“Đi chợ 4.0”, tiện lợi và an toàn
Ngày 8/4/2022 được xem là dấu mốc đối với các tiểu thương trên địa bàn TP Đà Nẵng, khi Sở Công thương và Tập đoàn Viettel chính thức triển khai thí điểm sử dụng mã QR trong thanh toán mua sắm tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, thay cho hình thức thanh toán bằng tiền mặt truyền thống.
Hơn 1.000 gian hàng của các tiểu thương tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ đống Đa đã tham gia lắp đặt và sử dụng mã VietQR để thanh toán không dùng tiền mặt. Với ứng dụng này, người đi chợ chỉ cần quét mã trả tiền, không cần phải đem theo tiền mặt.
Sau hơn 1 năm triển khai, tại chợ Hàn, gần 800 tiểu thương tại đây đã sử dụng thanh toán qua mã VietQR code và các ví điện tử, mã QR tài khoản điện tử của các ngân hàng, giúp các tiểu thương và người mua được kết nối nhanh chóng, thuận tiện.
Ghi nhận tại chợ Hàn, người dân và du khách mua sắm tại đây hầu hết sử dụng mã QR để thanh toán. Để phục vụ du khách, nhiều tiểu thương đã chuẩn bị sẵn các mã QR ngân hàng để đưa cho khách khi có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt. Không những vậy, du khách và người dân đi chợ gần như quá quen thuộc với việc thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện việc thanh toán rất nhanh chóng.
Chị Lài - tiểu thương bán hàng thực phẩm khô tại chợ Hàn - chia sẻ: “Sử dụng quét mã QR thay cho thanh toán bằng tiền mặt rất tiện dụng Từ khi sử dụng mã QRcode để thanh toán, có đến 80% khách đến cửa hàng đề nghị thanh toán không dùng tiền mặt. Thậm chí có những khách hàng cần tiền mặt nhờ mã QRcode để đổi mà không phải đi ra cây ATM để rút. Để phục vụ nhu cầu thanh toán của khách, tài khoản được mở ở mức độ nhanh nhất và 24/24”.
Còn chị Loan - tiểu thương bán quầy hàng sinh tố tại chợ Hàn – cho biết: “Từ khi sử dụng mã QRcode để thanh toán, việc mua sắm được diễn ra rất thuận lợi và nhanh chóng. Hạn chế được sai sót cũng như khỏi phải chờ thối lại tiền như thanh toán tiền mặt thông thường”.
Chị Thanh Thuý - du khách đến từ Hà Nội – cho hay, việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện khá phổ biến và được nhiều người sử dụng vì tất cả các ngân hàng bây giờ đều đưa ứng dụng quét mã QRcode vào thanh toán. Đây là ứng dụng rất thiết thực, nhất là đối với khách du lịch.
“Như em, từ khi có dịch vụ quét mã QR, thanh toán không cần tiền mặt đã thay đổi thói quen dùng tiền mặt, đỡ phải lo sợ rơi rớt. Nhất là khi đi chợ du lịch, những nơi đông người, chen lấn… không còn lo bị móc túi mất tiền này nọ”- chị Thuý chi sẻ.
Vẫn còn nỗi lo
Mặc dù tiện ích của ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề khiến tiểu thương lo lắng và duy trì hình thức thanh toán truyền thống.
Cô Dẽo – tiểu thương bán hải sản tại chợ Hàn - cho hay: “Tụi tui lớn tuổi, mắt kém lại không am hiểu công nghệ nên chịu không dùng QRcode để thanh toán. Lỡ sai sót rồi mất tiền thì chết. Buôn bán con cá, mớ rau kiếm từng đồng mà sai sót thì mất luôn ngày chợ”.
Cũng giống như cô Dẽo, nhiều tiểu thương lo ngại về tính chính xác của việc thực hiện giao dịch bằng mã QRcode nên để đáp ứng nhu cầu của người mua, số tiểu thương này sử dụng chung mã QR của các tiểu thương khác để thanh toán cho khách và nhận lại số tiền từ hoá đơn.
“Tụi tui nhờ các chị em shop khác có mã QR, thanh toán qua đó rồi bên đó sẽ gửi lại tiền mặt. Nói chung hơi mất công chút nhưng chắc chắn và yên tâm. Cái gì mình không rành thì nhờ giúp đỡ”- cô Năm -Hàng rau xanh cười nói.
Còn anh Toàn-du khách đến từ Vinh cho hay: “Dịch vụ thanh toán tại chợ rất tiện lợi, an toàn. Tuy nhiên, đôi khi mạng trục trặc, việc xác nhận thanh toán có bị chậm trễ đợi xác thực tiền vào tài khoản người bán mới được cho đi cũng hơi phiền một chút”.
Bên cạnh thói quen truyền thống của một số tiểu thương thì một vấn đề nữa khiến nhiều tiểu thương lo lắng là tình trạng kẻ xấu lợi dụng sơ hở của bà con tiểu thương công khai mã QR cho khách thanh toán rồi dán chồng mã QR khác lên để trục lợi khiến nhiều tiểu thương lo ngại.
“Thông tin từ ban quản lý chợ và trên báo giới, thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp dán chồng mã QR gây thiệt hại cho tiểu thương, nên hầu hết ai cũng cảnh giác. Ai cũng có mã QR để thanh toán, nhưng đều cất bên trong, khi nào khách cần quét mã thì đem ra. Hiện quầy của tui có đến 4 cái bảng mã QR, nhưng cất hết vô tủ chứ không dán ngoài như mọi khi, khi nào khách cần thì đưa ra. Làm vậy vừa an toàn cho mình và cũng an toàn cho khách”- chị Lài chia sẻ.
Và mặc dù chưa xảy ra vụ việc nào tương tự tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhưng các tiểu thương đều nhắc nhau cảnh giác và bảo vệ mã QR của mình để đảm bảo an toàn khi thanh toán và tránh thiệt hại không đáng có.