Cuộc cạnh tranh bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần trở nên căng thẳng hơn, trong bối cảnh các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ hiện đang đứng về phía Washington, buộc Bắc Kinh phải thay đổi hướng đi để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình.
Tháng trước, Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 23 mặt hàng cần thiết để sản xuất chip bán dẫn tiên tiến, đây là một đòn giáng mạnh vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Những mặt hàng này hiện yêu cầu sự chấp thuận của chính phủ trước khi được xuất khẩu.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bao gồm các hạn chế đối với thiết bị in thạch bản - một thiết bị rất quan trọng để sản xuất các vi mạch tiên tiến.
Mặc dù Nhật Bản không đề cập đích danh Trung Quốc trong thông báo của mình, nhưng động thái này dường như nhắm vào Bắc Kinh. Mao Ning, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo ngày 24 tháng 7 rằng “bất chấp những lo ngại nghiêm trọng của Trung Quốc, Nhật Bản vẫn tiến hành các hạn chế xuất khẩu nhắm mục tiêu rõ ràng vào Trung Quốc. Trung Quốc vô cùng bất mãn và cảm thấy đáng tiếc trước hành động của Nhật Bản”.
Hạn chế của Nhật Bản chỉ là động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ và các đồng minh áp đặt với hy vọng kiềm chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Chip bán dẫn là yếu tố quan trọng trong công nghệ dân sự và quân sự. Chip bán dẫn tiên tiến, vốn là trọng tâm chính trong các hạn chế của Hoa Kỳ và các đồng minh, là những bộ phận thiết yếu cho AI và các công nghệ mới nổi quan trọng khác.
Khi AI và phần mềm máy tính tiếp tục phát triển và trở nên phức tạp hơn, phần cứng sẽ buộc phải theo kịp sự phát triển này. Nếu nguồn cung cấp chip bán dẫn của Trung Quốc bị thắt chặt, điều này chắc chắn sẽ làm gián đoạn tiến trình phát triển AI của quốc gia này.
Vào tháng 6, Hà Lan đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung đối với một số thiết bị bán dẫn tiên tiến, tương tự như các biện pháp do Nhật Bản áp đặt. Hà Lan là quê hương của ASML, một trong những công ty bán dẫn quan trọng nhất trên thế giới. Mặc dù những hạn chế này sẽ không có hiệu lực cho đến ngày 1 tháng 9 , nhưng tác động của chúng là thực sự nghiêm trọng đối với tham vọng của Trung Quốc.
Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan cùng nhau cung cấp hầu hết thiết bị cho các nhà máy bán dẫn trên toàn cầu. Bằng cách khiến Nhật Bản và Hà Lan đứng về phía mình, Mỹ đã giáng một đòn trí mạng vào Trung Quốc trong cuộc đua giành ưu thế công nghệ.
Bắt nguồn từ ngày 7 tháng 10 năm 2022, khi Hoa Kỳ công bố chính sách kiểm soát xuất khẩu mới, về cơ bản là ngăn chặn các công ty Hoa Kỳ bán chip và thiết bị liên quan cho các công ty Trung Quốc. Kể từ đó, Mỹ đã khuyến khích các đồng minh của mình tham gia kế hoạch này. Trung Quốc đã gọi những hành động này là “bá quyền khoa học công nghệ”, cáo buộc Mỹ thúc đẩy việc tách rời và cản trở sự phát triển của các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ có khả năng trở thành nhân tố chính của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chip bán dẫn với Trung Quốc. Thông qua một tuyên bố chung vào tháng 6, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã ký một biên bản để điều phối các chương trình khuyến khích chip bán dẫn. Hoa Kỳ và Ấn Độ cũng thông báo rằng Micron sẽ đầu tư 825 triệu USD để xây dựng một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chip bán dẫn tại Ấn Độ.
Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã ký một thỏa thuận mở rộng về phát triển chất bán dẫn vào tháng 7 vừa qua.
Về cơ bản, Hoa Kỳ đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc mua cả chip bán dẫn và thiết bị cần thiết để sản xuất chúng đồng thời cố gắng loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Để đối phó với những diễn biến này, Trung Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của riêng mình vào tháng 7. Theo đó, Trung Quốc đã đặt ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu gali và gecmani – những kim loại hiếm cần thiết để sản xuất chip – nói rằng hạn chế này nhằm “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”. Được biết, Trung Quốc chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu của các kim loại này.
Mặc dù những biện pháp này không nghiêm trọng bằng những hạn chế do Mỹ và các đồng minh áp đặt, nhưng nó cho thấy một dấu hiệu rõ ràng về những điều sắp xảy ra. Với nhu cầu vi mạch dự kiến sẽ chỉ tăng lên khi AI trở nên phức tạp hơn, các quốc gia lớn gần như chắc chắn sẽ xung đột trong việc sản xuất chip bán dẫn tiên tiến. Sự cạnh tranh này có thể sẽ có tác động tới các lĩnh vực khác như an ninh quốc gia.
Cuộc cạnh tranh chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc vốn dĩ cũng liên quan đến cuộc cạnh tranh AI giữa hai bên. Trung Quốc đã công bố kế hoạch trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030, trong khi Mỹ đặt mục tiêu ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì lợi thế hiện tại về công nghệ.
Chính xác những hạn chế này có ý nghĩa gì đối với các mục tiêu AI của Trung Quốc vẫn còn là một câu hỏi. Dường như có một sự đồng thuận rằng Trung Quốc vẫn đang đi sau hàng thập kỷ về công nghệ chip bán dẫn tiên tiến và lệnh cấm chip phần lớn sẽ ngăn chặn tiến trình phát triển AI của quốc gia này.
Cho đến nay, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu chip từ Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, họ vẫn có kế hoạch phát triển chip bán dẫn trong nước như một phần của chiến lược “Made in China 2025”.
Với việc AI ngày càng tiên tiến, tầm quan trọng của chip sẽ ngày một tăng lên. Với ưu thế công nghệ được cả Washington và Bắc Kinh coi là tối quan trọng, cuộc chạy đua toàn cầu về chip bán dẫn chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt.
Chính xác ai sẽ thắng, cuộc đua này vẫn chưa thể phân định, nhưng có một điều rõ ràng: căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai đã bắt đầu, với chip bán dẫn là trung tâm xoay quanh cuộc chiến này. Bất kỳ bên nào giành được lợi thế đáng kể trong cuộc cạnh tranh chip bán dẫn sẽ có một bước tiến lớn và đạt được ưu thế về công nghệ trong tương lai.
Theo SCMP