Dự án Thảo Điền Sapphire tọa lạc tại địa chỉ số 151 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, Tp.HCM, một mặt hướng ra sông Sài Gòn, cách trung tâm Tp.HCM khoảng 5 km.
Đây là dự án biệt thự được giới thiệu là siêu sang, với 29 biệt thự trên diện tích 2,7 ha đất. Trong đó, có 11 biệt thự ven sông, 6 biệt thự có hồ bơi và 12 biệt thự vườn, mỗi căn có tổng diện tích khuôn viên từ 272m2 đến 1.018m2, garage có thể chứa 2 - 3 xe ôtô.
Về giá, khu biệt thự siêu sang này không dành cho giới trung lưu. Với quảng cáo là một trong khu đất bờ sông cuối cùng tại khu dân cư cao cấp bậc nhất Tp.HCM, chủ đầu tư cho biết 3 dòng sản phẩm gồm biệt thự sân vườn, biệt thự có hồ bơi và biệt thự ven sông của dự án có giá từ 45 tỷ đồng, đến hơn 100 tỷ đồng mỗi căn.
Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án dự kiến sẽ hoàn thiện và giao nhà cho khách vào quý 4/2016. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa hoàn thành. Ngược lại, dự án này đang bị cơ quan chức năng Tp.HCM xử phạt hơn 1 tỷ đồng, và yêu cầu phá dỡ hồ bơi tại 11 biệt thự, do vi phạm 1.127 m2 hành lang sông Sài Gòn.
Về chủ đầu tư, khi khởi công (2015), dự án được giới thiệu là của Công ty cổ phần Sapphire. Gần hai năm sau (2017), chủ đầu tư của dự án đã là Công ty cổ phần TDS.
Đáng lưu ý, giữa chủ đầu tư “cũ” với chủ đầu tư hiện nay của dự án Thảo Điền Sapphire có mối quan hệ họ hàng khá thú vị.
Công ty cổ phần TDS thành lập tháng 1/2013. Tháng 4/2017 – khi thay đổi đăng ký kinh doanh – công ty có vốn điều lệ 127 tỷ đồng, với 4 cổ đông. Gồm Công ty cổ phần Đầu tư dự án Sapphire nắm 34,98% vốn điều lệ, Công ty Reco Holm Private Limited nắm 65% vốn điều lệ. Hai cá nhân người Việt là bà Nguyễn Thị Thu Thủy và ông Nguyễn Minh Hải đều nắm 0% vốn điều lệ.
Trong đó, Công ty Reco Holm Private Limited là doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Singapore – một trong những “thiên đường thuế” của thế giới. Còn lại, Công ty cổ phần Đầu tư dự án Sapphire và các cá nhân tại Công ty TDS đều là những tên tuổi “thuần Việt”.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư dự án Sapphire được thành lập 5/2014, là công ty “con” và do Công ty Cổ phần Quản lý Sapphire nắm 50,99% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (cổ đông trong Công ty cổ phần TDS) nắm giữ 0% vốn điều lệ.
Cổ đông còn lại nắm 49% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư dự án Sapphire là doanh nghiệp đến từ British Virgin Islands - vùng lãnh thổ thuộc Anh cũng được coi là “thiên đường thuế” của các doanh nghiệp thế giới. Đó là Công ty VPF Property Investment Limited.
Sợi dây sở hữu Công ty cổ phần TDS tới đây vẫn chưa dừng lại, vì có tới 99,98% vốn điều lệ Công ty Cổ phần quản lý Sapphire lại do một doanh nghiệp khác nắm giữ. Đó là Công ty cổ phần Sakkara Asia Pacific Project Holdings and Investment Real Estate – một doanh nghiệp Việt thuần túy, nhưng về pháp lý, lại do doanh nghiệp nước ngoài sở hữu, và cũng là doanh nghiệp đến từ những “thiên đường thuế”.
Tại doanh nghiệp này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – cổ đông của hai công ty nêu trên - nắm 10,42 % vốn điều lệ. Bà Thủy đang đồng thời là chủ của Công ty cổ phần Thủy Châu.
Một cổ đông người Việt khác là bà Phạm Quỳnh Trâm nắm 20% vốn điều lệ.
Hai cổ đông nước ngoài còn lại là Công ty Sakkara Private Limited (Singapore) nắm 36,13 % vốn điều lệ. Và Công ty VPF Property Investment Limited đến từ British Virgin Islands nắm 11,89% vốn điều lệ.
Đáng lưu ý, Công ty VPF Property Investment cũng chính là cổ đông nắm 49% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư dự án Sapphire – doanh nghiệp đang gián tiếp có lợi ích tại dự án Thảo Điền Sapphire, thông qua chủ đầu tư là Công ty cổ phần TDS.
Về bà Phạm Quỳnh Trâm, đây là nhà đầu tư hiện đang nắm giữ 29,02% trong tổng số 302,72 tỷ đồng vốn điều lệ Công ty Cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc RC (Refico) – doanh nghiệp bất động sản khá nổi tiếng hiện nay.
Refico có một cổ đông khá nổi tiếng – ông Trần Quyết Thắng – hiện đang đại diện pháp luật cho hơn chục doanh nghiệp khác hoạt động khắp Việt Nam.
Refico cũng có cổ đông nước ngoài là Công ty Tael Two Partners - doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại quần đảo Cayman. Công ty Tael Two Partners nắm 31,1% vốn điều lệ của Refico.
Những dích dắc trong sở hữu cổ phần và cơ cấu tài chính của nhóm các công ty này sẽ được VietTimes trình bày trong một bài viết khác.
“Thiên đường thuế” là gì?
“Thiên đường thuế” là một trong những cách gọi tên của khái niệm “Offshore Zone” – chỉ những khu vực, quốc gia có mức thuế được rất thấp hoặc miễn trừ. Đồng thời thủ tục như thành lập, quản lý, duy trì doanh nghiệp vô cùng đơn giản, được bảo mật về thông tin doanh nghiệp, cổ đông.
Do những đặc điểm pháp lý ấy, các pháp nhân và thể nhân nước ngoài chọn các quốc gia, vùng lãnh thổ này để mở doanh nghiệp, với mục đích chủ yếu để trốn thuế hoặc tránh thuế, cũng như các khoản phải nộp, phải chịu giám sát khác tại chính quốc. Đồng thời che dấu danh tính chủ sở hữu chính thức của pháp nhân được thành lập tại Offshore Zone.
Một số “thiên đường thuế” tiêu biểu
Panama: Tại đây báo cáo kế toán của các nhà đầu tư hầu như được miễn trừ phải công khai
St. Kitts và Nevis: Đây là một quốc gia nhỏ nằm ở phía đông của biển Caribbean, thuộc khối Liên hiệp Anh. Các pháp nhân nước ngoài đăng ký tại quốc gia này được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quần đảo Virgin (British Virgin Islands): Cũng nằm trong khu vực biển Caribbean và thuộc Liên hiệp Anh. Các pháp nhân nước ngoài tại đây được miễn thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế thừa kế, thuế bán các tài sản…
Quần đảo Cayman: là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh tại biển Caribbean. Luật pháp Cayman cho phép thành lập doanh nghiệp, sở hữu tài sản mà không cần trả thuế. Theo Citizens for Tax Justice, năm 2012, các công ty Mỹ tại Cayman thu về lợi nhuận 46 tỷ USD, lớn gấp nhiều lần GDP của quần đảo này.
Seychelles: Nằm ở biển Ấn Độ Dương, đông châu Phi. Pháp nhân đăng ký tại quốc gia này được miễn trừ gần như tất cả các loại thuế, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp hình thành ngoài đảo quốc này. Ngoài ra, giá mua một công ty offshore đã thành lập sẵn tại Seychelles chỉ vào khoảng 250 USD.
Hong Kong: Đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc này cam kết cung cấp và trao đổi các thông tin có liên quan tới thuế của các doanh nghiệp tại đây. Nhưng thời gian cho thủ tục thuế ở Hong Kong rất đơn giản và dựa trên nguyên tắc “luật lãnh thổ”. Tức là chỉ những hoạt động của doanh nghiệp diễn ra trực tiếp tại Hong Kong mới phải công khai và nộp thuế, còn hoạt động kinh doanh không tại đặc khu này được miễn trừ các yêu cầu liên quan tới các sắc thuế, hay các vấn đề công khai liên quan tới cổ đông.
Singapore: Quốc gia này có nhiều chính sách thuế ưu đãi như không áp thuế nhà thầu nước ngoài, không khấu trừ thuế, cho phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài....
Hà Lan: Là nước thuộc Liên minh thuế quan Benelux, có mức thuế hấp dẫn với doanh nghiệp. Do đó, hơn một nửa các công ty thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới có ít nhất một chi nhánh tại nước này.
Luxembourg: Là một trong 3 nước thuộc Liên minh thuế quan Benelux, là thiên đường tránh thuế phần lớn các sắc thuế đều chỉ bằng 0%, kèm theo là không có các điều kiện ràng buộc trong chuyển lợi nhuận ở bất kỳ quy mô nào ra nước ngoài.