|
PGS.TS. Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý) |
Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn nạn hành hung nhân viên y tế và những biện pháp bảo vệ “Blouse trắng”, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - nhân dịp Dự án tuyên truyền khẩu trang vì sức khoẻ Việt Nam và bảo vệ Blouse trắng vừa chính thức được công bố.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, do bác sĩ, nhân viên y tế có thái độ không đúng với người bệnh và gia đình họ nên mới bị tấn công và hành hung. Bà suy nghĩ gì về ý kiến này?
PGS. TS. Phạm Thanh Bình: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung là do đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng, cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa đảm bảo, khung pháp lý chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… chưa cao.
Một số ý kiến đổ lỗi cho việc nhân viên y tế bị hành hung là do những biểu hiện tiêu cực trong ngành Y. Tuy nhiên, tôi phản đối quan điểm này. Theo đánh giá độc lập của các cơ quan nhà nước, ngành Y tế, đến nay đã có hơn 80% người dân hài lòng với các dịch vụ y tế. Ngành Y tế đã triển khai kế hoạch “Đổi mới thái độ phục vụ vì sự hài lòng của người bệnh” nhiều năm nay. Do đó, tỷ lệ nhân viên y tế có thái độ không đúng với người bệnh và gia đình người bệnh là hãn hữu.
Tuy nhiên, vấn nạn hành hung nhân viên y tế vẫn không hề thuyên giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Giống như mọi ngành nghề khác, ngành Y cũng có người tốt, kẻ xấu, có những tiêu cực. Nhưng lấy cái tiêu cực của ngành Y để biện minh cho bạo hành y tế thì là ngụy biện. Cả 2 vấn đề - tiêu cực trong ngành Y và bạo hành nhân viên y tế đều là những cái xấu, phải trấn áp, xóa bỏ.
|
Theo PGS.TS. Phạm Thanh Bình, vấn nạn hành hung nhân viên y tế vẫn không hề thuyên giảm mà còn có xu hướng gia tăng (Ảnh: Minh Thuý) |
Chương trình Bảo vệ Blouse trắng của Công đoàn Y tế Việt Nam ra đời để người dân thấu hiểu, chia sẻ với bác sĩ, nhân viên y tế. Nghề Y là nghề cống hiến, vất vả, hy sinh thầm lặng, cán bộ y tế vào nghề là dấn thân vào nguy hiểm và những rủi ro bệnh nghề nghiệp. Vì thế, họ cần được tôn trọng, bảo vệ môi trường an toàn để yên tâm công tác.
PV: Mặc dù đã có nhiều hoạt động để bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế nhưng việc bác sĩ bị tấn công vẫn có nguy cơ xảy ra. Xin bà cho biết Công đoàn Y tế đã có những biện pháp gì để bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ bị tấn công ngay tại nơi làm việc?
PGS. TS. Phạm Thanh Bình: Ngay sau Đại hội XIII của Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn và các cấp công đoàn ngành Y tế đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ có hiệu quả hơn nữa người lao động trong ngành. Trong đó, nổi bật là “Hướng dẫn phòng và xử lý đoàn viên và người lao động bị bạo hành khi đang thực hiện nhiệm vụ”. Đây là căn cứ để Công đoàn Y tế các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất với chuyên môn đồng cấp tạo môi trường làm việc an toàn cho cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động y tế, giảm thiểu tại nạn lao động, sự cố y khoa và tình trạng mất an ninh trật tự trong các cơ sở y tế.
Cùng với đó, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp ứng xử để nhận diện và phòng xử lý khi có đối tượng hành hung, tập huấn công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham mưu về công tác nghiên cứu, bổ sung danh mục nghề, công việc độc hại nguy hiểm, và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ngành y tế; thăm hỏi, tặng quà cho hàng trăm trường hợp cán bộ, nhân viên trong ngành mắc bệnh hiểm nghèo, phơi nhiễm, mắc bệnh nghề nghiệp hoặc bị bạo hành,…
|
Vấn đề bạo lực trong các cơ sở y tế vẫn là nỗi lo thường trực của cán bộ y tế (Ảnh: Anh Lê) |
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã ký Quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố và nhiều cơ quan Trung ương để kịp thời nắm bắt và bảo vệ đoàn viên của mình khi xảy ra bạo hành và phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, kiến nghị Đảng, Nhà nước sửa Luật hình sự để đảm bảo nhân viên y tế đang chăm sóc sức khỏe là người đang thi hành công vụ, cần phải được bảo vệ như với các lực lượng công an, bộ đội.
PV: Xin bà cho biết, Dự án tuyên truyền khẩu trang vì sức khoẻ Việt Nam và Bảo vệ Blouse trắng được tổ chức nhằm mục đích gì?
PGS. TS. Phạm Thanh Bình: Dự án truyền thông khẩu trang vì sức khỏe Việt Nam và bảo vệ Blouse trắng là một dự án xã hội thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 21 của Bộ Y tế và văn bản hướng dẫn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng thực hiện thông điệp 5K do Bộ Y tế phát động gồm: “Khẩu trang”, “Khử khuẩn”, “Khoảng cách”, “Không tụ tập”, “Khai báo Y tế”, kêu gọi người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 bằng việc thay đổi thói quen đeo khẩu trang hàng ngày nơi công cộng.
Từ đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong việc phòng dịch COVID-19, tri ân những người anh hùng áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch, ngày đêm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nâng cao thương hiệu của đơn vị và góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động trong ngành dệt may và trang thiết bị y tế.
|
Lễ công bố Dự án truyền thông khẩu trang vì sức khoẻ Việt Nam và bảo vệ Blouse trắng (Ảnh: Minh Thuý) |
PV: Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam vẫn có thêm những ca mắc mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Vậy Dự án tuyên truyền khẩu trang vì sức khoẻ Việt Nam đóng vai trò gì trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thưa bà?
PGS. TS. Phạm Thanh Bình: Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt. Tuy nhiên, làn sóng dịch thứ 2, thứ 3 đang là áp lực lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Mỗi ngày có tới gần 600.000 người mắc mới với hơn 10.000 ca tử vong khiến số ca mắc và tử vong tăng chóng mặt. Đến nay cả thế giới đã có 52 triệu ca mắc COVID-19 và 1,3 triệu ca tử vong. Có thể thấy, Việt Nam không tránh khỏi nguy cơ xảy ra dịch bệnh bất cứ lúc nào.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã xác định đây là cuộc chiến "trường kỳ", đòi hỏi sự đoàn kết đồng lòng của người dân để hình thành trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế". Do đó, sự tham gia của Công đoàn Y tế Việt Nam trong Dự án không chỉ thể hiện vai trò sự đồng hành với Bộ Y tế kêu gọi người dân, tổ chức doanh nghiệp thực hiện thông điệp 5K mà còn thực hiện đúng chức năng của Công đoàn là chăm lo, bảo vệ các y, bác sĩ – những “người hùng tuyến đầu” chống dịch.
Trong giai đoạn hiện nay, sức khỏe của cán bộ là tài sản quốc gia nên bảo vệ cán bộ y tế cũng chính là hành động chúng ta đang chung tay vì sức khỏe Việt Nam để khống chế dịch bệnh.
|
Bác sĩ trực cấp cứu tại bệnh viện (Ảnh: Minh Thuý) |
PV: Thời gian tới, Công đoàn Y tế sẽ có những hoạt động gì để tuyên truyền cho các bác sĩ, nhân viên y tế đảm bảo sự hài lòng của người dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thưa bà?
PGS. TS. Phạm Thanh Bình: Để đảm bảo sự hài lòng của người dân cần có các yếu tố như: điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chẩn đoán bệnh từ xa với các chuyên gia giỏi đầu ngành,… nhưng một yếu tố không kém quan trọng là chính sự hài lòng của thầy thuốc trong môi trường bệnh viện. Bởi, thầy thuốc có hài lòng với đời sống, chính sách, chế độ đãi ngộ thì họ mới toàn tâm toàn ý vì người bệnh.
Công đoàn Y tế Việt Nam đang được Ban cán sự Đảng Bộ Y tế giao xây dựng bộ câu hỏi đánh giá độc lập hài lòng của thầy thuốc để lắng nghe đề xuất kiến nghị kịp thời của thầy thuốc để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Qua đó, các cấp lãnh đạo điều chỉnh kịp thời chính sách hoặc chính bản thân cán bộ y tế chưa hiểu thì cần được tập huấn, vận động, tuyên truyền kịp thời để đoàn kết đưa đơn vị phát triển. Bộ câu hỏi đang được xin ý kiến để ban hành cuối năm nay, kịp thời triển khai trước khi tổ chức Hội nghị cán bộ công chức của các đơn vị.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!