Thành phố đang phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn với những xu thế công nghệ mới, hiện đại như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, điện toán đám mây - ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề cập những thuận lợi khi xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực, trong cuộc trả lời phỏng vấn VietTimes.
Tạo quỹ đất mới, mở khu phố tài chính
- Đà Nẵng sẽ phát triển TTTC như thế nào, có gì khác biệt so với các nước, thưa ông?
- TTTC trên thế giới được chia thành 3 nhóm: TTTC quốc gia; khu vực và quốc tế - với các đặc điểm về quy mô, đa dạng dịch vụ, tính kết nối khác nhau theo mức độ từ thấp đến cao.
Với định hướng TTTC khu vực, Đà Nẵng sẽ phát triển theo hướng có thị trường tài chính, hạ tầng phát triển, tập trung nhiều định chế quy mô khu vực. TTTC Đà Nẵng (trung tâm) tập trung cung cấp một số dịch vụ/sản phẩm theo lợi thế cạnh tranh, với quy mô thị trường lớn hơn các trung tâm quốc gia, nhưng không cung cấp đa dạng các sản phẩm/dịch vụ xuyên biên giới quy mô lớn như một trung tâm quốc tế.
Trung tâm ở Đà Nẵng sẽ khác với trung tâm quốc tế toàn diện tại TP.HCM ở quy mô và tính chất giữa khu vực và quốc tế.
- Với định hình đó, TTTC khu vực tại Đà Nẵng có quy mô ra sao?
- Trước tiên cần cho áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, kể cả hàng hoá; ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới như fintech phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khung pháp lý áp dụng cho TTTC sẽ khác biệt so với các quy định pháp luật hiện hành nên các cơ chế, chính sách cần được thực hiện có kiểm soát, theo lộ trình và trong giới hạn địa lý xác định.
Mô hình, định hướng phát triển TTTC Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển dịch vụ tài chính quốc tế và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) gắn với đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đã cho phép thí điểm.
Mục tiêu là cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế, trong đó bao gồm các dịch vụ tài chính nhằm huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ cho sự phát triển của khu thương mại tự do Đà Nẵng, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, xây dựng thành phố trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính quốc gia, khu vực.
Về dài hạn, Đà Nẵng phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực Đông Nam Á sau năm 2045.
Thu hút định chế tài chính quốc tế gắn với thương mại tự do
- TTTC Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút, phục vụ những đối tượng nào, thưa ông?
- Trước tiên chúng ta cần xác định các nhóm dịch vụ, từ đó mới xác định được đối tượng. Mô hình TTTC Đà Nẵng là hệ sinh thái đa thành phần, bao gồm các trung tâm phát triển tập trung cho 3 nhóm dịch vụ.
Dịch vụ tài chính quốc tế: thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh; Dịch vụ Fintech và TechFin, cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Blockchain…; Dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, vui chơi giải trí cao cấp, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan…
Trung tâm tại Đà Nẵng sẽ tập trung phục vụ 3 nhóm đối tượng, gồm: Các tổ chức kinh tế, người không cư trú, trọng điểm là gắn với Khu thương mại tự do Đà Nẵng; các tổ chức, doanh nghiệp trong khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao, khu trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và trong nước khác.
- Để thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn trên thế giới, thành phố có những chính sách ưu đãi gì?
- Thật sự đây là vấn đề rất mới. Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Thông báo 47-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 259/NQ-CP của Chính phủ, ngày 16/1, UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam”.
Hội thảo sẽ giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển TTTC tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Bên cạnh đó, hội thảo sẽ tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức định chế tài chính, các quỹ đầu tư, các công ty tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước… về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại Việt Nam.
- Ông nói đây là vấn đề rất mới, chắc hẳn thành phố sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức?
- Khó khăn thách thức khá nhiều vì đây là lĩnh vực mới. Những vấn đề liên quan sẽ được đặt ra, phân tích tại hội thảo sắp đến. Tuy nhiên, để xây dựng TTTC khu vực, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi.
Đà Nẵng có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, kết nối trực tiếp với 35 thành phố thuộc 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều trung tâm kinh tế - tài chính toàn cầu của khu vực châu Á thông qua cảng hàng không quốc tế, cảng biển.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng và phát triển, thành phố đã sẵn sàng quỹ. Chúng tôi có tốc độ mạng di động, mạng cố định cao nhất cả nước, kết nối trạm cáp quang biển quốc tế.
Đà Nẵng được các nhà đầu tư và tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá cao về môi trường sống và kinh doanh; có chất lượng môi trường tốt, ngành du lịch có danh tiếng trong khu vực; đô thị trẻ có không gian sống được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang xây dựng để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn với những xu thế công nghệ mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, điện toán đám mây...
Thành phố có tiềm năng và điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển.
Trong thời gian qua, các tổ chức, quỹ đầu tư tài chính khi nghiên cứu đầu tư rất quan tâm đến việc phát triển TTTC theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế sẵn có của Đà Nẵng, tạo nên sự khác biệt giữa các dịch vụ tài chính truyền thống và công nghệ tiên tiến hàng đầu.
- Xin cảm ơn ông!
Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận 47-TB/TW về việc xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam, theo đó, thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP.HCM và TTTC khu vực tại TP Đà Nẵng.
Tiếp đến, ngày 31/12/2024, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Theo nội dung nghị quyết, việc xây dựng TTTC là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là "cú hích" mạnh đối với nền kinh tế đất nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng.