|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV vừa đưa ra những phân tích về tác động của dịch bệnh Covid-19 tới kinh tế Việt Nam và những khuyến nghị chính sách cần ưu tiên trong thời gian tới.
Tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và hiện đang diễn biến rất phức tạp, nhanh, khó lường. Đến hết ngày 27/2/2020, dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới, ở khắp các châu lục và đã có 53 quốc gia/vùng lãnh thổ có công dân nhiễm bệnh Covid-19, với 83.376 ca bị nhiễm và 2.858 ca tử vong (chủ yếu ở Trung Quốc (2.788 ca tử vong), ngoài ra là 70 ca tử vong tại 9 quốc gia/ vùng lãnh thổ và địa điểm ngoài Trung Quốc). Bên cạnh thiệt hại về con người, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những thiệt hại về kinh tế đối với từng nước cụ thể, do các hoạt động giao thương, kết nối chuỗi sản xuất giữa các quốc bị đình trệ và xáo trộn; tác động đến cả tổng cung và tổng cầu. Đến nay, dịch bệnh vẫn rất phức tạp và khó lường, cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá cụ thể mức độ tác động.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực cả tổng cầu và tổng cung. Về phía cầu, ngành du lịch, vận tải, bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), xuất khẩu nông sản… đã bị tác động trực tiếp và rõ nét do lượng khách quốc tế và nội địa, nhu cầu giao lưu, tiêu dùng, vui chơi giải trí sụt giảm mạnh. Về phía cung, hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản …đã bị suy giảm do thiếu nguyên, nhiên vật liệu, lao động từ Trung Quốc và một số đối tác quan trọng. Theo ngành kinh tế, dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trực tiếp và rõ nét nhất tới 8 lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam, như: (i) chi phí y tế và nguồn nhân lực, (ii) du lịch, lữ hành, khách sạn, (iii) giao thông vận tải, (iv) thương mại, (v) đầu tư, (vi) bán lẻ (tiêu dùng cá nhân); (vii) các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng; và (vi) tài chính - ngân hàng. Trong báo cáo công bố ngày 11/2/2020, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.
Theo đó, với kịch bản cơ sở: dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường từ giữa quý 2/2020. Tại kịch bản này, doanh thu du lịch của Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 20-22% so với năm 2019; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 8-12%; du lịch khách quốc tế giảm 15-20%; dịch vụ giao thông vận tải giảm 15-20%; bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) giảm 0,5%; và dịch vụ tài chính – ngân hàng giảm 2%. Theo đó, tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2020 giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 5,6-5,7%) và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 6-6,1%). Mức tác động này cũng khá tương đồng với dự báo gần đây của một số các tổ chức quốc tế (ANZ, Citibank…v.v.) với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo khoảng 6-6,3%.
Với kịch bản tích cực: dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong quý 1/2020; các hoạt động kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,32 điểm %; trong đó, quý 1 giảm 1,22 điểm % và quý 2 giảm 0,39 điểm %. Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch các nước cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ít hiệu quả, dẫn đến hệ lụy xấu, thậm chí làm kiệt quệ các hoạt động sản xuất – kinh doanh của Việt Nam; khiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay giảm khoảng 2,71 điểm %.
Chính sách kinh tế nào cần ưu tiên trong bối cảnh dịch Covid-19?
Trong bối cảnh dịch bệnh và năm cuối của kế hoạch 5 năm (2016-2020), Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, theo TS. Cấn Văn Lực, cần thực hiện một số chính sách, giải pháp quan trọng sau đây.
Một là, dù mục tiêu đạt tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% và kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Chính phủ chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay, do chưa có đủ cơ sở cũng như chưa lường đón được hết diễn biến dịch bệnh.
Hai là, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, phương châm của Chính phủ là cần bình tĩnh, đúng mức, nhưng không chủ quan, thông tin công khai, minh bạch, chuẩn xác và kịp thời cần được nhất quán hiểu và hành động quyết liệt.
Ba là, các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Về lý thuyết kinh tế, trong những trường hợp này, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.
Đối với chính sách tiền tệ; theo TS. Cấn Văn Lực, có 4 điểm cần cân nhắc, ưu tiên thực hiện. Thứ nhất, chưa nên giảm lãi suất điều hành của NHNN do: (i) áp lực lạm phát năm nay ở mức khá cao (chỉ số CPI tháng 1/2020 tăng 6,43% và lạm phát cơ bản tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2019), chỉ số CPI cả quý 1/2020 có thể ở mức trên 5% so với cùng kỳ, và cả năm dưới 4% là rất khó khăn; (ii) khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay và cả quý 2/2020 còn yếu, tính đến hết ngày 19/2/2020, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,28% so cuối năm 2019 (theo NHNN); (iii) tăng trưởng tín dụng của Việt Nam nên duy trì ở mức vừa phải (mức tăng trưởng 13-14%/năm đang là cao nhất trong khu vực Đông Á và ĐNÁ trong khi quy mô tín dụng của Việt Nam lớn (khoảng 136% GDP cuối năm 2019); nên nếu giảm lãi suất là chưa trúng và có thể sẽ đẩy tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ hai, vì lý do trên, việc tung ra gói hỗ trợ lãi suất (như năm 2009) là chưa cần thiết lúc này vì hiệu quả không cao và rất phức tạp khi triển khai.
Thứ ba, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ điểm huyệt này. Theo đó, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc. NHNN đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới phục vụ SX-KD..v.v. Các TCTD đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm, giảm một số loại phí, rà soát, xem xét từng khách hàng, khoản vay để có biện pháp hỗ trợ tương ứng. Theo đó, NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí để xác định đối tượng được hỗ trợ và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn. Thực hiện tốt những điều trên là thuốc vaccine phù hợp nhất đối với doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động dịch Covid-19 hiện nay.
Thứ tư, dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng cũng là những động lực quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn hơn.
Đối với chính sách tài khóa, như trên đã nêu, trong điều kiện chống cú sốc ngắn hạn hiện nay, cần ưu tiên hơn sử dụng chính sách tài khóa. Theo đó, Chính phủ xem xét cho phép sử dụng công cụ thuế và đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu.
Thứ nhất, cho phép giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính (thuế, bảo hiểm xã hội…) như tiếp tục giảm thuế nhập khẩu thiết bị y tế, dịch vụ y tế; giãn, hoãn nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh….v.v. Thứ hai, Chính phủ sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập DNNVV xuống mức 15-17% (Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua). Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. Các Thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, thanh-kiểm tra các dự án BĐS để sớm quyết định cho phép triển khai hay không.
Đối với một số chính sách kinh tế khác, cần tiếp tục thực hiện một số chính sách, giải pháp căn cơ, dài hạn như: (i) Từng bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động dịch Covid-19 đối với lĩnh vực, địa phương mình để có hình thức hỗ trợ phù hợp nhất; (ii) Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh, giảm mạnh chi phí không chính thức, tạo điều kiện thu hút đầu tư (tư nhân và FDI phát triển tốt hơn); (iii) Phát huy động lực từ các lĩnh vực, khu vực không bị ảnh hưởng; (iv) tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, nhiều cơ hội phát triển như kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ trực tuyến…..v.v.;
(v) Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), nhất là EVFTA (dự kiến hiệu lực từ tháng 7/2020); (vi) Hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, đối tác thay thế các nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra nhằm nhanh chóng ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ; (viii) Đã đến lúc cần nghiêm túc đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, ngành nghề; đa dạng hóa thị trường, đối tác, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, khai thác hiệu quả thị trường trong nước…. là một trong những trụ cột tiếp tục ưu tiên lâu dài, vừa phát huy hiệu quả nguồn lực, vừa hạn chế rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác, thị trường lớn như hiện nay.
(*) TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Theo Trí thức trẻ