tập trung đông người, giữ khoảng cách trong hội trường.
Các đơn vị, trụ sở làm việc nên có xà phòng, nước sát khuẩn, đo thân nhiệt cho các nhân viên. Nếu có điều kiện, có thể lắp đặt thêm máy khử khuẩn toàn thân. Các trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn tổ chức phòng ngừa cho khách hàng và nhân viên bán hàng. Thường xuyên phun khử khuẩn và lau dọn vệ sinh.
Bác sĩ thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy
|
UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị nhân thân các gia đình có con đang cách ly tập trung tại các trung tâm của thành phố, không gửi đồ đạc, thức ăn. Bởi khi gửi đồ đạc, thức ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguồn bệnh xâm nhập.
Cùng với đó, các trường hợp thuộc diện cách ly tập trung sẽ được xét nghiệm 2 lần. Lần đầu là khi xuống sân bay hoặc khi về chỗ tập trung. Lần thứ hai là trước khi về nơi cư trú, tiếp tục phải cách ly 14 ngày khi đã về nơi ở.
Các bệnh viện phải tổ chức cách ly F1, chấp hành nghiêm túc hướng dẫn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, đồng thời, thiết lập 3 vòng cách ly để phòng, chống lây nhiễm chéo. Các nhân viên y tế đều phải được bố trí ở riêng, cách ly không được về nhà.