Đà Nẵng không có gì phải xấu hổ!
Cử tri lo ngại trước những quyết định bất nhất của chính quyền đã dẫn đến việc UBND TP Đà Nẵng bị Công ty CP Thép Dana Ý khởi kiện ra tòa.
“Những người quyết định cho làm các dự án đó phải chịu trách nhiệm. Và bây giờ Công ty CP Thép Dana-Ý kiện UBND TP thì giải quyết thế nào?”- cử tri Nguyễn Quang Nga, phường Tân Chính hỏi.
Trả lời băn khoăn này, ông Huỳnh Đức Thơ-Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, sự việc liên quan đến Nhà máy thép Dana Ý đã kết luận thanh tra, có sai phạm của chính quyền thời kỳ trước khi tham mưu thực hiện quy hoạch, bố trí nhà máy thép và hứa với dân giải tỏa nhưng không giải tỏa được trong thời gian dài. Dẫn đến, khi người dân đến làm nhà gần nhà máy và bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn rồi ngăn cản nhà máy không cho sản xuất.
Cũng theo ông Thơ, trước đây, thành phố và người dân đã thống nhất phương án giải tỏa di dời người dân ra khỏi khu vực và phía nhà máy cũng đã ứng tiền để thực hiện công tác giải tỏa, tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, công tác giải tỏa chậm và tình trạng xây dựng trái phép diễn ra nhiều sau đó khiến địa phương xem xét thay đổi phương án và dừng chủ trương để bàn bạc.
Cử tri chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm của Đà Nẵng
|
“Quy hoạch chỗ đó không được bố trí nhà máy thép nhưng vẫn tham mưu bố trí. Hứa với dân giải tỏa nhưng không giải tỏa được. Và khi hai bên bàn bạc với nhau để tìm giải pháp, hướng giải quyết nhưng không gặp được nhau thì ra tòa. Tòa án phán quyết công bằng, bên nào sai bên đó chịu. Nhà máy dời đi đâu được? Thu hồi đất phải bồi thường sòng phẳng với doanh nghiệp, mà thu hồi thì phải bồi thường phải theo giá thị trường. Mà thu hồi phải theo luật, mình mới ra chủ trương là họ kiện mình rồi”- ông Huỳnh Đức Thơ nói.
“Phải thông cảm và chia sẻ chứ không phải bà con muốn là được liền. Chúng ta muốn thì phải bàn bạc với nhà đầu tư và liên quan đến nguồn lực tài chính thu chỗ này phải đổi chỗ khác. Hệ thống chính trị cấp ủy đến chính quyền làm quyết liệt. Phải tháo gỡ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp làm ra của cải xã hội. Thống kê chỉ số GDP 6 tháng đầu năm 2019 của thành phố chỉ còn 6,1%, giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ vì các dự án ách tắc. Nhìn quanh các dự án mốc meo hết không triển khai được. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn đang phát triển tốt khách du lịch tăng trưởng cao nhất nước. Năng lực cạnh tranh vẫn trong top đầu nên không có gì phải xấu hổ hết. Du khách các nơi vẫn ấn tượng với Đà Nẵng. Bây giờ làm sao phát huy được hào khí trước đây kết hợp với kinh nghiệm bây giờ để phát triển TP”- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin thêm.
Không có tiếng nói chung?
Công ty CP thép Dana-Ý có đơn khởi kiện gửi đến TAND TP Đà Nẵng từ đầu năm 2019. Sau thời gian hòa giải, hợp tác không thành nên doanh nghiệp đã chính thức kiện các quyết định của chính quyền ra tòa.
Theo đơn khởi kiện của doanh nghiệp này thì vào năm 2006, khi chuyển từ KCN Hòa Khánh sang cụm CN Thanh Vinh theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng, khu vực này có rất ít hộ dân sinh sống. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương di dời các hộ dân cạnh Cụm công nghiệp ra khỏi khu vực để tạo vành đai phân cách với khu dân cư theo đúng quy định. Chủ trương đã được doanh nghiệp và người dân hưởng ứng.
Tuy nhiên, việc thực hiện giải tỏa, đền bù của không diễn ra như dự định, công tác quản lý yếu kém khiến tình trạng xây dựng tại khu vực diễn ra phức tạp. Cho đến nay đã có hàng trăm hộ dân xây nhà, sinh sống tại khu vực vành đai khiến công tác giải tỏa di dời, đền bù gặp khó khăn.
Người dân bao vây nhà máy thép Dana Ý
|
Vì sinh sống trong khu vực này nên hàng trăm hộ dân thường xuyên chịu tác động của bụi và tiếng ồn phát sinh từ nhà máy. Họ đã nhiều lần bao vây nhà máy để gây áp lực yêu cầu chính quyền Đà Nẵng vào cuộc.
Sau những diễn biến của vụ việc, đầu năm 2018, UBND TP Đà Nẵng thay đổi chủ trương, thu hồi và hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân sát nhà máy. Điều này vô hình trung đã khiến người dân và doanh nghiệp rơi vào thế đối đầu.
Lại liên tiếp các vụ việc người dân bao vây nhà máy diễn ra, cùng với đó là liên tiếp các quyết định đình chỉ hoạt động khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn.
Đáng nói, phía doanh nghiệp đã bỏ ra khoản tiền hơn 400 tỷ để thực hiện chủ trương tái định cư cho người dân; Đồng thời cam kết tự di dời, chấm dứt hoạt động sau thời gian giải quyết xong các thủ tục nhưng vẫn không được chấp nhận. Trước những bất đồng và không tìm được tiếng nói chung, Công ty CP thép Dana Ý đã khởi kiện UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nội dung khởi kiện liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND TP Đà Nẵng gây ra đối với Công ty CP thép Dana-Ý.
Theo kết luận 336-TB/TU, ngày 2/3/2018 của Thành ủy Đà Nẵng, địa phương hủy chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân lân cận khu vực nhà máy thép và không để nhà máy này tiếp tục hoạt động ở tại thôn Vân Dương (xã Hòa Liên, quận Liên Chiểu). Thực hiện kết luận của Thành ủy, ngày 14/3/2018, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo 1753/UBND-STP do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký nêu rõ các phương án thu hồi đất, di dời nhà máy hoặc chấm dứt hoạt động của nhà máy. Ba phương án mà UBND TP Đà Nẵng đưa ra gồm: Thỏa thuận với doanh nghiệp về phương án chuyển đổi công năng và chấm dứt; UBND TP ban hành quyết định hành chính thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, buộc dừng hoạt động; Thu hồi đất và di dời nhà máy. Tại báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ: Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã thông báo tạm dừng hoạt động đối với 2 nhà máy. Tuy nhiên, việc thông báo tạm dừng là chưa đúng với quy định của pháp luật... Với thông báo tạm dừng, doanh nghiệp có thể khởi kiện UBND thành phố để yêu cầu bồi thường thiệt hại vì tạm dừng hoạt động của nhà máy không đúng quy định pháp luật. Đến tháng 11/2018, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định chấm dứt hoạt động đối với 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc như đã nêu. |