Nghị quyết đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu, nổi bật trong đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 4.730 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%.
Trước đó, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh kinh tế năm 2024 vẫn đối diện nhiều rủi ro, thách thức, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5-6%.
Giải trình vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn và bám sát mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
“Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo”, ông Thanh nói.
Về kiến nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”, ông Thanh cho rằng việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
“NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, ông Thanh nhấn mạnh./.