Một tờ báo địa phương Chile cho biết lý do hủy bỏ được dựa trên các cuộc biểu tình ở nước này. Tờ Biobiochile hôm thứ Tư, 30/10 cho biết, Tổng thống Pinera nói: “Đây là một quyết định rất khó khăn ... nhưng nó là quyết định sáng suốt dựa trên lẽ thường”.
Ông nói: “Mối quan tâm chính của chúng tôi là xây dựng lại trật tự công cộng, an toàn của công dân, xã hội hòa bình và thúc đẩy thông qua một chương trình nghị sự xã hội để đáp ứng nhu cầu chính của công dân”.
Tổng thống Chile cho biết chính phủ cũng sẽ không tổ chức Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 25) dự kiến vào tháng 12. Ông Pinera nói, chính phủ Chile đã đối thoại với tổng thống của các quốc gia khác để thông báo về việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Chile Pinera (giữa) tuyên bố hủy bỏ việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC do vấn đề bất ổn chính trị trong nước,
|
Ông Pinera nói tại dinh tổng thống: “Chúng tôi hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của APEC và COP đối với Chile và thế giới, nhưng quyết định của chúng tôi dựa trên lẽ thông thường. Tổng thống cần đặt người dân lên trên mọi thứ khác”.
Một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters rằng việc Chile hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh APEC khiến chính phủ Mỹ bất ngờ. Quan chức này cho biết chính phủ chỉ biết được quyết định này qua mạng truyền thông và đang tìm hiểu thêm thông tin. Điều này cho thấy quyết định hủy bỏ Hội nghị thượng đỉnh APEC không được Chile thông báo trước cho Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh APEC để thảo luận về hiệp định thương mại giai đoạn đầu mà hai nước có thể sẽ hoàn tất.
Cả Mỹ và Trung Quốc trước đây đã tuyên bố Hiệp ước giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ được ký bởi hai nguyên thủ quốc gia tại hội nghị APEC. Vì vậy, việc Chile tuyên bố không tổ chức APEC khiến cả Mỹ và Trung Quốc bất ngờ, vội vã tìm địa điểm mới cho cuộc gặp gỡ cấp cao và ký kết văn bản quan trọng này.
Cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ tại thủ đô Santiago ngày 25/10.
|
Cả hai bên Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực để đạt được sự đồng thuận về văn bản của hiệp định thương mại “giai đoạn đầu”. Hôm 28/10, ông Trump đã nói với các phóng viên tại căn cứ không quân Andrew trước khi đến Chicago: “Chúng ta dường như có hy vọng sẽ đạt được một phần rất lớn của hiệp nghị (thương mại) với Trung Quốc. Chúng ta gọi đó là Hiệp định giai đoạn đầu tiên, nhưng đây là một phần rất lớn (nội dung)”.
Hội nghị cấp cao APEC theo kế hoạch ban đầu dự kiến được tổ chức tại Chile vào ngày 16 và 17 tháng 11. Ông Trump cho biết hôm thứ Hai 28/10 rằng lễ ký kết sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC. Khi đó ông cũng đã đề cập đến những bất ổn chính trị gần đây ở Chile, nhưng bày tỏ tin tưởng rằng Chile có thể giải quyết được vấn đề.
Nguyên nhân gây nên tình hình chính trị bất ổn là Chính phủ Chile đã tăng giá vé tàu điện ngầm 4% vào ngày 6 tháng 10, dẫn đến việc nổ ra các cuộc biểu tình phản đối của học sinh các trường trung học và sinh viên đại học từ ngày 18/10, sau đó phát triển thành các cuộc biểu tình, bạo động chống chính phủ lan khắp cả nước diễn ra trong hơn 10 ngày, khiến ít nhất hơn 20 người thiệt mạng. Những người dân Chile tầng lớp bình dân cho rằng, tại quốc gia giàu có nhất Mỹ Latin này, họ không được hưởng thụ thành quả của sự phồn vinh kinh tế. Sự bất mãn đó đã dẫn đến phong trào chống chính phủ bùng nổ mà việc tăng giá vé tàu điện ngầm là giọt nước làm tràn ly.
Biểu tình biến thành bạo động tại thủ đô Santiago ngày 28/10.
|
Tổng thống Pinera ngày 28/10 đã tuyên bố cải tổ nội các quy mô lớn, thay thế chức vụ của 8 thành viên nhưng sau đó đã xảy ra đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Vào ngày 29 tháng 10, người dân Chile một lần nữa xuống đường biểu tình phản đối ông Pinera, đòi chính quyền tiến hành cải cách kinh tế và chính trị. Bạo động đã nổ ra trong các cuộc biểu tình, cảnh sát sử dụng vòi rồng và hơi cay đàn áp và những người biểu tình đã ném đá để chống trả. Gần 10.000 người đã tập trung tại “Plaza Italia” ở thủ đô Santiago và một số người đã tìm cách đột nhập dinh tổng thống được bảo vệ nghiêm ngặt, vì vậy đã xảy ra đụng độ với cảnh sát.
Hai bên Trung – Mỹ đã lên kế hoạch tiến hành cuộc gặp gỡ cấp cao Donald Trump – Tập Cận Bình trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Santiago ngày 16, 17/11. Nay với việc Tổng thống Pinela tuyên bố hủy bỏ việc tổ chức APEC, tiến trình ký kết hiệp nghị thương mại Mỹ - Trung rõ ràng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Hai bên Trung Quốc và Mỹ đang nỗ lực tìm địa điểm mới cho cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị APEC tại Santiago đã bị hủy bỏ
|
Tuy nhiên, từ phản ứng hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ, có thể thấy cả hai nước đều không muốn vì hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh APEC mà hai nước sẽ không thể đạt được thỏa thuận.
Hãng tin Bloomberg ngày 30 tháng 10 đã đưa tin: ông Hogan Gidley, phó phát ngôn viên của Nhà Trắng thông báo qua email: “Theo như tôi biết, không có tin tức liên quan đến địa điểm dự bị của hội nghị thượng đỉnh APEC. Chúng tôi đang chờ đợi tin tức”. Tuy nhiên, ông Gidely nói, “Chúng tôi vẫn mong muốn đạt được Hiệp định thương mại giai đoạn đầu lịch sử với Trung Quốc theo khung thời gian ban đầu”.
Hãng Fox News ngày 30 tháng 10 đưa tin: Trung Quốc đã đề xuất với Mỹ tổ chức một cuộc gặp gỡ hai nguyên thủ quốc gia tại Macao, Trung Quốc. Bản tin cũng cho biết lúc đầu thị trường phản ứng bất an về việc hủy bỏ hội nghị APEC; các chỉ số chứng khoán chủ yếu trên thị trường chứng khoán New York đã ngay lập tức giảm mạnh. Nhưng sau đó, các chỉ số chính đã tăng trở lại mức trước đó và dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Đài truyền hình CNBC cùng ngày 30 tháng 10 đưa tin và đánh giá việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh APEC không phải là một trở ngại nghiêm trọng đối với việc ký kết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nước sẽ không từ bỏ quyết tâm ký kết thỏa thuận thương mại chỉ vì một “vấn đề hậu cần” như vậy.
Theo Đa Chiều, Epochtimes