|
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Getty/CNBC. |
“Thị trường lao động đang rất mạnh, còn lạm phát thì quá cao”, ông Powell phát biểu tại một sự kiện của Hiệp hội Quốc gia Kinh tế học kinh doanh (NABE).
Những phát biểu này được người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đưa ra chỉ một tuần sau khi Fed có đợt nâng lãi suất đầu tiên trong hơn 3 năm nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất 40 năm ở Mỹ.
KHẢ NĂNG BƯỚC NHẢY LÃI SUẤT 0,5 ĐIỂM PHẦN TRĂM
Ông Powell nhắc lại lập trường mà Fed đưa ra trong tuyên bố kết thúc cuộc họp vào tuần trước, rằng lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên cho tới khi lạm phát được đưa về tầm kiểm soát. Ông nói việc nâng lãi suất có thể được tiến hành với bước nhảy lớn hơn so với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm như trong lần tăng vừa rồi.
“Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả những bước đi cần thiết để đảm bảo sự trở lại của ổn định giá cả”, ông Powell nói. “Đặc biệt, nếu chúng tôi nhận thấy rằng việc nâng lãi suất quyết liệt, với mỗi lần nâng nhiều hơn 0,25 điểm phần trăm, là cần thiết thì chúng tôi sẽ làm như vậy. Và nếu chúng tôi nhận thấy cần phải thắt chặt vượt quá ngưỡng trung tính (neutral – trạng thái chính sách tiền tệ không có tác dụng kích thích hay gây cản trở đối với tăng trưởng kinh tế), thì chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”.
Sau lần họp vừa rồi, Fed phát tín hiệu sẽ có thêm 6 lần nâng lãi suất trong năm nay, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, một số quan chức Fed, bao gồm ông James Bullard – Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis – cho rằng Fed cần nâng lãi suất nhanh hơn, mạnh hơn.
Trao đổi với hãng tin CNBC vào hôm thứ Sáu vừa rồi, ông Bullard nói ông cho rằng đến cuối năm nay, Fed cần nâng lãi suất lên mức hơn 3%, từ mức 0,25-0,5% hiện nay. Điều đó có nghĩa là Fed phải có 12 lần nâng lãi suất trong năm 2022 nếu mỗi lần nâng 0,25 điểm phần trăm, hoặc nâng với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm nếu số lần nâng ít hơn.
Thị trường tài chính Mỹ cũng đang phản ánh vào giá tài sản khả năng 50-50 rằng trong lần nâng lãi suất tới, diễn ra vào cuộc họp tháng 5 của Fed, bước nhảy sẽ là 0,5 điểm phần trăm. Từ năm 2000 đến nay, Fed chưa khi nào nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong một lần.
Chu kỳ thắt chặt này của Fed bắt đầu khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,9% trong 12 tháng, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn – cho thấy giá cả tăng 5,2% trong 1 năm qua, vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
FED ĐÃ "ĐÁNH GIÁ THẤP" VỀ LẠM PHÁT
Tương tự như trước đây, ông Powell ngày 21/3 tiếp tục đưa ra quan điểm cho rằng sức ép lạm phát đến từ những nhân tố liên quan đến đại dịch, đặc biệt là yếu tố cầu kéo đối với những hàng hoá và dịch vụ mà nguồn cung không thể đáp ứng. Ông thừa nhận rằng nhiều quan chức Fed và chuyên gia kinh tế đã “đánh giá thấp” về việc những sức ép này có thể kéo dài đến bao giờ.
Cùng với những yếu tố gây lạm phát đó, việc bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế để chống lại ảnh hưởng của Covid cũng là một nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao. Cả Fed và Quốc hội Mỹ đã bơm hơn 10 nghìn tỷ USD kích thích tiền tệ và tài khoá vào nền kinh tế Mỹ kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Powell nói ông vẫn tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm dần về mục tiêu của Fed, nhưng giờ là lúc cần phải kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
“Có vẻ như sự hồi phục của nguồn cung sẽ diễn ra theo thời gian, khi thế giới rốt cục sẽ đạt tới một trạng thái bình thường mới nào đó. Nhưng thời gian và mức độ của sự phục hồi đó vẫn còn nhiều bất bênh”, ông Powell phát biểu. “Trong quá trình thiết lập chính sách, chúng tôi sẽ dựa vào tình hình thực tế”.
“Trong điều kiện bình thường, khi thị trường lao động và lạm phát gần với mục tiêu của chúng tôi, chính sách tiền tệ có thể không tính đến một sự bùng phát chóng vánh của lạm phát đi kèm với cú sốc giá hàng hoá cơ bản. Tuy nhiên, đang có nguy cơ xuất hiện một thời kỳ lạm phát cao kéo dài, dẫn tới việc chúng tôi phải hành động gấp rút như tôi đã nói ở trên”.
Sau cuộc họp vào tuần trước, ông Powell cũng phát tín hiệu rằng Fed phải chuẩn bị cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD. Ông nói việc cắt giảm này có thể bắt đầu từ tháng 5, nhưng chưa có một quyết định chắc chắn nào được đưa ra.
Theo VnEconomy