Chiến lược phát triển CNTT BIDV: Tiếp tục chinh phục vị trí dẫn đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  CNTT BIDV đã đi qua một chặng đường 30 năm hình thành và phát triển. Có thể nói, đó là một tiến một bước dài với biết bao thành tựu đáng ghi nhận và tự hào.
TT CNTT BIDV nhận Huân chương lao động hạng 3 năm 2016
TT CNTT BIDV nhận Huân chương lao động hạng 3 năm 2016

Từ giai đoạn khởi đầu, hình thành và xây dựng 1991 – 1994, đến giai đoạn củng cố và phát triển 1995 – 2000, rồi giai đoạn chuyển đổi hệ thống 2001 – 2005 hay giai đoạn đột phá/hiện đại hóa từ năm 2006 đến nay, ở bất kỳ thời điểm nào, trong mỗi thành quả của BIDV cũng đều ghi đậm nét dấu ấn của CNTT, không chỉ ở lĩnh vực quản trị điều hành mà còn ghi dấu ấn đậm nét trong mảng kinh doanh, lợi nhuận, cạnh tranh, hội nhập...

Nói như cách nói của nguyên Chủ tịch BIDV Phùng Thị Vân Anh là : CNTT BIDV đã đi từ không đến có, từ có ít đến có nhiều, từ thao tác thủ công sang quản l‎í bằng máy tính, từ thô sơ lạc hậu đến đi tắt đón đầu, tự tin, tiên phong tạo sự khác biệt, trở thành một cấu phần quan trọng, là điểm then chốt trong quá trình phát triển, đầu tàu dẫn dắt các hoạt động nghiệp vụ khác...

Và giờ đây, CNTT BIDV đã khẳng định được uy tín và vị thế quan trọng và không thể thiếu của mình, không chỉ trong quan hệ hợp tác, triển khai các hoạt động về CNTT với các đối tác, các hãng và khách hàng là các tổ chức, cá nhân mà còn luôn giữ vai trò chủ đạo, là yếu tố then chốt trong phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ, nâng cao tính cạnh tranh, tăng trưởng và đổi mới mô hình hoạt động của BIDV khi Việt Nam bước vào hội nhập quốc tế, được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá là một trong những ngân hàng có nền CNTT mạnh hàng đầu Việt Nam.

Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển CNTT giai đoạn 2015-2020

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, hoạt động CNTT của BIDV đã có nhiều bước phát triển vượt trội, nhờ bám sát các mục tiêu, định hướng đề ra trong Chiến lược phát triển CNTT 2015-2020.Theo đó, BIDV đã đầu tư phát triển các giải pháp CNTT toàn diện, phục vụ các hoạt động kinh doanh đa dạng theo định hướng Tập đoàn tài chính – ngân hàng; thực hiện đầu tư mua sắm hoặc tự phát triển nhiều hệ thống CNTT phục vụ các mảng ngân hàng bán buôn, ngân hàng bán lẻ, kinh doanh vốn và hệ thống CNTT cốt lõi cho các đơn vị thành viên.

Đến hết năm 2020, hoạt động CNTT tại BIDV về cơ bản đã được triển khai theo đúng định hướng, đáp ứng lộ trình, kế hoạch theo 5 mục tiêu lớn đã đề ra. Đó là hiện đại hóa hệ thống công nghệ ngân hàng. Với thành công này, BIDV đã hoàn thành triển khai hạ tầng tích hợp theo chuẩn SOA, triển khai mở rộng tích hợp cho các ứng dụng của BIDV, đây là dự án tiền đề chuyển đổi hệ thống corebanking mới. Cùng với đó, hoàn thành triển khai và đưa vào sử dụng hệ thống tài trợ thương mại mới cuối năm 2020. Hiện, Dự án Chuyển đổi Corebanking mới đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng triển khai, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, BIDV đã phát triển thành công các hoạt động kinh doanh theo mô hình Ngân hàng số. Không chỉ đầu tư mua sắm hoặc tự phát triển nhiều ứng dụng kênh phân phối hiện đại, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và khách hàng định chế tài chính với các hệ thống Ngân hàng điện tử tiêu biểu như: Internet/Mobile Banking, Smart Banking; các hệ thống thanh toán/chấp nhận Thẻ; hệ thống thanh toán song biên/đa biên với các TCTD khác …BIDV còn hoàn thành tốt việc triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ phát triển Ngân hàng số theo định hướng của HĐQT: Phát triển, bổ sung các tính năng của hệ thống Ibank, Smartbanking, BIDV mobile, Mobile Payment, thanh toán QRcode, Samsungpay, Contactless, máy ATM đa năng; Nghiên cứu, triển khai CRM, Omnichanel, Open API, eKyC, Robotic, Data Analyst, …

Năm 2020 cũng là năm dấu ấn khi BIDV đã thành công trong việc tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản trị điều hành một cách đa dạng, đầy đủ trên các mặt hoạt động, như: Hệ thống báo cáo quản trị điều hành (MIS). Với hệ thống này, đã giúp BIDV trở thành một trong số các ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công và đưa vào sử dụng hệ thống Kho dữ liệu tập trung và hạ tầng đồng bộ về kho dữ liệu dựa trên mô hình, kiến trúc hiện đại theo thông lệ quốc tế của IBM; Hệ thống MPA giúp đưa BIDV trở thành một trong số rất ít các ngân hàng Việt Nam có được hệ thống đo lường lợi nhuận đa chiều chi tiết từ sản phẩm, khách hàng, khối kinh doanh đến đơn vị tổ chức, vùng miền. Rồi, hệ thống ERP khi được đưa vào sử dụng đã đáp ứng các nhu cầu về quản trị tài chính và nghiệp vụ kế toán tuân theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế cũng như các yêu cầu đặc thù tại Việt Nam, có khả năng hỗ trợ các mục tiêu phát triển trong dài hạn của BIDV.

Chưa kể các hệ thống khác như Hệ thống thống kê, phân tích số liệu phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và các hệ thống hỗ trợ quản trị rủi ro khác đã và đang từng bước giúp BIDV có được các công cụ để hỗ trợ và quản trị rủi ro theo các quy định của NHNN và các thông lệ tốt trên thế giới; Hệ thống Quản lý văn bản trên toàn BIDV đã góp phần đổi mới, cải tiến thủ tục hành chính, hỗ trợ đắc lực hoạt động Quản trị điều hành từ HSC tới các đơn vị.

Một thành công nữa không thể không nhắc đến trong năm 2020 của BIDV đó là khả năng chuẩn hóa cơ sở hạ tầng CNTT và an ninh bảo mật cũng như kiện toàn chức năng nhiệm vụ, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý theo thông lệ quốc tế. Các giải pháp về hạ tầng CNTT, an ninh bảo mật như: Đầu tư hạ tầng bảo mật cho ứng dụng kết nối Internet, nâng cấp hệ thống mạng theo hướng hệ thống mạng hợp nhất đa dịch vụ đã được BIDV hoàn thành; Trung tâm dữ liệu mới tại Duy tân – Cầu Giấy đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng... Năm 2020 cũng là năm mà BIDV thành lập Trung tâm Ngân hàng số và xây dựng Chiến lược phát triển NHS giai đoạn 2020-2025; Hoàn thành việc triển khai Đề án thí điểm đào tạo chuyên gia CNTT với 04 cán bộ được công nhận chuyên gia CNTT; Hoàn thành xây dựng và ban hành Đề án đào tạo và tuyển dụng chuyên gia CNTT giai đoạn 2020-2025...

Những thành tựu của CNTT BIDV trong suốt 30 năm qua nói chung và năm 2020 nói riêng đã được đánh giá và ghi nhận bằng một loạt các giải thưởng danh giá mà các tổ chức quốc tế và Việt Nam ghi nhận, như: CNTT BIDV được đánh giá là vị trí số 1 về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index) trong khối các ngân hàng thương mại Việt Nam do Hội Tin học Việt Nam và Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức đánh giá, liên tiếp từ năm 2007 đến nay; Giải thưởng quốc tế danh tiếng “Ngân hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam” do tạp chí Asiamoney trao tặng các năm 2007, 2008, 2009, 2013 và 2014; Năm 2016, Trung tâm CNTT BIDV được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 và Ban Công nghệ được tặng Bằng khen Thủ tướng chính phủ... Và mới nhất, năm 2020, BIDV được IDG trao tặng Giải thưởng Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu và danh hiệu Ngân hàng năng động nhất trong việc hợp tác triển khai các dự án với NAPAS do NAPAS đánh giá và trao tặng.

Để CNTT BIDV đạt được những giải thưởng danh giá nói trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là nhờ HĐQT và Ban Lãnh đạo BIDV đã luôn đánh giá cao tầm quan trọng của CNTT, xem CNTT là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược hoạt động ngân hàng, từ đó đặt ra các mục tiêu định hướng dài hạn về CNTT một cách tổng thể, bám sát định hướng, chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, công tác xây dựng chiến lược CNTT được đầu tư, thực hiện bài bản, chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc thuê các công ty tư vấn quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực CNTT như IBM, PwC... đã giúp BIDV xác định được các dự án trọng điểm, lộ trình triển khai các dự án để xây dựng được hệ thống CNTT hiện đại, tiệm cận với trình độ phát triển CNTT của các NHTM trong khu vực và trên thế giới, làm cơ sở để BIDV tự tin hội nhập quốc tế.

Mục tiêu, định hướng phát triển CNTT đến năm 2025, tầm nhìn 2030

Mặc dù CNTT của BIDV đã thu được nhiều thành tựu vượt trội, nhưng để cạnh tranh với các NH trong nước cũng như khu vực trong thế giới phẳng này, phía trước vẫn đặt ra nhiều thử thách đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu bứt phá mạnh mẽ không ngừng.

Ý thức được điều này, trong mục tiêu, định hướng phát triển CNTT đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Ban Lãnh đạo BIDV cũng đã xác định: Công nghệ và ngân hàng số là một trong ba trụ cột phát triển của BIDV. Phải quyết tâm phấn đấu là Ngân hàng đi đầu về CNTT và ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam trong hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành, có khả năng thích ứng được với sự thay đổi của thời đại.

Cùng với đó, phải tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị điều hành và phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ ngân hàng số. Xem ứng dụng CNTT phải trở thành thành tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho việc triển khai Chiến lược phát triển kinh doanh BIDV, giúp nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách về công nghệ ngân hàng so với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Cụ thể, trước mắt, định hướng phát triển CNTT đến năm 2025 mà BIDV đặt ra tập trung vào 3 mục tiêu chính: Thứ nhất: tập trung phát triển ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Theo đó, cần ứng dụng rộng rãi và thành công các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 vào tổng thể các hoạt động nghiệp vụ để hiện đại hóa, thay đổi diện mạo ngân hàng theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng và hoàn thiện kiến trúc CNTT tổng thể để làm nền tảng cho quá trình phát triển và triển khai các hệ thống, phần mềm CNTT tại BIDV; Triển khai hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới theo thiết kế của ngân hàng số với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, tự động hóa xử lý và kiểm soát rủi ro; Xây dựng, triển khai ngân hàng số theo hướng ưu tiên số hóa các quy trình nghiệp vụ và kênh tiếp cận, phân phối sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng cũng như nắm bắt các xu hướng công nghệ mới để cung cấp các sản phẩm sáng tạo qua các kênh phân phối hiện đại tạo đột phá trong việc phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ.

Ngoài ra, CNTT BIDV sẽ tập trung phát triển và kiện toàn các kênh giao dịch điện tử, kênh phân phối số hóa hiện đại và đồng bộ thông qua nền tảng hợp nhất kênh (Omni-channel) phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, nâng cao trải nghiệm khách hàng và dịch vụ khách hàng; Tăng cường hợp tác với các tổ chức Fintech/Bigtech để xây dựng các hệ sinh thái ngân hàng kết nối với nhiều đối tác bên ngoài/các fintech.

Thứ 2, phát triển cơ sở hạ tầng CNTT:

Một mặt, BIDV tăng cường năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT, đảm bảo đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh, nhu cầu tăng trưởng của BIDV và tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế cũng như kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động quản trị CNTT, phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động CNTT và đáp ứng nhu cầu phát triển của BIDV. Mặt khác, BIDV tập trung nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để sử dụng dịch vụ điện toán đám mây ngay khi có quy định sử dụng của các Bộ, ngành tại Việt Nam; Xây dựng, quản lý, vận hành hạ tầng CNTT, mạng, truyền thông đáp ứng cơ bản các tiêu chuẩn quốc tế thông dụng về CNTT như Cobit, ITIL và tuân thủ đầy đủ các quy định của NHNN về hạ tầng CNTT. Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng kiến trúc mạng LAN, WAN tại trung tâm dữ liệu theo chuẩn DCNA (Data Center Network Architecture) hoặc tương đương từ năm 2021, phấn đấu trước năm 2025, BIDV có hai Trung tâm dữ liệu hoạt động theo chế độ song song

Thứ 3, tăng cường an ninh, an toàn hệ thống thông tin

Để đạt được mục tiêu này, trước tiên, BIDV sẽ chú trọng đầu tư, triển khai các giải pháp an ninh, bảo mật tương xứng với mức độ quan trọng và rủi ro của hệ thống thông tin, trong đó chú trọng đến các hệ thống thanh toán, hệ thống ngân hàng lõi và các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng để đảm bảo duy trì hoạt động, nghiệp vụ liên tục, an toàn trước các rủi ro về CNTT và tấn công mạng.

BIDV cũng sẽ tập trung triển khai hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ về an ninh thông tin trên phạm vi toàn tổ chức; Hoàn thiện mô hình, năng lực của Trung tâm giám sát mạng (SoC) tại TT CNTT đảm bảo có khả năng giám sát, phát hiện sớm các rủi ro an ninh, các hành vi xâm nhập, tấn công mạng vào hệ thống CNTT của BIDV cũng như hoàn thiện các quy trình, kịch bản và tổ chức diễn tập định kỳ, ứng phó với các sự cố, rủi ro mất an toàn thông tin cho toàn thể các đối tượng có thể bị tác động nhằm nâng cao năng lực ngăn chặn, giảm thiểu các tác động tiêu cực, hậu quả của các cuộc tấn công mạng.

Và để đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng theo hướng kiểm soát rủi ro CNTT theo các khuôn khổ pháp lý về công tác đảm bảo an ninh thông tin trong ngành Ngân hàng của NHNN, BIDV sẽ ưu tiênn triển khai xây dựng các quy định, các công cụ hỗ trợ; Nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về an ninh mạng để từng bước chuẩn hóa, nâng cao năng lực phòng chống tấn công và đảm bảo an toàn hoạt động trên không gian mạng, cũng như tích cực tham gia hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thuộc Mạng lưới ứng cứu sự cố An ninh thông tin ngành Ngân hàng và hợp tác với các tổ chức an ninh thông tin trong và ngoài nước.

Với mục tiêu và các định hướng chiến lược phát triển CNTT nêu trên, với nền tảng, vị thế, và uy tín đã được dựng xây, bồi đắp suốt 30 năm qua, chắc chắn BIDV sẽ trở thành ngân hàng đi đầu về CNTT và ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam trong hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành, thích ứng được với sự thay đổi của thời đại./.