Chính quyền Đài Loan sẽ làm gì nếu có phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông?

VietTimes - Nhiều khả năng, chính quyền mới ở đảo Đài Loan sẽ khác với chính quyền tiền nhiệm Mã Anh Cửu áp dụng thái độ "không chấp nhận, không thừa nhận" đối với kết quả trọng tài. 
Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Lý Trừng Nhiên. Nguồn ảnh: Chinatimes.com.
Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Lý Trừng Nhiên. Nguồn ảnh: Chinatimes.com.

Tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 7/6 cho hay, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines. Để ứng phó với kết quả trọng tài, tuần trước, Ủy ban An ninh Quốc gia Đài Loan đã tổ chức một hội nghị đầu tiên để bàn đối sách, trong thời gian tới cũng sẽ tập trung họp để thảo luận.

Chính quyền mới ở đảo Đài Loan sẽ khác với chính quyền tiền nhiệm Mã Anh Cửu áp dụng thái độ "không chấp nhận, không thừa nhận" đối với kết quả trọng tài. 

Nếu nội dung phán quyết gây thiệt hại cho "vùng biển và đảo đá (do Đài Loan) quản lý (chiếm đóng bất hợp pháp)", không loại trừ "bảo lưu quyền truy tố pháp luật", đưa ra trọng tài quốc tế, tìm kiếm quyền lợi cho Đài Loan.

Tòa trọng tài vốn có kế hoạch đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines vào cuối tháng 5/2016, nhưng do chính quyền Mã Anh Cửu thông qua Hội nghiên cứu luật pháp quốc tế Trung Hoa Dân Quốc, đưa ra bản tuyên bố về lập trường của Đài Loan đối với đảo Ba Bình (Việt Nam), trình lên Tòa trọng tài, do đó, phán quyết phải trì hoãn.

Ngày 6/6, tại Ủy ban Ngoại giao và Quốc phòng thuộc Viện Lập pháp Đài Loan, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Lý Trừng Nhiên cho rằng, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sẽ đưa ra phán quyết vào giữa hoặc cuối tháng 7/2016.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Nguồn ảnh: udn.com
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Nguồn ảnh: udn.com

Theo Lý Trừng Nhiên, nếu kết quả trọng tài bất lợi cho yêu sách của Đài Loan, Đài Loan sẽ không chấp nhận. 

Nhưng, ông cho rằng, do Philippines ban đầu chủ trương đảo Ba Bình (Việt Nam) là “đá”. Đài Loan có tư liệu bổ sung, Tòa trọng tài cũng đã mời Trung Quốc, Philippines đưa ra ý kiến về vấn đề này. Kết quả trọng tài sẽ "có lợi" cho Đài Loan.

Theo bài báo, cuối tháng 10/2015, sau khi kết quả giai đoạn 1 của Tòa trọng tài được đưa ra, chính quyền Mã Anh Cửu tuyên bố "không chấp nhận, không thừa nhận", thống nhất với thái độ của Chính phủ Trung Quốc. 

Trước khi rời nhiệm, cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đã ngang nhiên thị sát phi pháp đảo Ba Bình; mời phóng viên, học giả quốc tế, các quan chức như cựu Viện trưởng Viện Hành chính Hách Bách Thôn đổ bộ trái phép lên đảo Ba Bình; thậm chí mời thẩm phán của Philippines và Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đến tham quan, nhưng bị từ chối.

Bài báo cho rằng, Đài Loan mặc dù không phải là bên đương sự tố tụng, nhưng vụ kiện này có rất nhiều nội dung liên quan đến Đài Loan, bao gồm 15 đề nghị trọng tài của Philippines, trong đó có 4 đề nghị liên quan đến bãi cạn Scarborough - nơi Đài Loan cũng vạch ra "đường cơ sở lãnh hải". 

Còn đối với đảo Ba Bình (Việt Nam), mặc dù nó không phải là mục tiêu tố tụng, nhưng nếu Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, coi đảo Ba Bình là "đá ngầm", thì ảnh hưởng đến yêu sách của Đài Loan. 

Đài Loan triển khai phi pháp máy bay vận tải C-130 ở đảo Ba Bình của Việt Nam. Nguồn ảnh: Thời báo Tự do Đài Loan.
Đài Loan triển khai phi pháp máy bay vận tải C-130 ở đảo Ba Bình của Việt Nam. Nguồn ảnh: Thời báo Tự do Đài Loan.

Theo bài báo, Tòa trọng tài được thành lập là dựa vào luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Đài Loan là "quốc gia" tuân thủ luật pháp, lẽ ra cần tôn trọng phán quyết. 

Nhưng, Đài Loan vẫn phải cân nhắc từng nội dung đề nghị trọng tài của Philippines, "sẽ không chấp nhận toàn bộ, cũng không nhất thiết là không chấp nhận toàn bộ".

Theo bài báo, nếu phán quyết gây thiệt hại cho vùng biển, đảo đá theo yêu sách phi pháp của Đài Loan, Đài Loan sẽ đề xuất "bảo lưu quyền truy tố pháp luật", không loại trừ đưa ra trọng tài quốc tế. 

Bài báo cuối cùng cho rằng, đề nghị trọng tài không nhất định phải hợp tác với các nước thành viên của Liên hợp quốc. 

Căn cứ vào quy định thứ 13 của phụ lục 7 UNCLOS, một bên không ký kết công ước cũng có thể đề xuất trọng tài, bao gồm các tổ chức quốc tế, thực thể chính trị, thực thể ngư nghiệp. Do đó, Đài Loan có rất nhiều phương pháp để áp dụng.