Chiến lược biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc

VietTimes -- Trong một động thái gây hấn hơn, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), cũng như tên lửa đất đối không (SAM) tới 3 hòn đảo đá chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là: đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Su Bi. Đây là một phần chiến lược theo học thuyết "Tứ Toàn" của Bắc Kinh, chuyên trang RCD cho biết. 
Theo RCL, việc Trung Quốc triển khai thêm sức mạnh quân sự tại Biển Đông có thể coi là một hành động thách thức Tòa án Trọng tài thường trực PCA. Những hành động của Trung Quốc cũng là sự chế nhạo những lời hứa của ông Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông và gây thêm quan ngại về tuyên bố của Trung Quốc là sẽ không tìm cách trở thành bá chủ trên thế giới. 
Hệ thống tên lửa hành trình chống hạm được triển khai là YJ-12B - một trong những hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại nhất của Trung Quốc. Với tầm bắn 545km, bay với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh và có khả năng tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa, tầm bắn cùng tốc độ của YJ-12B khiến nó rất khó đánh chặn và là kẻ thù nguy hiểm của những tàu chiến trên mặt nước. Loại tên lửa hành trình chống hạm này đã khiến Mỹ phải phát triển khả năng phối hợp tham chiến (CEC) cùng với những đồng minh bao gồm cả Úc.
Tên lửa hành trình YJ-12B.

Khả năng phối hợp tham chiến (CEC) đã được thử nghiệm trên tàu tuần dương HMAS Hobart và NuShip Brisbane. CEC kết hợp dữ liệu từ các cảm biến trên nhiều tàu khác nhau để tạo ra một bức tranh toàn cảnh thực tế cho phép các tàu hải quân trên mặt nước có thể chống lại các tên lửa tầm xa tốc độ cao một cách hiệu quả. CEC cũng là một phần của ý tưởng về mạng lưới kiểm soát hỏa lực phòng không tích hợp cho hải quân (NIFC-CA), Úc đã thử nghiệm ý tưởng này bằng cách kết hợp hệ thống E-& Wedgetail và tên lửa phòng không kết hợp AIR 6500. 

Việc Trung Quốc triển khai các tên lửa hành trình cùng tên lửa đất đối không HQ-9B tại các căn cứ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nâng cao khả năng cho Bắc Kinh phòng thủ các căn cứ này. HQ-9B được xem có hiệu năng tương đương với tên lửa SA-20 của Nga, là một hệ thống phòng không hiệu quả bao gồm cả việc chống lại những tên lửa hành trình. Cả hai hệ thống tên lửa này giúp cho Trung Quốc nâng cao khả năng chống tiếp cận - chống xâm nhập trên Biển Đông. 
Tên lửa đất đối không HQ-9B.

Việc triển khai tên lửa gần đây nhất của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ ngừng quân sự hóa Biển Đông. Trong tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục thiết lập cơ sở quân sự trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đã kiểm soát những vùng biển xung quanh bãi cạn này và Trung Quốc cũng tuyên bố mình có quyền thiết lập một "trạm theo dõi môi trường" trên đó. 

Bất cứ hành động quân sự hóa bãi cạn này trong tương lai giống như những gì Trung Quốc đã thực thi trái phép trên đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập sẽ tăng khả năng cô lập Đài Loan bằng cách phong tỏa ở một khoảng cách nhất định mà không khiến các tàu trên mặt nước gặp rủi ro khi tiếp cận gần lãnh thổ của Đài Bắc. Nó cũng giúp cho Trung Quốc có khả năng hiện diện quân sự cách Manila chỉ 350km.
Hiện tại, Trung Quốc chưa vội vươn tay tới bãi cạn Scarborough. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang thể hiện sự gần gũi với Bắc Kinh bằng cách chấp nhận cho Trung Quốc kiểm soát những vùng đánh cá xung quanh bãi cạn và tranh luận việc Trung Quốc triển khai tên lửa là để "bảo vệ Philippines". Ông Duterte có vẻ như đang sẵn sàng chấp nhận những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc để đổi lại sự đầu tư kinh tế vào nước mình. Và nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ kéo dài tới tận năm 2022, Trung Quốc có thể hành động một cách khiêu khích hơn nếu người kế nhiệm của tổng thống Philippines không có thái độ phục tùng. 
Máy bay ném bom H-6K  của Trung Quốc.

Tiếp theo, Trung Quốc có khả năng triển khai không lực trên những căn cứ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Trung Quốc đã bắt đầu đưa máy bay ném bom H-6K diễn tập trái phép tại quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc triển khai máy bay tại quần đảo Trường Sa cũng sẽ khiến vùng lãnh thổ phía bắc của Úc rơi vào tầm tên lửa. Đưa máy bay chiến đấu ra được những hòn đảo chiếm đóng trái phép cũng sẽ khiến cho Bắc Kinh có thể tuyên bố lập ra vùng nhận diện phòng không ADIZ trên hầu hết Biển Đông và đảm bảo ưu thế trên không trên toàn bộ vùng biển. 

Về cấp độ chiến lược, việc quân sự hóa Biển Đông giúp cho Trung Quốc có khả năng kiểm soát toàn bộ vùng biển và chuyển nó thành một ngõ hẹp chiến lược thuộc quyền kiểm soát của mình. Điều này cũng khiến cho Bắc Kinh có một bước lấn tới tiếp theo với ý tưởng biến  cái gọi là "đường 9 đoạn" trên Biển Đông thành một đường liền mạch - một phần của học thuyết "Tứ Toàn" của Trung Quốc. 
Học thuyết "Tứ Toàn" thay đổi cách Trung Quốc quan niệm về lãnh thổ gây tranh cãi, họ coi những hòn đảo đơn lẻ là một phần của quần đảo và tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên những hòn đảo cùng vùng kinh tế đặc quyền của các nước một cách trái phép. Những tuyên bố mới của Bắc Kinh hoàn toàn chống lại những phán quyết của Tòa Trọng Tài. Nếu cái gọi "đường 9 đoạn" trở thành một đường liền mạch thì Trung Quốc rất có thể sẽ ngang nhiên tuyên bố toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của họ. 
Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Về mặt quân sự, việc triển khai tên lửa gần đây nhất của Trung Quốc khiến hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ thêm rủi ro. Úc không tuần tra FONOP nhưng có những cuộc tập trận trong khu vực tự do hải hành của mình với máy bay tuần tra RAAF P-8 Poseidon cùng các vũ khí hải quân khác. 

Việc Trung Quốc triển khai phi pháp tên lửa tại Biển Đông làm tăng khả năng bất cứ một sự xô xát nào với Mỹ và các đồng minh (bao gồm cả Úc) có thể biến thành một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng. Như chuyên gia về Trung Quốc Andrew Erickson đã nhấn mạnh những quan ngại trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015:
"Tới năm 2020, Trung Quốc sẵn sàng đối phó với Mỹ bằng cách triển khao một số lượng lớn tên lửa với tầm xa hơn các hệ thống tàu của Mỹ có thể phòng thủ chống lại chúng".
Việc triển khai tên lửa cũng sẽ không làm cho Mỹ hủy bỏ những cuộc tập trận hợp pháp theo luật quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải trên các vùng biển và không phận phía trên chúng. Nhưng tên lửa Trung Quốc đặt trái phép trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ gây nguy hiểm hơn cho các chiến dịch của Mỹ và tăng khả năng leo thang căng thẳng và xung đột.