Hơn 2.100 tiểu thương tại Thái Nguyên tham gia mô hình chợ 4.0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, địa phương này hiện đã triển khai mô hình chợ 4.0 ở 12 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh với trên 2.115 tiểu thương sử dụng và được người dân hưởng ứng một cách tích cực.

Thái Nguyên đã triển khai mô hình chợ 4.0 ở 12 chợ truyền thống với 2.115 tiểu thương sử dụng và được người dân hưởng ứng tích cực.

Kinh nghiệm triển khai mô hình chợ 4.0 vừa được ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

Mô hình chợ số này được Thái Nguyên áp dụng đầu tiên tại chợ Đại Từ, với mục tiêu chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp điều kiện ở vùng nông thôn và miền núi, có thể áp dụng với đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng.

“Việc phát triển dịch vụ thanh toán điện tử cần được len lỏi vào từng giao dịch trong cuộc sống thường nhật, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là phục vụ được cho các hoạt động thanh toán hằng ngày để tạo thói quen sử dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân” , ông Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.

Ngoài chợ Đại Từ, mô hình chợ 4.0 còn được Thái Nguyên triển khai tại 11 chợ truyền thống khác gồm các chợ La Bằng, Đu, Thái, Đán, Chu, Tân Khánh, Quang Vinh, Đồng Quang, Quan Triều, Ba Hàng và Phúc Thuận.

Dù là mô hình mới song "Chợ 4.0" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương và người dân Thái Nguyên.
Dù là mô hình mới song "Chợ 4.0" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương và người dân Thái Nguyên.

Dù là mô hình mới song “Chợ 4.0” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương và người dân Thái Nguyên. Thống kê cho thấy, tại 11 chợ đã triển khai, có 70% số tiểu thương đã tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, 50% số tiểu thương được tạo mã có phát sinh giao dịch thanh toán online. Số giao dịch trực tuyến bình quân hàng tháng của mỗi tiểu thương từ 10 - 20.

Riêng tại chợ Đại Từ - điểm chợ 4.0 được làm sớm và toàn diện nhất, hiện có hơn 300 tiểu thương tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không tiền mặt, chiếm tỷ lệ 80% tổng số tiểu thương. Trong đó, có 200 tiểu thương tham gia tích cực, phát sinh 2.900 giao dịch hàng tháng với dòng tiền 3,3 tỷ đồng; bình quân mỗi người có 21 giao dịch/ tháng.

Đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp dịch vụ và địa phương mở rộng mô hình chợ 4.0 ra các chợ trên quy mô toàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra trong năm 2022 là mỗi huyện triển khai mô hình chợ 4.0 tới tối thiểu 5 chợ trên địa bàn.

Khi triển khai mô hình chợ 4.0 tại 12 chợ truyền thống, Thái Nguyên cũng gặp một số khó khăn như: nhiều người chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ người dân nông thôn thanh toán không dùng tiền mặt còn ở mức thấp.

Nhận thức rõ các hạn chế trên, đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, tới đây, tỉnh sẽ triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả mô hình chợ 4.0, cụ thể như chú trọng tuyên truyền cho nhân dân về các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt…

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo kết quả đánh giá chuyển đổi số - DTI năm 2021 vừa được Bộ TT&TT công bố, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thái Nguyên xếp ở vị trí thứ 8, tăng 4 bậc so với DTI năm 2020. Trong đó, về các chỉ số thành phần của DTI 2021, Thái Nguyên xếp thứ 2 về nhận thức số, thứ 23 về thể chế số, thứ 27 về hạ tầng số, thứ 5 về nhân lực số, thứ 9 về an toàn thông tin mạng, thứ 20 về hoạt động chính quyền số, thứ 16 về hoạt động kinh tế số và thứ 24 về hoạt động xã hội số.

Theo ICTNews