Đó là thông tin được ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc PVNđưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương vừa qua.
Theo ông Quỳnh, hiện PVN đã thoái vốn thành công trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm, đối với lĩnh vực ngân hàng thì đang trong quá trình chờ chỉ đạo thoái vốn.
Cụ thể với Ngân hàng Đại dương (Oceanbank), ông Quỳnh cho biết hiện Ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, nên về cơ bản đã thực hiện xong việc thoái vốn.
Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank), hiện PVN đang chiếm tỷ lệ sở hữu là 52% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tổng vốn điều lệ của ngân hàng này tương đối cao, lên tới 9000 tỷ đồng (tương đương PVN nắm giữa 4.680 tỷ đồng), nên việc thoái vốn còn phải chờ hướng dẫn.
“Đây là mức tương đối lớn so với ngân hàng thương mại nên chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển giao phần vốn của Tập đoàn về Ngân hàng nhà nước” – ông Quỳnh thông báo.
Do đó, việc chuyển giao phần vốn của PVN tại PVcomBank vẫn chưa được thực hiện trong 2015 này, và phải tiếp tục chờ hướng dẫn của cơ quan nhà nước và Chính phủ để thực hiện trong năm sau.
Điều này đồng nghĩa, việc chuyển giao phần vốn này của PVN tại PVcomBank sẽ không thực hiện theo đúng kế hoạch. Trước đó tại cuộc họp giao ban vào tháng 6 của Bộ Công Thương dự kiến việc chuyển giao phần góp vốn của PVN sẽ hoàn thành trong năm 2015.
PVcomBank ra đời dựa trên sự sáp nhập giữa Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam - PVFC) cùng Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank), trong đó PVFC là một công ty con trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại thời điểm tháng 6/2015, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận thông tin tiếp nhận phần vốn của của PVN tại PVcomBank, và rằng Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ giải pháp thoái vốn, trong đó có nội dung thoái vốn của PVN tại ngân hàng này.
Theo Trí thức trẻ