Tiếp diễn đà hồi phục từ trước Tết Nguyên đán, chỉ số VN-Index đã lấy lại được vị thế và tiếp tục thử sức với ngưỡng cản quang vùng 1.130 điểm. Tuy nhiên, trước những diễn biến giao dịch hôm nay, đây vẫn là ngưỡng cản tâm lý khó có thể vượt qua được trong ngắn hạn và phần nào thể hiện được những rủi ro thị trường đang gặp phải.
Khởi đầu phiên giao dịch hôm nay (5/3), thị trường mở cửa với sắc xanh, có lúc chỉ số VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng 1.130 điểm nhờ sự hưng phấn lan tỏa từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ngành bất động sản và ngân hàng như: VIC, VRE, VCB, MBB. Đây là nhóm ngành thu hút dòng tiền kể từ đợt điều chỉnh mạnh trước Tết Nguyên đán và góp phần thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh.
Riêng nhóm cổ phiếu thép do bị ảnh hưởng tiêu cực từ những kế hoạch áp thuế nhập khẩu mặt hàng này của Mỹ nên đã chứng kiến sự giảm giá mạnh tại các cổ phiếu đầu ngành này như: HPG, HSG, NKG.
Đà bán tháo trên thị trường bắt đầu từ đầu phiên giao dịch buổi chiều và thực sự gây bất ngờ trong 5 phút cuối phiên giao dịch định kỳ (ATC). Nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán rất lớn, khiến nhiều cổ phiếu đầu ngành có mức giảm điểm sâu, thậm chí giảm sàn như: BID, CTG, MBB, VCB, ACB. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu trụ khác cũng không thể duy trì được đà tăng và giảm điểm trở lại như VIC, VRE, FPT, BVH.
Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm 27,73 điểm, đóng cửa ở mức 1.093,48 điểm. Thanh khoản thị trường trên cả hai sàn HNX và HSX đạt 347,68 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 11.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên giao dịch hôm nay với giá trị giao dịch hơn 211 tỷ đồng.
Phiên giảm điểm hôm nay cho thấy rủi ro đến từ việc dòng tiền tập trung ở một vài lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản mà vẫn chưa thật sự lan tỏa ra các nhóm ngành nghề khác. Điều này được thể hiện qua thanh khoản của các phiên giao dịch sau Tết đều có sự sụt giảm gần một nửa so với trước kỳ nghỉ; mặt bằng chung các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ cũng không có nhiều diễn biến tích cực với chỉ số VN-Index.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới diễn biến thị trường chung trong ngắn hạn là việc các quỹ ETF đang trong thời kỳ cơ cấu danh mục, hoạt động mua bán với số lượng lớn phần nào cũng khiến cho thị trường diễn biến khó lường.
Bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới có nhiều diễn biến tiêu cực, cũng khiến thị trường trong nước bị ảnh hưởng. Đặc biệt là khi dòng vốn đầu cơ đang rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, xuất phát từ việc nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Mặc dù vậy, diễn biến điều chỉnh của thị trường cũng khó có thể duy trì được lâu. Bởi lẽ, thời điểm tháng 3 là lúc nhiều doanh nghiệp lớn tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên đề ra những mục tiêu kinh doanh mới cho năm 2018. Đây sẽ là các tin tức hỗ trợ cho diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường trong thời gian tới.