|
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Nghị định, lệ phí trước bạ nộp lần đầu với các loại phương tiện trên sẽ được giảm 50%, áp dụng chính thức từ 1/9 đến 30/11/2024. Từ 1/12, lệ phí này trở về mức cũ.
Đây là năm thứ tư liên tiếp xe sản xuất trong nước được hưởng chính sách này. Nhưng thời gian thực hiện chính sách lần này rút ngắn một nửa so với các đợt điều chỉnh trước đây (6 tháng).
Thực tế, giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ hạ các chi phí để xe lăn bánh. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng thị trường xe trong nước trong bối cảnh các doanh nghiệp lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số thu ngân sách dự kiến giảm thu từ chính sách giảm phí trước bạ là khoảng 5.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng.
Đến nay, thị trường ô tô Việt Nam từng được Chính phủ thúc đẩy 3 lần bởi chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Lần đầu tiên có hiệu lực trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2020; lần thứ hai áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 và gần đây nhất là nửa cuối năm 2023.
Nhờ những lần ưu đãi trước đó, sức mua các sản phẩm lắp ráp trong nước đã mang lại kết quả bùng nổ về mặt doanh số khi đã tăng trung bình tới 200% lượt đăng ký mới phương tiện.
Đặc biệt, tính tổng dung lượng thị trường ô tô trong năm 2022, Việt Nam đã đạt sản lượng tiêu thụ lên tới hơn 500.000 xe - lập mức doanh số kỷ lục từ trước tới nay.