Theo mách nước của một nhân viên công ty tài chính, nếu chủ thẻ tín dụng quên mã PIN của thẻ nhưng đang cần tiền gấp có thể đến các cửa hàng có gắn biểu tượng tổ chức thẻ Visa, Master Card…là rút được mà không phải chịu lãi suất như rút ở máy ATM.
Ngày 5-6, trong vai người khánh hàng, phóng viên đã đến tiệm vàngK.H trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM và ngỏ ý rút 2 triệu đồng bằng thẻ tín dụng. Sau khi kiểm tra thông tin cá nhân, chủ tiệm thông báo: "Muốn rút tiền mặt anh phải mua vàng có giá trị tương ứng (2 triệu đồng - pv) và chịu mức phí là 3%. Chúng tôi sẽ đưa cho anh tiền và chứng từ thanh toán hàng hóa, đồng thời chịu mức phía thanh toàn 60.000 đồng”
Sau đó, chủ tiệm vàng cà thẻ tín dụng vào máy POS rồi đưa cho chúng tôi 1.940.000 đồng (đã trừ phí) cùng với chứng từ mua hàng hóa.
Tương tự, tại tiệm vàng B.T ở khu vực chợ ông Tạ (quận Tân Bình TP HCM) cũng chấp nhận cho chủ thẻ tín dụng rút tiền bằng thông qua hình thức mua vàng. Thế nhưng, tại tiệm này chủ thẻ phải trả cho chủ tiệm vàng mức phí đến 4%.
Anh Lê Văn Liêm (quận 7,TP HCM) cho biết do mất số PIN, mất thời gian đề nghị ngân hàng phát hành thẻ cấp lại nên anh thường đến một số tiệm vàng có máy POS để rút tiền mặt. Theo anh Liêm, dùng thẻ tín dụng rút tiền mặt thông qua hình thức mua hàng tại các tiệm vàng có chi phí thấp hơn so với rút tiền mặt tại máy ATM.
Theo các chuyên gia, khi chủ thẻ Visa, Master Card… rút tiền mặt tại máy ATM, tức chủ thẻ đã vay tiền và ngân hàng tính lãi suất ngay lập tức. Mặt khác, chủ thẻ còn phải trả phí 4% hoặc ít nhất là 60.000 đồng/lần rút tiền. Nếu cá nhân sử dụng thẻ tín dụng do ngân hàng A phát hành để rút tiền mặt tại máy ATM của ngân hàng B thì phải trả mức phí tối thiểu 80.000 đồng. Tính ra, chí phí cho việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng tại máy ATM là khá cao.
Trong khi đó, nếu rút tiền mặt tại tiệm vàng qua hình thức mua hàng hóa chỉ trả phí 3%-4%, còn lãi suất thì được hưởng 0% trong vòng 45-50 ngày. Vì thế, hiện nay nhiều chủ thẻ tín dụng thường đến tiệm vàng rút tiền mặt để không bị tính lãi suất.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phụ trách mảng ATM của một ngân hàng lớn ở TP HCM thừa nhận một số điểm chấp nhận thẻ đã “lách” hình thức thanh toán khiến ngân hàng bó tay. Bởi lẽ, điểm chấp nhận thẻ vẫn thể hiện được chứng từ giao dịch, doanh số bán hàng và được ngân hàng cập nhật, lưu trữ.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phát hành thẻ chấm dứt hợp đồng nếu các điểm thanh toán thẻ vi phạm quy định giao dịch. Thế nhưng, giới phân tích cho rằng do việc núp bóng rút tiền mặt đem lại lợi ích cho 3 bên (ngân hàng, điểm chấp nhận thanh toán và chủ thẻ) nên có thể ngân hàng đã bỏ qua hiện tượng này.
Ví dụ, chủ thẻ tín dụng muốn rút 10 triệu đồng tại máy ATM phải đóng phí cho ngân hàng 400.000 đồng, đồng thời ngân hàng tính ngay lãi suất từ 15%-20%/năm. Trong khi đó, chủ thẻ rút 10 triệu đồng thông qua hình thức mua hàng hóa tại tiệm vàng chỉ trả phí 300.000 đồng (3%) và được miễn lãi suất trong vòng 45 – 50 ngày. Với số tiền thu được, chủ tiệm vàng đã có lợi vì chỉ nộp lại cho ngân hàng 1,5%-2%. Ngân hàng phát hành thẻ cũng thu được lợi nhuận từ việc nộp phí của chủ tiệm vàng. Từ đó, ý nghĩa của việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã bị méo mó.
Một số chuyên gia tài chính khuyến nghị các ngân hàng cần giảm bớt các mức phí liên quan đến việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng mới có thể hạn chế được hiện tượng chủ thẻ mua hàng hóa nhưng thực chất lại nhận tiền mặt, biến điểm chấp thẻ trở thành đơn vị cho vay nóng.
Theo: CafeF