Sau gần 4 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện bước đầu được kiềm chế.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn biến phức tạp. Tình trạng lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến đường bộ… gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; làm mất trật tự, an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Vì vậy, để tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, nhằm đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng phương tiện quá tải tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Trong đó, tập trung huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định kết hợp với trạm thu phí giai đoạn đến năm 2020 theo quy hoạch.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc kiểm soát tải trọng phương tiện, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm kiểm tra tải trọng xe cố định; cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trạm kiểm tra tải trọng xe kết hợp với trạm thu phí.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiểm tra tại các đơn vị, địa phương về việc tổ chức ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy nội địa tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, nhất là vi phạm về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô… để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường bộ.
Tổ chức đoàn kiểm tra tăng cường trên phạm vi toàn quốc; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông khẩn trương hoàn thiện việc trang bị hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm Cảnh sát giao thông theo Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục trang bị cân tải trọng xách tay để tuần tra, kiểm soát lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe quá tải trên các tuyến giao thông.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá tải trọng thiết kế của xe; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, sản xuất hoặc cung ứng vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản… thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô đúng tải trọng ngay tại khu vực đầu nguồn hàng do mình quản lý.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải trên địa bàn; trong đó, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an, Giao thông vận tải, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn quốc; đề xuất biện pháp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải trong phạm vi quản lý.